Xóa nạn mù chữ là một thành quả quan trọng của Cách mạng mà bước đầu thực hiện là trong Khu Giải phóng.

Viện trợ vũ khí đầu tiên cho quân Giải phóng đến từ Đồng minh. Không có gì lạ. Chẳng qua do Nhật ngẫu nhiên là địch thủ chung của ta và Đồng minh. Nên nhớ khi ấy chính Liên Xô cũng thuộc khối Đồng minh.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Giữ chắc, phát triển, đánh Nhật”



Về đến chợ Chu (...) được tin Bác đi xa mới về, đang từ biên giới xuống với chúng tôi (...) Tôi vội vã đi đón Bác. Dọc đường, ngựa phóng nhanh quên nghỉ. Lên Đèo Re, qua Nghĩa Tá, tới Nà Kiên thì vừa gặp (...) Bác ngồi trên mình ngựa, có vẻ mệt sau một chặng đường xa, mặt võ, râu để dài, duy đôi mắt vẫn tinh anh như bất cứ lúc nào.

Từ ngày Bác giao nhiệm vụ xây dựng Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đến bây giờ tôi mới được gặp lại Bác. Tôi không nén được xúc động, báo cáo với Bác:

- Vùng giải phóng đã mở rộng...

Tôi trình bày với Bác tình hình phong trào nhân dân trong những vùng rộng lớn mà chúng tôi đi qua (...) báo cáo đã liên lạc được với Trung ương, đã gặp anh Trường Chinh và các anh khác, phong trào cách mạng ở miền xuôi đang lên mạnh. Bác chăm chú nghe, bình tĩnh, điềm đạm, trong đôi mắt có ánh vui.

Bác kể chuyện tình hình bên ngoài, thời cơ cũng đang có lợi cho ta. Bác nói, cần chọn ngay trong vùng Cao – Bắc – Lạng hoặc Tuyên Quang, Thái Nguyên một địa điểm có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, có thể thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và ra nước ngoài.

Tôi trở về Kim Quan Thượng bàn với anh Song Hào. Chúng tôi nhận thấy nên chọn vùng Tân Trào. Tân Trào là một vùng rừng núi hiểm trở, giữa Tuyên Quang và Thái Nguyên, rất xa đường cái lớn (...)

Bác về Tân Trào vào một buổi trưa. Anh Chu Văn Tấn và anh Song Hào cùng một số đồng chí cán bộ đón Bác trước đình Hồng Thái (...)

Thời gian này anh Cả (tức đồng chí Nguyễn Lương Bằng) và anh Hoàng Quốc Việt ở nước ngoài mới về, cũng đến Tân Trào. Tôi báo cáo lại với Bác và các anh những nghị quyết của Hội nghị Quân sự Bắc kỳ. Bác nhận xét hội nghị tiến hành rất tốt, nhưng Bác nói: “Chia các tỉnh ra làm nhiều chiến khu như thế rườm rà quá, không lợi cho việc chỉ huy chung. Nay vùng giải phóng ở miền ngược đã bao gồm các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, địa thế nối liền với nhau, nên lập thành một khu căn cứ lấy tên là Khu giải phóng. Thống nhất các lực lượng vũ trang lại là rất đúng, nên đặt tên là Quân giải phóng. Bác bàn với chúng tôi làm dự thảo nghị quyết về việc thành lập Khu giải phóng và quyết định triệu tập hội nghị cán bộ toàn khu để thống nhất lãnh đạo và triển khai công tác (...)

Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng được thành lập (...) Tôi được chỉ định làm thường trực (...) một mặt giữ liên lạc với Trung ương dưới xuôi, với các anh Lê Thanh Nghị, Trần Đăng Ninh tại Bắc Giang, một mặt giữ liên lạc với Cao Bằng, Bắc Sơn (thuộc Lạng Sơn) (...)

Chính quyền nhân dân trong toàn Khu giải phóng được chỉnh đốn lại bằng bầu cử, theo phổ thông đầu phiếu (...) Về kinh tế, cũng có nhiều biến chuyển tốt (...) công việc tăng gia sản xuất vẫn tiến hành đều đặn (...) Những hoạt động văn hóa cũng triển khai mạnh mẽ. Phong trào chống nạn mù chữ phát triển rất nhanh chóng, phần lớn các xã đều có trường dạy quốc ngữ (...)

Cả bộ máy thống trị đàn áp ghê gớm của kẻ địch xây dựng từ gần một thế kỷ nay, lúc này đã tan tành trước sức mạnh của nhân dân (...)

Việc xây dựng các lực lượng vũ trang tiến hành hết sức khẩn trương (...) Đầu tháng 7 năm 1945, theo nghị quyết của hội nghị quân sự Bắc kỳ, trường Quân chính kháng Nhật ra đời.

