Am với tượng với giếng có từ bao giờ? Chắc không xưa mấy đâu, thế mà sự thực đã “tù mù sâm si”! Dĩ nhiên sự thực về chính việc xẩy ra giữa Mỵ Châu với Trọng Thủy lại còn tù mù sâm si hơn không biết bao nhiêu lần nữa. Di vật thời An Dương Vương còn sờ sờ hàng vạn mũi tên đồng xanh lè và cả một số lẫy nỏ. Nhưng chúng không biết nói. (Thu Tứ)



Tùng Vân, “Một thoáng Cổ Loa”




Ngồi trong xe lửa trông ra, khỏi ga Yên Viên một chút, thì đã thấy một dẫy cây ở đàng xa xa, tù mù sâm si ở trên cái mô đất, đó tức là Cổ Loa Thành vậy. Ðến ga Xuân Kiều thì xuống xe, đi bộ vài mươi bước, trèo lên một cái đống như hình trán con voi, cao độ ngót vài trượng. Thân đống chia ra hai ngả, như hình cái cánh cung, một ngả vòng lên phía đông bắc; một ngả chạy thẳng vào gần đến chỗ trung tâm, rồi lại chuyển sang phía đông nam. Nhận ra thì hai ngả tức là hai cái bờ thành, mà cái đống ấy tức là chỗ góc thành (...)


ảnh Nguyễn Mạnh Đan

Một tòa miếu cổ, dân ở đấy gọi là “miếu bà chúa”, tức là miếu thờ nàng Mỵ Châu. Trước cửa miếu có một cây đa, cao lớn và cổ quái lạ lùng (...) Trung tâm cái cây (...) hổng ra một khoảng, như hình cái cửa tò vò; dân ở đấy lấy gạch xây vào ở giữa ruột cây, để làm cái cửa ra vào ở trước sân miếu. Hỏi lịch sử cái cây ấy, thì người làng nói trước kia nó còn to nữa và cao nữa, vì có một hồi khoảng ngoại mười năm nay, bị kẻ vô lại bắt tổ ong để lấy mật, đốt lửa hun khói vào trong ruột cây làm hủy thương (...) Ðến bây giờ ruột cây thì hình như đã rỗng cả rồi, chỉ có da cây với rễ cây chằng chịt với nhau, để cố sức mà chống lại với nắng mưa, xem ra thì lại càng kỳ dị lắm (...) Vào trong miếu xem, thì vừa thấp vừa hẹp lại vừa sâu, rõ ra miếu cổ, mà có ý tịch mịch u trầm. Trong miếu chỗ thâm cung, có một hòn đá (...) hình vuông chữ nhật (...) phỏng độ non già một thước vuông tây; chỗ thì lồi (...) chỗ thì lõm (...) Nghe đâu thủa nàng Mỵ Châu thác được ít lâu, tự nhiên thấy một hòn đá theo ngọn nước triều trôi về chỗ cố đô, dân ở đấy mới đem vào lập miếu để phụng thờ, chừng là cái khối oan của nàng kết lại đó (...) dân (...) lại lấy vôi tô tỉnh thêm vào (...) đắp mãi vôi lên, muốn làm ra hình người, hình cái bệ cái ngai, làm cho nguyên hình hòn đá sai đi (...)


ảnh Thu Tứ

Xem xong miếu (...) ra xem đền (...) trông thấy một cái hồ, long lanh bát ngát, ở trước cửa đền. Giữa hồ có một cái bờ hình tròn, chu vi phỏng độ vài ba mươi thước (...) Hỏi ra thì tức là cái Ngọc Tỉnh. Tương truyền cái nước ở trong giếng ấy có thể rửa được châu ngọc cho sáng ra (...) Ven cái Ngọc Tỉnh lại có một cù lao xinh xinh nho nhỏ mà hình tròn, cây cối mọc lên xanh tốt. Hỏi ra thì tức là cái Ngọc Ðôi (...)


ảnh khuyết danh

Mả nàng Mỵ Châu (...) ở giữa cánh đồng lúa (...) một vùng vừa cỏ vừa đất, dài và vuông phỏng độ bốn năm gian nhà, xung quanh xây gạch, cao độ một thước An Nam. Trên vùng đất có một cái bệ vuông bằng vôi (...) Xét ra, nắm xương nàng Mỵ Châu đã gieo xuống sườn bể Mộ Dạ rồi, không phải là có gửi ở đây, khi cái hòn oan thạch (...) trôi về, thì đậu lại ở đây, rồi dân đây mới đem hòn đá về miếu phụng thờ, mà ở đây thì xây đắp lên làm mả (...)


(Tùng Vân, “Bài ký chơi Cổ Loa” (1924), đăng trên
Nam Phong, in lại trong Du ký Việt Nam, nxb. Trẻ, 2007, tập I. Nhan đề phần trích tạm đặt.)