Giặc thương nước giặc lắm, thương tới nỗi chở đại bác đi khắp thế giới nã đùng đùng, bắt nước người ta phải nhận làm “con” nước mình!!! Mày thương nước mày kiểu đó thì nghĩa vụ của tao là ngày đêm chuẩn bị, chờ ngày đánh bỏ mẹ mày! “Chim kia có cánh...”. “Những chữ giản đơn” coi vậy mà không phải ai cũng “thấm”. Rồi trong số có thấm, không phải ai cũng sẵn sàng “chết ở chiến trường”. Nhờ đông đảo người Việt Nam không thuộc hai thành phần ấy, nước Việt Nam mới rút cuộc trở lại độc lập. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Chim kia có cánh thì bay”




Thầy giáo Liêu (...) biết yêu nghề từ (...) cái ngày bà con bận quần áo bố vác hèo gậy hô khẩu hiệu đánh Tây đuổi Nhật kéo đi rần rần (...) Từ đó ông không coi hai buổi đến trường dạy học là một hình phạt nữa (...) Từ đó mắt ông thường sáng rực lên mỗi khi nghe lũ học trò nhỏ của ông cất giọng trong trẻo, đọc ăn rập từng chữ một:

“Chim kia có cánh thì bay
Con ơi! Có nước thì mày phải thương
Chẳng thà chết ở chiến trường
Còn hơn chết ở trên giường thê nhi
Nghe lời mẹ cố lên đi!
Nước không độc lập, sống làm gì con ơi!”.


Những chữ giản đơn ấy từ những đôi môi thơ trẻ đọc lên nghe sao thấm thía tận đáy lòng. Ông nhìn qua những gương mặt non nớt ấy mà thấy cả một tương lai huy hoàng sáng lạn, mơ tới những ngày đồng ruộng rộn rã tiếng cười vui, ngày nước nhà hoàn toàn độc lập, toàn dân tự do, no ấm (...)

Ngày đó chưa tới, vì Tây đang đóng bốt ở xóm Đình. Ông phải lui về Xẻo Quao dạy học. Tây không phát lương cho ông thì có chú Năm nuôi cơm, bà con lối xóm may quần áo, mua thuốc hút cho ông. Trẻ con học, người lớn cũng đi học.

Xếp đồn có cho hương quản Ngà vô kêu ông ra Đình dạy, nó sẽ phát lương cho, nhưng ông nghĩ: đồng bào ở Xẻo Quao này cũng cần biết chữ vậy. Ra đình, học trò của ông sẽ không được học những bài như như bài “Chim kia có cánh...”. Vắng những tiếng đó, đời ông sẽ không còn ý nghĩa nữa (...)

Tây cho ông cứng đầu nên kéo vô đốt trường ông. Thầy trò chạy trốn. Tây về, bữa sau bà con ráp nhau đốn bần dựng lại trường mới. Chiều chiều lại nghe trẻ con hát ăn rập:

“Chim kia có cánh thì bay
Con ơi! Có nước thì mày phải thương...”.


Ăn hột cơm, bận manh áo do mồ hôi nước mắt của nông dân (...) chỉ cho họ biết chữ nghĩa để cùng nhau giành độc lập cho nước nhà, ông thấy đời ông có ý nghĩa quá! Nó liên quan mật thiết đến người chung quanh quá (...)

(Chín mười năm sau, hoàn cảnh khiến thầy giáo Liêu phải rời Xẻo Quao.) Sáng sớm hơi sương lờ mờ. Nước ròng chảy xiết. Lá dừa nước run êm như đang phát rét. Ông giáo nhìn lên bờ, bà con lối xóm đứng đông, mấy đứa nhỏ thút thít khóc. Nước ròng vẫn chảy băng băng. Nước cạn rồi thì nước sẽ đầy. Ông vẫy tay, nhóng cổ lên nói vội:

- Chú Năm nhớ kèm mấy đứa nhỏ học tiếp nghe. Đừng bỏ nửa chừng uổng lắm. Bà con ráng làm ăn (...)


(Trích từ truyện ngắn Nước Cạn. Nhan đề tạm đặt.)