Nhà trường được dựng lên trong một làng Mán, bên bờ một con suối, gần Tân Trào. Học sinh được tuyển lựa trong hàng ngũ Giải phóng quân và những thanh niên ở miền xuôi được các đoàn thể cứu quốc giới thiệu lên. Trường do anh Hoàng Văn Thái phụ trách, nhằm đào tạo các trung đội trưởng và chính trị viên trung đội. Trong học tập lấy việc rèn luyện tinh thần cách mạng làm đầu. Học sinh quân sống ở nhà trường như những chiến sĩ trong một đội du kích lúc đi hoạt động. Anh em tự mình giao dịch với nhân dân. Anh em cùng dân làng đi đẵn gỗ, chặt lá, xây dựng lấy trường. Anh em tự san lấy bãi tập, tự đi chuyển vận thóc gạo về, nấu nướng lấy mà ăn. Trong lúc học tập, mọi việc học sinh đều phải tham gia, phải suy nghĩ, phải tìm cách giải quyết.

Lúc đầu, đã có những người tiếc rằng thời giờ học tập ít quá. Nhưng sau này anh em thấy rõ cách học tập thực tế ấy, trong khoảng thời gian rất ngắn, đã rèn luyện cho anh em trở thành những người cán bộ tốt của quân đội cách mạng.

Trong việc xây dựng bộ đội, công tác chính trị được coi là linh hồn (...) Từ cấp trung đội trở lên, bên cạnh người chỉ huy quân sự có một chính trị viên là người chăm nom về mặt tinh thần, tư tưởng của bộ đội. Các chiến sĩ đều được giáo dục Mười Lời Thề Danh Dự, Năm Điều Kỷ Luật. Trước mỗi cuộc chiến đấu, chính trị viên họp đơn vị vạch rõ mục đích, nêu những điều kiện thắng lợi và khó khăn để động viên tinh thần đơn vị. Khi gặp những bước hiểm nghèo, chính trị viên thuật lại những gương quyết tử, nhắc nhở mọi người làm đúng nhiệm vụ và tự mình đứng ra làm gương. Sau mỗi cuộc chiến đấu thắng lợi cũng như gặp khó khăn, đều tiến hành kiểm điểm, khen thưởng, kỷ luật, làm cho bộ đội nuôi giữ nhuệ khí, thắng không kiêu, bại không nản.

Chính trị viên là người giáo dục đoàn kết đơn vị (...) (và) là người có trách nhiệm duy trì, thực hiện các chính sách dân vận, địch vận.

Các chính trị viên thường được nhắc nhở là phải làm cho công tác chính trị trở nên một công tác quần chúng, tất cả mọi người cùng tham gia thì mới phát huy được hiệu lực mạnh mẽ, phải tiến hành công tác chính trị không ngừng trong mọi trường hợp; phải nhớ lúc cần làm công tác chính trị nhất cũng là lúc khó làm nhất, những khi bộ đội tác chiến khó khăn, hành quân mệt mỏi (...)

Đồng thời với việc xây dựng bộ đội, công tác củng cố lực lượng tự vệ và du kích ở cấp xã cũng được đặc biệt coi trọng (...) tự vệ, du kích (...) bổ sung cho chủ lực (...) bảo vệ nhân dân (...)

Cách bổ sung vũ khí, đạn dược duy nhất vẫn là phải giành lấy ở trong tay quân địch. Mỗi chiến sĩ Giải phóng quân đều chú trọng giữ gìn vũ khí và ghi nhớ khẩu hiệu: “Mỗi viên đạn là một tên giặc” (...)

Chiến đấu liên tục ở rừng núi trong một hoàn cảnh cực kỳ thiếu thốn, sức khỏe của các chiến sĩ bị giảm sút nhiều. Bệnh sốt rét hoành hành dữ dội. Có đơn vị, số người sốt rét lên tới một phần ba, có khi một nửa. Túi thuốc của các đồng chí y tá chỉ toàn lá và rễ cây, thỉnh thoảng nhận được tiếp tế của vùng xuôi mới có ít viên ký-ninh vàng. Trước tình hình đó, kỷ luật vệ sinh đề ra rất nghiêm ngặt (...)

Các chiến sĩ tự bắt tay vào việc tăng gia sản xuất để giải quyết một phần vấn đề lương thực. Nền nếp tăng gia này đã có từ ngày địch khủng bố lớn, tại các cơ quan bí mật.

Trong khi mọi mặt công tác xây dựng của Khu giải phóng cùng một lúc triển khai, thì ở nhiều nơi, Giải phóng quân đã trực tiếp chiến đấu với quân Nhật.

