“Sáu giờ sáng (...) thượng sơn, phải chống gậy từ đây. Ði một lát qua hai cái suối (...) Ðang đi thấy trời u ám đổ cơn mưa xuống. Trông cái cảnh tượng lúc này đối những khi ngồi xếp bằng tròn ở nhà đánh chén ngâm thơ, thì hai cái thú khác nhau xa. Ðược đội cái nón lá ba xu, chống cái gậy trúc dăm dóng, gió thổi hoa cười, nước chảy suối reo, lững thững đi trong rừng, chốc lại thấy mặt trời vén đám mây dòm xuống, ra tình đưa đón, tựa hồ như xem mình đã đi tới đâu rồi (...)

Kìa (...) trông trở xuống thì một trời một núi một mình ta, mù mịt chẳng nhận được lối đi, rồi nghe rào rào như gió cuốn (...) ngẩng trông lên ngọn cây thấy lá im phăng phắc, sau (...) mới biết là mình đứng trên mây, đương mưa ở dưới lưng chừng núi”...

Một cuộc “thượng sơn” quá thú!

“Đã hay rằng bức tranh sơn thủy để chơi chung, ai đi cũng đến nơi, nhưng cái thú thanh tao chỉ để dành riêng cho người phong nhã (...) Tôi tưởng mười cảnh chùa trong sáu ngày của tôi cũng còn chưa đủ vậy, huống hồ có người đi về chỉ có bốn ngày mà thôi”...

Chao ơi, với phương tiện giao thông hiện đại và tình trạng đường sá bây giờ, thật rất khó làm “người phong nhã”. Lại còn cái nạn nhà nước tới tấp giăng đường xe treo nơi các vùng núi non thắng cảnh. Tiện và khỏe vô cùng, nhưng hại cho “thú thanh tao”. Đã chơi Yên Tử thì trừ cụ già em bé cùng những người tim yếu, “lên như nhái xuống như cua” mới đáng nên chơi, bà con ơi.

(Thu Tứ)



Nguyễn Thế Hữu, “Hành trình chơi núi An Tử”







“Nào ai quyết chí tu hành
Có về An Tử mới đành lòng tu”.


(Tóm tắt hành trình)

Sáng 6 giờ 20 phút lên xe lửa ở Hà Nội chạy; 10 giờ rưỡi tới Hải Phòng. Xuống ga Hải Phòng, thuê xe tay ra bến đò Bính, đi phà qua sông (...) thuê xe tay tới bến Bí, đường đi 20 cây-lô-mét rưỡi mất 3 giờ 20 phút (...) xuống xe đi bộ, rẽ bên tay trái, lách qua bãi sú, đi mất 35 phút (...) đến chùa Bí Thượng. Rồi lên chùa Cẩm Thực, đường đi mất 2 giờ 10 phút (...) ngủ trọ ở đấy một đêm.

Ngày thứ hai, 6 giờ sáng thượng sơn, đến 7 giờ rưỡi tới chùa Lân (Long Ðộng tự). 8 giờ 25 phút lại ra đi, từ đây lối đi phải trèo cao, đến 10 giờ 25 tới chùa Giải Oan. Đây là chân hòn núi An Tử. Kém 5 đầy 12 giờ ở Giải Oan lại thượng sơn, đi đến hai giờ chiều tới chùa Hoa Yên. Ðây xưa gọi là chốn tổ. Từ đây đi độ 10 phút đến chỗ tháp Mẫu thì đường lên Vân Tiêu có hai lối: một lối lần theo tay trái lên thẳng đến Vân Tiêu trước, mà lúc lên thì dễ, trở xuống thì khó vì dốc lắm; một lối cứ bên tay phải rẽ ngang, lần theo mà đi qua chùa Bảo Sát rồi đến Vân Tiêu - lối này đi xa hơn nửa giờ - mà đường đi dễ hơn. Ðây lại nói từ chùa Hoa Yên trở đi: 3 giờ 15 phút ở chùa Hoa Yên thượng sơn rẽ đường tay trái đi đến 4 giờ 15 phút tới chùa Vân Tiêu (...) trú chân (...)

Ngày thứ ba, sáng 8 giờ rưỡi (...) lên chùa Ðồng là đỉnh núi An Tử, đến 9 giờ 35 tới nơi. 12 giờ trưa trở xuống Vân Tiêu nghỉ ngơi (...) ngủ đây một đêm nữa.

