Đây là Hồ Chủ tịch vừa qua một cơn mệt nặng đến nỗi đã có lúc “có ý muốn dặn lại công việc” (xem hồi ký Từ nhân dân mà ra của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Giữa lúc bệnh tình nguy kịch, mê nhiều hơn tỉnh, mà cứ hễ tỉnh là…, thì bây giờ đã đỡ nhiều, dĩ nhiên càng dặn dò công việc… Bác nhắc nhở Đại tướng những vấn đề chiến lược, còn đối với các đại biểu đang sắp sửa trực tiếp tiến hành khởi nghĩa thì căn dặn những chuyện rất tỉ mỉ… Nếu không có con người lạ lùng ấy kiên trì động viên, chỉ đạo, hướng dẫn tất cả mọi người xuyên suốt những năm tháng cực kỳ khó khăn, thì chắc chắn hôm nay “tôi” không được “hồi hộp niềm yêu mến, tự hào” trước hàng hàng bộ đội sắp lên đường đi giải phóng đất nước… Tổng khởi nghĩa lại chỉ là lúc bắt đầu những năm tháng khó khăn hơn nữa. Và vẫn con người ấy sẽ tiếp tục làm cái công việc vô cùng quan trọng mà chỉ có mình làm được. (Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, “Tân Trào năm ấy”




Đầu tháng tám năm 1945, tôi được Hội Văn hóa Cứu quốc cử làm đại biểu cùng anh Khuất Duy Tiến lên chiến khu Việt Bắc để dự hội nghị do Tổng bộ Việt Minh triệu tập (...)

Một ông già quần áo vải chàm, như một ông ké người Nùng, dáng yếu mệt, chống gậy vào hội trường. Ông cụ người gầy, có chòm râu đen lưa thưa, vầng trán cao, đôi mắt rất sáng (...) bắt đầu nói thong thả, chẳng khác nói chuyện bình thường. Giọng cụ ấm, gần gũi (...)

Đại hội nghỉ họp, để đưa tiễn bộ đội Giải phóng quân tiến về Thái Nguyên đánh Nhật. Tôi đi cùng mấy đại biểu ra bờ suối, xem mấy anh du kích thử lựu đạn do Việt Minh sản xuất. Bỗng, tôi đứng lại, ngây người nhìn về phía bản, từ trong núi xanh, đang tiến ra một hàng bộ đội Giải phóng quân. Dòng bộ đội mỗi lúc một dài ra mãi, qua bản, đi về phía suối. Nhiều anh khoác tiểu liên bóng loáng. Và còn những khẩu súng máy nữa. Trong lòng tôi hồi hộp niềm yêu mến, tự hào. Đã biết bao nhiêu năm... Bây giờ đất nước đã có bộ đội cách mạng mà tôi đang nhìn thấy kia (...)

Bộ đội đã tập trung, xếp thành một khối dài ở bờ suối. Tất cả cái đại biểu đứng tụm trước anh em. Anh Trần Huy Liệu bước ra, nói lời chào và chúc chiến thắng. Bỗng cất lên tiếng hát của cả khối người sắp lên đường ra trận. “Cờ giải phóng phất cao, mau thẳng tiến – trời phương nam, dân chúng đang mong chờ...”. Tiếng hát mạnh mẽ, như phấp phới giữa núi rừng. Anh Võ Nguyên Giáp đứng trước những hàng quân, tiếng anh sang sảng giao nhiệm vụ và ra lệnh, các hàng quân chuyển động rồi qua suối, đi xa dần (...)

Trong câu chuyện vui với các đại biểu, Bác có dẫn mấy câu Kiều (...) “Đến bây giờ, mới thấy đây, mà lòng đã chắc những ngày một hai”. Một đại biểu nói: “Bác xa nước lâu thế vẫn nhớ Kiều”. Bác vui vẻ trả lời: “Càng xa mới càng nhớ chứ” (...)

Bác cho triệu tập tất cả các đại biểu đến một nhà sàn để gặp Bác. Tôi vẫn nhớ đó là một căn nhà bỏ trống, chắc là mượn của một gia đình trong bản. Các đại biểu ngồi xúm xít quanh cái bếp lạnh giữa nhà. Bác đến, trông vẫn yếu nhiều, khi lên cầu thang phải có người đỡ. Bác ngồi tựa vào một cột nhà, thở mệt. Bên kiềng bếp chỉ có một chiếc ấm đất với một chiếc bát cũ, đã mẻ. Một chị đại biểu Hà Nội vội rót bát nước trà nguội, bưng đến. Bác uống nước rồi dặn dò các đại biểu những công việc rất tỉ mỉ. Như khi khởi nghĩa, phải làm sao thu lấy súng, càng nhiều càng tốt, rồi gom lại cất giấu cẩn thận (...) Tự vệ Việt Minh đừng có nghênh ngang súng ống, quân Đồng Minh nó thấy, sẽ đòi tước vũ khí, sinh chuyện. Nếu xảy chuyện, không được bắn. Hoặc nếu có quân Pháp nhảy dù xuống đâu, không được giết, phải bắt sống đưa ngay lên Tổng bộ Việt Minh v.v. (...)


(Nguyễn Đình Thi, “Tân Trào năm ấy”,
99 góc nhìn văn hiến Việt Nam, nxb. Thông Tấn, 2006)