“Tại sao Đông, Tây phân biệt”




Một nhân loại, vì sao hai triết?

Triết là nhận thức về bản chất của thực tại.

Thực tại xưa kia, khi con người chưa có kỹ thuật tiến bộ, là môi trường tự nhiên. Hẳn vì tự nhiên ở đất gốc của triết Ðông khác hẳn tự nhiên ở đất gốc của triết Tây mà nhân loại hai phương nẩy hai thứ triết trái ngược nhau.

Đất gốc của triết Ðông là Đông Nam Á Cổ (ĐNÁC), gồm Đông Nam Á hiện đại cộng Hoa Nam cộng Ấn-độ. Còn đất gốc của triết Tây là vùng Lưỡi Liềm Phì Nhiêu (LLPN) (Fertile Crescent) ở Tây Á. ĐNÁC đầy rừng rậm. Trong khi LLPN tuy gồm rất nhiều vùng cao độ khác nhau, vừa có núi tuyết vừa có sa mạc, nhưng kể cả ở châu thổ các con sông lớn, tương đối hiếm rừng. Nghĩa là so với ĐNÁC, LLPN đất đai trống trải hơn nhiều và do đó có mức đa dạng sinh thấp hơn đáng kể. Vẫn biết rằng xưa kia vùng LLPN xanh tươi hơn bây giờ, nhưng chắc chắn ngay cả vào lúc “xanh” nhất của nó, LLPN cũng không thể nào so sánh với ĐNÁC về phương diện này.

*

Tự nhiên ảnh hưởng cách kiếm ăn. Ở ÐNÁC, cư dân khai phá rừng rậm mà làm một thứ kinh tế thuần túy nông nghiệp rất vất vả. Ở LLPN, nhân loại trồng trọt đỡ vất vả hơn, có điều kiện để chăn nuôi qui mô lớn theo lối du mục và phát triển việc buôn bán. Nói chung, làm kinh tế ở ĐNÁC đòi hỏi cư dân phải hợp tác với nhau chặt chẽ hơn là ở LLPN.

Tự nhiên ảnh hưởng nếp ở. Người ÐNÁC hầu hết sống ở thôn quê (1), người LLPN phần lớn cư ngụ trong thành phố. Thôn quê nhà rải rác nhưng có tình làng nghĩa xóm, thành phố nhà san sát nhưng người cùng khu phố nhiều khi lạ nhau.

Tự nhiên ảnh hưởng hướng nhận thức. Hình như ở nơi cây cối rậm rạp, sinh vật vô số loài, con người ta dễ nẩy ra ý chan hòa với tự nhiên hơn là ở nơi cây cối thưa thớt, chủng loại sinh vật tương đối nghèo nàn.

Tự nhiên ảnh hưởng đến chính não bộ, thông qua thực phẩm! Chúng tôi sẽ trình bày rõ ràng nghĩ ngợi của mình về chuyện này trong một bài khác. Ở đây chỉ xin đưa ra kết luận rằng dường như do hai thực đơn căn bản rất khác nhau mà nhân loại Đông, Tây rút cuộc đi đến hai thứ triết tương phản!

Tác động vừa gián tiếp vừa trực tiếp, môi trường ở ĐNÁC kết người với người và kết người với tự nhiên. Trong khi ở LLPN chuyện đã xẩy ra ngược lại.

Dĩ nhiên phải mất khá lâu thì những tác động vừa kể mới khiến ra đời triết và triết. Nhất thể với nhị nguyên mới xuất hiện trong óc người khoảng hơn ba ngàn năm nay thôi.

*

Tại sao xưa kia Aryan thắng Dravidian và Hoa thắng Việt mà sau đó lại nhiễm nặng văn hóa tinh thần của phía bại trận?(2)

Hẳn vì văn hóa vật chất của Aryan và Hoa đã không đủ cao để chế ngự tự nhiên. Đánh bại dân bản địa, vào chiếm ở, nhưng ở mà không thay đổi được chỗ ở nên dần dần nếp cảm nghĩ trở nên đồng hóa với chủ đất trước!

Tại sao mấy thế kỷ nay Tây hiện đại hễ đánh chiếm đất nào là mang văn hóa tinh thần của mình đến đó chứ không nhiễm văn hóa tinh thần của người bản địa?

Hẳn vì Tây hiện đại có văn hóa vật chất tiến bộ tới mức có thể phần nào chế ngự tự nhiên. Tây chiếm xong nước Việt Nam thì “xây” lại cho giống bên Tây nên nếp cảm nghĩ của Tây cai trị thuộc địa vẫn cơ bản giống Tây bên Tây. Trong khi người Việt Nam sống trong “nhà” do giặc mới sửa thì dần dần cảm nghĩ khác cha ông mình!

*

Thực tại tuy đa hiện tượng, ở Ðông khác ở Tây khác, nhưng chỉ một bản chất.

Người Ðông phương nghĩ bản chất của thực tại là nhất thể. Người Tây phương thì bảo nhị nguyên. Ai đúng?

Liệu có phải hiện tượng có thứ giúp ta dễ thấy bản chất, có thứ cản trở ta thấy bản chất?

Không đừng được, Ðông đang hối hả theo Tây lìa tự nhiên để vào sống trong môi trường nhân tạo. Sống trong ấy làm sao thấy được mình là một với tự nhiên! Và sống trong ấy, với hằng hà sa số luật phân biệt mọi cái hết sức chi li, làm sao thấy được mình là một với bất cứ ai, nói chi với tất cả mọi người!

Không đừng được, trên thực tế triết nhị nguyên coi như đã độc tôn. Nó đang đưa nhân loại về đâu, rồi ta sẽ thử bàn.



Thu Tứ
Viết năm 2005
Sửa năm 2013




















__________
(1) Người Dravidian có ở thành phố, nhưng không ai biết đời sống đô thị của họ ra sao. Chỉ biết các thành phố Dravidian không có một kiến trúc vương giả nào, so với rất nhiều ở Cổ Ai-cập. Nên nhớ Văn minh Indus tiến bộ nhất thế giới vào thời ấy, vậy do tổ chức xã hội khác Cổ Ai-cập mà người Dravidian không xây chứ không phải là họ không xây được.
(2) Xem bài “Trời Đông, Trời Tây” của TT.