Ngày thứ tư, sáng 8 giờ hạ sơn sang chùa Bảo Sát, chùa ở phía tả Vân Tiêu, đi mất 8 phút đồng hồ. 8 giờ rưỡi ở Bảo Sát ra về, đi một giờ rưỡi ra tới tháp Mẫu, ở đây sang chùa Một Mái đi mất 8 phút (...) 10 giờ 25 ở Một Mái lại đi qua sân chùa Hoa Yên sang chùa Thiền Định, mất 12 phút (...) lại về nghỉ chân ở Hoa Yên (...) 12 giờ rưỡi mới ra về, vừa đi vừa chơi, về qua Giải Oan đã ba giờ chiều, lại nghỉ ở đấy độ nửa giờ. 5 giờ rưỡi chiều ra đến chùa Lân, ngủ trọ một đêm (...)

(Ghi chép chi tiết)

(...) Xuống xe rồi rẽ bên tay trái, lách qua cái miệt trong bãi sú (...) sách hành trình của cụ Từ Ô Trần Văn Thăng có câu rằng:

“Có đi sớm hay đi trưa,
Ðừng đi chiều tối nước đưa lên đầy.”


Có khi gặp con nước lớn thì ngập tràn cả ngọn sú.

Bước chân xuống bãi trông lên, trên thì đại ngàn cây sú mọc, dưới thì ức vạn con cáy bò.

Cái thứ cây sú này tựa hồ như cây sanh dưới ta, chỉ khác là có hoa có quả (...) chỉ thấy nói làm củi được thôi; giống cáy (...) tôi bắt xem thì ra nó giống con cua đồng của ta, có khác là một càng to một càng nhỏ, hai con mắt thò dài ra như râu con sên vậy; mà con đực thì càng đỏ chân đỏ, cái mai vàng, con cái thì đen như con cua đồng vậy (...)

Ði vòng quanh hết trái đồi chùa Bí (...) ngót một tiếng đồng hồ tới một chỗ kia nghe rào rào trước mặt (...) Rảo chân đi tới nơi, đấy là suối Tắm (...) Ngọn suối này là nơi khi (...) Trần Nhân Tôn vào An Tử tu, qua đây (...) tắm (...) Lội qua cái suối này, lần lượt đến sáu suối nữa, đi dưới chân núi, xa xa ngẩng lên, đã trông thấy ngọn chùa (...) chùa Linh Nham (...) chùa Cầm Thực cũng là đây. Truyền rằng đức Giác Hoàng vào đến đây chỉ uống nước suối trừ cơm nên gọi là Cầm Thực (...) nghỉ lại Cầm Thực một đêm.

(Hôm sau) 6 giờ sáng (...) thượng sơn, phải chống gậy từ đây. Ði một lát qua hai cái suối (...) Ðang đi thấy trời u ám đổ cơn mưa xuống. Trong cái cảnh tượng lúc này đối những khi ngồi xếp bằng tròn ở nhà đánh chén ngâm thơ, thì hai cái thú khác nhau xa. Ðược đội cái nón lá ba xu, chống cái gậy trúc dăm dóng, gió thổi hoa cười, nước chảy suối reo, lững thững đi trong rừng, chốc lại thấy mặt trời vén đám mây dòm xuống, ra tình đưa đón, tựa hồ như xem mình đã đi tới đâu rồi (...) Lại qua ba cái suối (...) đến suối Lân, ngọn suối này cũng to mà chảy riết lắm (...) Chùa đây là Long Ðỗng, bên cạnh chùa có hòn núi hình như con Lân, nhân thế gọi nôm là chùa Lân (...) Sư cụ (...) nói (...) năm Quý Dậu (1872) quan Tây về đóng đồn, cho nên sư đã bỏ đi mất một độ, mãi đến năm Nhâm Dần (1901), lại có sư về nhận cảnh (...)

Ở chùa Lân ra đi (...) lối đi làm sao cứ trùng trũng lòng mo mà lại nhẵn nhụi như bào (...) Ông cụ Hoàng Xuân Sơn rằng (...) “Người ta hạ gỗ trong rừng, rồi cho trâu kéo ra, mình cây gỗ tròn (...) cho nên (...)” (...) Đường đi ở giữa, trên thì một thứ cây hoa đào mới nở, bên cạnh thì dòng nước khe róc rách như đàn (...) Ði một lát nữa đến đây là suối thứ sáu (kể từ chùa Lân vào) (...) Ði năm phút nữa lại qua một cái suối rồi đến con đường vào Mật Lộn.

Ta đi vào An Tử phải có ý, đến chỗ này lối đi rẽ làm hai ngả, cứ tay trái đi thẳng vào Giải Oan, quàng sang bên tay phải là lối vào chợ Yên Châu, ấy là đường Mật Lộn (...) lối vào đi thăm thẳm mà dốc ngược lên, cho nên gọi là Mật Lộn (...)

