Mất mùa không phải chuyện gì mới lạ. Năm Ất Dậu dân ta chết thảm nhiều đến thế không phải chỉ vì mất mùa, mà chủ yếu do hai thằng giặc: thằng Nhật và thằng Pháp. Hai đứa ấy giúp thiên tai hóa thành nạn đói khủng khiếp và sau đó cản trở việc cứu đói.

Ta chết nhiều thì tiện cho thằng nọ thằng kia tiếp tục chiếm nước ta lắm mà. Nhân dân Việt Nam trừ một số đủ phục vụ nhu cầu của chúng, còn thì cứ chết hết cả đi!!!


Từ núi cao rừng thẳm về, đã trông nghe mà đau chung không biết bao nhiêu...

“Tôi cảm thấy ngày (vợ chồng) chúng tôi gặp lại nhau không còn xa nữa”. Hỡi ơi!

“Thái” vừa là vợ vừa là đồng chí từ những ngày... Chắc chắn về sau trong những giờ phút vinh quang, “tôi” trong lòng ngơ ngẩn: người đã cùng tôi chia xẻ bao nỗi riêng, chung, người ấy đâu rồi?

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Đau chung, thêm đau riêng”



Cuối tháng 3 năm 1945, chúng tôi về tới chợ Chu.

Ngay sau ngày Nhật đảo chính, các đơn vị Cứu quốc quân đã nổi lên hoạt động, chặn đánh quân Pháp tại đèo Khế, tước khí giới, đoạt những vũ khí quân đội Đồng minh thả dù xuống cho Pháp, bao vây hạ một loạt đồn bót châu lỵ: La Hiên, Chợ Chu, Chiêm Hóa, Đại Từ... Đảng bộ Thái Nguyên và Ủy ban Quân chính Thái – Tuyên đã lãnh đạo nhân dân ở các xã giành chính quyền từng bộ phận. Cuối thảng 3 năm 1945, chính quyền ở các xã trong toàn tỉnh hầu hết đã về tay ta.

Về phía Tuyên Quang, Cứu quốc quân hạ đồn Đăng Châu, chiếm đóng huyện Sơn Dương. Chính quyền nhân dân đã thành lập ở nhiều châu, huyện từ bờ sông Lô đến đường quốc lộ số 3, và về phía nam tới gần tỉnh lỵ Vĩnh Yên.

Trong khi chúng tôi gặp nhau tại Chợ Chu thì các đơn vị Cứu quốc quân, Giải phóng quân khác cũng gặp nhau tại Đại Từ (Thái Nguyên), Chợ Đồn (Bắc Kạn), Đầm Hồng, Bản Thi, Chiêm Hóa, Sơn Dương, Văn Mịch (Lạng Sơn).

Những người bạn chiến đấu gặp nhau lần này trong vận hội mới của cách mạng, tay bắt mặt mừng giữa ban ngày tại phố xá đông đúc, khác hẳn những lần gặp trước trong rừng sâu, đêm khuya cách đây hơn một năm. Chúng tôi kể lại cho nhau nghe tình hình phong trào cách mạng trong những vùng đã công tác từ ngày đó đến nay. Anh Chu Văn Tấn cho biết phong trào tại Tuyên – Thái đang phát triển mạnh, và đã bắt được liên lạc với Trung ương ở miền xuôi.

Bộ đội đóng quân ngay tại chợ. Công việc dồn dập. Cuộc hàn huyên không thể kéo dài. Sau một đêm liên hoan tưng bừng, các cán bộ, chiến sĩ Cứu quốc quân, Giải phóng quân chia nhau đi làm công tác dân vận.

Về đến đây, chúng tôi biết, ngay sau khi Nhật bắt đầu đảo chính, Trung ương Đảng đã ra bản chỉ thị: Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, ấn định đường lối, sách lược của Đảng trước tình hình mới (...)