Ngay từ hạ tuần tháng 3, quân đội của phát-xít Nhật đã từ các tỉnh lỵ Việt Bắc đột nhập vào nhiều châu, huyện. Lúc đầu, địch phái những đơn vị nhỏ đi do thám, tuần tiễu từng địa phương một; chúng chỉ đi qua rồi trở về tỉnh. Bọn ấy thường bị ta chặn đánh, như ở Phủ Thông (Bắc Kạn), Tĩnh Túc (Cao Bằng), Văn Lãng, Đèo Khế (Thái Nguyên)... Chúng bị phục kích nhiều lần trên con đường từ Thái Nguyên sang Tuyên Quang (...)

Trung tuần tháng 5, địch mở một cuộc tiến công tương đối lớn.

Địch chia quân làm ba mặt, tiến sâu vào khu căn cứ ở giữa sông Lô và đường quốc lộ số 3. Một mặt từ Bắc Kạn tiến lên Chợ Rã sang Chợ Đồn; một mặt từ Vĩnh Yên, Thiện Kế tiến lên Sơn Dương, từ Tuyên Quang tiến vào rồi cùng nhau kéo lên hướng Thanh La; một mặt từ Thái Nguyên, Phan Mễ và Chợ Mới tiến đánh Chợ Chu.

Tất cả các đường tiến quân của Nhật đều bị bộ đội và du kích địa phương bố trí phục kích, làm cho quân địch bị tổn thất khá nặng. Trong trận Đèo Chắn gần Thanh La, chúng ta chỉ có một tiểu đội phối hợp cùng một trung đội dân quân (...) vì biết lợi dụng địa hình nên đã tiêu diệt được gần 60 tên địch.

Bấy giờ, có một số đồng chí chủ trương cứ để Nhật yên, không đánh, mong rằng Nhật sẽ để ta yên. Nhưng thật ra, chủ trương như vậy (...) sai lầm nghiêm trọng, không nhận rõ bản chất của kẻ địch. Ủy ban chỉ huy lâm thời Khu giải phóng đã kịp thời ra một chỉ thị: “Quân sự chính trị đi đôi, củng cố phát triển đi đôi”.

Bộ đội Giải phóng quân được lệnh tấn công ráo riết quân Nhật ở khắp các tỉnh Việt Bắc, nhất là ở Thái Nguyên và Bắc Kạn. Giặc ở Bắc Kạn bị bao vây trong tỉnh lỵ, ra khỏi tỉnh lỵ nửa cây số là đã chạm vào vị trí của quân du kích. Quân ta thường đột nhập vào thị xã. Bộ phận quân địch tiến lên chiếm Chợ Chu bị ta quấy rối năm đêm liền, đường tiếp tế bị cắt đứt, địch phải rút về Thái Nguyên. Giải phóng quân tiến công vào quân địch đóng ở Đình Cả, chiếm được đồn sau một trận huyết chiến, truy kích quân địch đến khỏi La Hiên. Những nơi cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất, ngoài Bắc Kạn, Chợ Chu ra là dọc đường số 3 từ Thái Nguyên lên Bắc Kạn, rồi đến bến đò Bình Ca và vùng lân cận ven bờ sông Lô.

Giải phóng quân tiếp tục đánh chiếm Lục An Châu, phố Bình Gia, Yên Thế, đồn Mẹt, tràn về Bắc Giang. Sang tháng 7, hạ đồn Tam Đảo (...) Đội Nam tiến do đồng chí Hiến Mai và đồng chí Phong chỉ huy tiến về Phủ Đoan đến gần Phú Thọ. Một bộ phận Giải phóng quân tiến sang Đông Triều, Lục Ngạn, hướng về phía Cẩm Phả, Hồng Gai. Một số cán bộ của Giải phóng quân được phái về Hà Đông, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa liên lạc với các cơ sở vũ trang của chiến khu Quang Trung do các anh Văn Tiến Dũng, Trần Tử Bình, Vương Thừa Vũ đang ra sức xây dựng.

Cuộc chiến đấu chống phát-xít Nhật của Giải phóng quân ngày càng vang dội khắp nước, đồng thời đã vang dội ra nước ngoài (...) Sách lược của ta bấy giờ là khôn khéo sử dụng những kẻ đồng minh tạm thời vào công cuộc kháng Nhật. Cuối tháng 6 (...) máy bay Đồng minh đã thả dù một ít vũ khí cho ta (...)

Khu giải phóng ngày càng củng cố và phát triển. Giải phóng quân không ngừng chiến thắng, làm cho bọn Nhật bắt đầu e sợ (...) Thanh niên từ vùng xuôi lên xin gia nhập Giải phóng quân mỗi ngày mỗi đông. Liên lạc với Trung ương ở miền xuôi đã giữ được rất đều (...)


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 122-129, nhan đề tạm đặt.)