Mất mùa to, đây không phải lần đầu.

Nước bị giặc chiếm, đây cũng không phải lần đầu.

Nhưng đây là lần đầu có giặc chiếm nước rồi lợi dụng mất mùa to mà ra tay giết thật nhiều dân ta.

Hai tên giặc này đã lập được một “thành tích” hiếm có trong lịch sử nhân loại. Thế mà nay ta vui vẻ với chúng. Thì cũng như nước Do-thái vui vẻ với nước Đức. Sống ở đời phải thực tế.

Nhưng ta thực tế để sống, chứ ta không được quên chuyện đã xẩy ra. Vì kích thước khổng lồ và độ tàn nhẫn phi thường của hành động của giặc. Cũng vì nếu ta quên, lịch sử sẽ dạy cho ta lần nữa, bằng cách nào đó, về cái hại của việc để tính mạng mình nằm trong tay kẻ khác.


(Thu Tứ)



Văn Tạo và Furuta Motoo, “Nạn đói Ất Dậu”




Nguyên nhân sâu xa nhất, như cả tư liệu lẫn lời các nhân chứng cho thấy, là âm mưu vô cùng thâm độc của phát-xít Nhật và tay sai thực dân Pháp muốn tiêu diệt (đông đảo) người Việt Nam bằng nạn đói để dân tộc ta không còn sức lực chống lại chúng.

Ý đồ này (giết người đại qui mô) là trùng hợp giữa Nhật và Pháp, dầu mỗi kẻ có một dụng ý riêng (về số thóc gạo thu được): Nhật thì nhằm vơ vét cho chiến tranh (nghĩa là dự trữ cho chính quân đội Nhật dùng). Còn Pháp lại nhằm dự trữ lương thực để đánh Nhật khi thời cơ tới (hẳn là dự trữ cho người Việt đi lính cho Pháp chứ lính Pháp đâu có ăn cơm!).

Trong cuộc trao đổi với tôi ở Tokyo, ông Yuuji Sano nói: “Nhật và Pháp tuy thống nhất với nhau vơ vét thóc gạo để giết hại nhân dân Việt Nam, nhưng hai bên vẫn chuẩn bị diệt nhau. Việc Pháp thu thóc để cung cấp cho Nhật là có, nhưng không phải Pháp không lợi dụng lấy thóc đó để dự trữ chống Nhật. Và Nhật hiểu rõ điều đó nên ngày 9-3-1945 đã quật ngã Pháp”.

Thủ phạm gây ra nạn đói khủng khiếp ở Việt Nam năm 1945 là Nhật và Pháp mà Nhật là kẻ chịu trách nhiệm chính.

Ngoài nguyên nhân chính kể trên (tức quá nhiều thóc gạo bị Nhật và Pháp vơ vét) (...) các nguyên nhân phụ: cấm vận của phát-xít, tắc nghẽn giao thông do chiến tranh, thiên tai mất mùa cuối năm 1944 và việc bị bắt phá lúa, màu trồng đay.

- Cấm vận: các văn bản của phát-xít, thực dân (theo lệnh phát-xít) và Nam triều (theo lệnh thực dân) (qui định) chỉ cho chuyên chở dưới 50 cân gạo trong phạm vi một tỉnh (...) không cho chuyển gạo từ Nam ra Bắc (...)

- Tắc nghẽn giao thông: Anh và Mỹ cho bắn phá các trục giao thông thủy bộ (...) đường thủy, các cuộc oanh tạc hữu hiệu hơn (...) (chắc việc này cản trở hoạt động của những người Việt Nam chuyên chở gạo từ Nam ra Bắc bất chấp lệnh cấm).

- Thiên tai nghiêm trọng: lúa bị “rù” (tức bị rầy phá hoại) (...)

- Bị bắt phá lúa, màu trồng đay: (...) ở Cổ Bi (Gia Lâm) các nhân chứng nói: “Ở đây chúng tôi cấy lúa xen màu. Lúa mất, có màu cứu đói. Màu mất, có lúa cứu đói. Ít khi mất cả hai, nay thì mất cả!”.

Ngoài các nguyên nhân chính, phụ vừa kể, cũng không loại trừ nguyên nhân mà Nhật – Pháp thổi phồng lên là: bọn Liên đoàn được chúng cho đi cân thóc tạ đã gian lận, biển thủ; bọn quan lại từ tỉnh đến huyện tham lam, vơ vét; bọn chức dịch làng xã hà hiếp, ăn bớt, ăn chặn của nông dân (...)

Còn nạn đầu cơ tích trữ là có, khiến Nhật – Pháp phải làm rùm beng lên ngăn cấm để giữ độc quyền. Nhưng trong thực tế, những kẻ có tiền để mua nhiều gạo tích trữ lại chính là tay chân của chúng, như bọn Hào Thúy, Tham Luân ở Hà Nội, bọn Nghị Lộ, Hàn Huệ ở Thái Bình (...)

Tất cả những điều chúng thổi phồng lên thành những nguyên nhân của nạn đói chỉ là thủ đoạn đổi trắng thay đen, đưa cái thứ yếu thành cái chủ yếu, để che giấu tội ác diệt chủng của chúng.


(
Nạn đói năm 1945 ở Việt Nam – những chứng tích lịch sử, Viện Sử học, Tiểu ban Hợp tác Việt – Nhật, Văn Tạo và Furuta Motoo (chủ biên), nxb. Khoa Học Xã Hội, 2005)