Ít ngày sau, tôi nhận được thư của anh Trường Chinh triệu tập về họp Hội nghị Quân sự Bắc kỳ. Tôi viết thư lên Cao Bằng báo cáo tình hình (...) rồi lên đường đi họp.

Hết đường rừng, phải bỏ ngựa lại, bắt đầu đi bộ (...) Qua Đại Từ, Cát Nê, Ký Phú, phố Nỉ... mỗi lúc một thấy gần miền xuôi. Đã mấy năm nay mới lại nhìn thấy cánh đồng xanh chạy dài tít tắp đến chân trời. Chưa kịp vui vì được nhìn lại những cánh đồng quê hương thì lòng đã se lại khi thấy đồng bào lam lũ, đói rách quá chừng. Người đói từ miền xuôi kéo lên, nằm rải rác suốt dọc đường, da bọc lấy xương. Mấy năm qua ở Cao – Bắc – Lạng trong thời gian dài địch khủng bố, đồng bào cũng sống rất thiếu thốn, nhưng không đến nỗi cơ cực như thế này. Nghe nói, ở miền xuôi nạn đói còn hoành hành dữ dội hơn nhiều. Có những làng ở Thái Bình, Nam Định dân bỏ đi hết không còn ai. Tại Hà Nội, mỗi sáng, xe chở rác đầy chặt những xác người nhặt trên các hè phố: cùng với những tội ác đẫm máu của giặc tại Cao – Bắc – Lạng mấy năm qua, lại còn tội ác tầy trời chúng đang gây nên ở đây. Sự bóc lột của giặc đã lên tới mức cùng cực. Với lòng căm phẫn tột độ, nhân dân đã đứng dậy cả rồi. Cách mạng không thể nào đi bước một. Tình hình đã cấp bách đòi một sự đổi thay đến tận gốc rễ.

Đến Bắc Giang, thấy mình thật đã đặt chân lên cánh đồng màu mỡ kéo liền một dải của đồng bằng. Từ đây về đến Hà Nội chẳng còn đèo dốc nào. Cảm thấy đã gần nhà quá chừng.

Đồng chí giao thông đưa chúng tôi qua những quả đồi thông xinh xắn, tới một làng cơ sở. Tại đây chúng tôi gặp các anh Trường Chinh, Trần Đăng Ninh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng...

Cuộc họp kéo dài bốn ngày dưới sự điều khiển của anh Trường Chinh. Anh Chu Văn Tấn báo cáo trước hội nghị tình hình phong trào và những hoạt động của Cứu quốc quân tại Thái Nguyên, Tuyên Quang. Tôi báo cáo tình hình phong trào và những hoạt động của Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tại Cao Bằng, Bắc Kạn. Qua hội nghị, biết rõ một cao trào kháng Nhật đang lên mạnh từ Bắc chí Nam. Nhiều nơi trên Việt Bắc, đã thành lập chính quyền công khai. Nhiều vùng tại trung du đã có Ủy ban Giải phóng Dân tộc, tức là một thứ chính quyền nửa công khai của cách mạng. Tại miền xuôi cũng đã diễn ra nhiều cuộc tuần hành vũ trang rầm rộ. Ngoài những lực lượng vũ trang của Đảng tại Việt Bắc, còn rất nhiều những đội tự vệ, tự vệ chiến đấu ở trung du, ở miền xuôi và ngay ở trong lòng các thành phố lớn. Tại miền Trung, du kích đã nổi dậy ở Quảng Ngãi (sau này chúng tôi mới biết là Đội Du kích Ba Tơ).(1) Tại Nam kỳ, những hoạt động của Việt Minh đang phát triển mạnh ở Mỹ Tho và miền Hậu Giang.

Hội nghị nhận định trong tình thế hiện nay, cần phải phát động chiến tranh du kích và chuẩn bị Tổng khởi nghĩa.

Về quân sự, hội nghị quyết nghị chia toàn quốc ra bảy chiến khu, đề ra nhiệm vụ xây dựng Việt Bắc thành căn cứ địa kháng Nhật kiểu mẫu để mở rộng chiến tranh du kích; thống nhất Cứu quốc quân và Giải phóng quân lại, đồng thời thành lập Bộ tư lệnh miền Bắc. Hội nghị quyết định sáp nhập một số tỉnh trung du vào căn cứ địa Việt Bắc để làm vùng hoạt động du kích ngoại vi, bảo vệ cho căn cứ. Nhiệm vụ vũ trang Nam tiến được chú ý đặc biệt: một lực lượng bộ đội tinh nhuệ phải tiến gấp về hướng nam. Hội nghị bầu ra một Ủy ban Quân sự Cách mạng để trực tiếp điều khiển công việc cho đến lúc khởi nghĩa.

Về chính trị, hội nghị đề ra nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, lôi cuốn cả các thành phần tầng lớp trên vào phong trào cứu quốc (...) Theo chỉ thị của Bác, hội nghị ra nghị quyết đề nghị triệu tập một cuộc đại hội đại biểu toàn quốc gồm các giới, các đảng phái, các thân sĩ trong toàn quốc để thành lập Ủy ban Dân tộc Giải phóng Việt Nam và tiến tới thành lập Chính phủ lâm thời.

Từ ngày lên đường đi họp, tôi hy vọng về đây gặp các anh sẽ được biết tin nhà. Mấy năm qua, không được tin tức gì về gia đình. Tôi có đôi lần gửi thư về nhà nhưng không rõ có đến nơi hay không. Tôi cảm thấy ngày chúng tôi gặp lại nhau không còn xa nữa.

Buổi đầu gặp lại anh Trường Chinh và các anh sau bao năm xa cách, thật là vui mừng khôn xiết. Tôi đang ngồi nghe các anh kể chuyện địch khủng bố gắt gao dưới xuôi, cơ quan luôn phải di chuyển địa điểm, thì anh Trường Chinh nói:

- Chị Thái chỉ vì gửi cháu chưa được, chưa kịp đi bí mật thì đã bị chúng bắt. Cũng không ngờ chị lại bị mất ở trong tù...

Tôi lặng người đi.

Lát sau, tôi hỏi:

- Anh nói sao, Thái mất rồi ư?

Anh Trường Chinh có vẻ ngạc nhiên, hỏi lại:

- Anh chưa biết tin à?

(...) Tôi bàng hoàng đi sang buồng bên, vẫn chưa tin hẳn điều các anh nói là sự thật.

Tôi nằm nhớ lại ngày chúng tôi mới gặp nhau ở Huế trong khi cùng hoạt động bí mật (...) nhớ lại những điều đã dặn dò nhau khi chia tay (...) Sau này tôi mới biết trong thời gian tôi đi xa, Thái vẫn tiếp tục hoạt động, làm liên lạc cho Trung ương; sau chuyến đi Sài Gòn để gặp chị Minh Khai lần cuối cùng trước lúc chị bị đế quốc đem xử bắn, trở về nhà được ít lâu thì bị bắt. Trong nhà tù, bọn đế quốc đã dùng mọi cực hình tra tấn để truy tìm mối dây liên lạc với anh Hoàng Văn Thụ, Thái đã quyết không khai một lời, giữ tròn khí tiết (...)

Liền hôm đó, cuộc họp lại tiếp tục. Các anh hết sức tìm cách an ủi tôi. Cho đến mãi về sau, trong không khí nô nức của những ngày tiền khởi nghĩa, mỗi lúc nghĩ đến Thái, tôi vẫn không tin được là chúng tôi sẽ không bao giờ gặp nhau trở lại. Nợ nước, thù nhà (...) chỉ có thể trả bằng cách: vượt lên những khó khăn, đau thương (...) dốc hết sức mình chiến đấu tiêu diệt quân thù, hy sinh tất cả cho (...) dân tộc.





(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 118-122, nhan đề tạm đặt.)








___________
(1) Xem hồi ký
Từ núi rừng Ba Tơ của đồng chí Phạm Kiệt.