(Đến) cái suối thứ chín (nơi) hai ngọn nước đổ dồn lại, một ngọn trên An Tử xô xuống, một ngọn trong rừng chảy ra (...) về tháng sáu tháng bảy chảy như thác (...) Qua chỗ này rồi thì lừ lừ quả núi Voi Xô, chạy đến chắn ngang ngay trước mặt, dưới chân núi có cái bãi (...) suối nữa (...) lại đi đến cái suối kia, nước xanh rì rì như một cái ao tù vậy, tục gọi là suối Rêu (...) Đường đi vẫn còn trũng lòng mo (...) sắp đến Giải Oan rồi. Ðường đi đến đấy là hết trũng lòng mo.

Ðến suối Giải Oan (...) suối này nhiều hòn đá lớn mà nước thì đỏ, vì suối cạnh rừng lim cho nên nước suối này với suối Rêu trên kia không ai uống (...) Ngày xưa đức Giác Hoàng nhường ngôi cho vua Trần Anh Tôn để vào An Tử, vua Anh Tôn (...) bắt các cung tần mỹ nữ đi theo mà khuyên ngài về. Ðến nơi (...) không (...) đổi được chí ngài, các cung nhân (...) khó nghĩ, về thì sợ trái lệnh vua, đành (...) đâm đầu xuống cả cái suối này mà thác. Vì thế đức Giác Hoàng lập ngọn chùa đây để làm chay siêu độ cho cung nhân, bởi thế nên gọi là suối Giải Oan (...) Dưới suối bước lên, trèo qua một rặng bậc đá cao cao (...) đến cửa chùa (...) chùa Giải Oan (...)

Kém năm đầy 12 giờ thầy trò (lại) quảy gánh ra đi (...) Đến tháp tổ (...) Huệ Quang Kim Tháp, là tháp đức Giác Hoàng, xây tường bốn bên, trước sau có hai cửa tò vò, trong tháp có pho tượng đá, ngoài xây một cây hương, còn tháp lớn nhỏ 45 ngọn vừa các sư cùng tôn thân hoàng hậu cung phi nhà Trần tu ở đây ngày xưa (...) Chui qua cửa sau tháp tổ đến cái sân lát bằng gạch Bát Tràng đỏ, mà viên gạch trông rất lạ lùng (...) từ đời nhà Trần đến nay hơn 700 năm, không viên nào sứt.

Vào đến đây bước thẳng lên là chùa Hoa Yên, tục gọi là chùa Cả, hay chùa Yên Tử (...) Theo trong sách Tam tổ thực lục, trước là chùa Vân Yên, năm Lê Hồng Ðức vua có đi đến đây, nhân thấy nước non vui vẻ, hoa cỏ tốt tươi, mới đổi là Hoa Yên.

Xưa cảnh Hoa Yên này là nơi chốn tổ của mấy cảnh chùa trong núi An Tử, sau khi ông An Kỳ Sinh bên Tàu sang tu thành tiên ở đây, và (...) nhiều vị sư nước ta đắc đạo từ trước, nhưng mà không hiển. Ðến đức Giác Hoàng và ông Pháp Loa cùng ông trạng nguyên Huyền Quang (tên là Lý Ðạo Tái) (...) đạo mới hiển (...)

“Khó khăn thì chẳng ai nhìn,
Ðến khi đỗ trạng chín nghìn anh em!”.


Ấy là lời đức đệ tam tổ Huyền Quang (...) còn hàn vi, bố mẹ hỏi vợ thì không ai gả, khi ngài đỗ trạng nguyên rồi, xô nhau vào gọi gả cho (...) ngài tỉnh ngộ được cái nhân tình thế thái (...) quyết chí đi tu.

Chùa Hoa Yên (...) sau lưng là chùa Bảo Ðà (...) bên hữu là chùa Thiền Ðịnh và có suối Ngự Rội (...) bên tả là chùa Một Mái (...) Đứng sân chùa Hoa Yên mà trông ra, thiên sơn vạn thủy chầu vào, thực là một chốn kỳ quan (...) Sư cụ (...) cho lộc Phật và gừng gió núi An Tử, cái thứ gừng này quý lắm, hoặc ai đau bụng ăn một ít, hoặc trèo núi có đau chân giã ra mà nhịt vào thì khỏi ngay (...) Chuyện vãn một hồi (...) từ giã ra đi (...) sư cụ (...) đọc tiễn chân một câu (trong một bài thơ cổ):

“Một bước trông lên một bước trèo”.

Lối đi từ đây lại khó hơn trước, chỗ thì cao dựng đứng, chỗ thì võng dây diều, cho nên đi An Tử đã có câu ví rằng: “Lên như nhái xuống như cua”. Nghĩa là khi lên gặp chỗ nào dốc quá, phải tay chân bám sát vào hòn đá mà leo, khi xuống phải nghiêng mình mà đi (...)

Kìa chùa Vân Tiêu (...) trông trở xuống thì một trời một núi một mình ta, mù mịt chẳng nhận được lối đi, rồi nghe rào rào như gió cuốn (...) ngẩng trông lên ngọn cây thấy lá im phăng phắc, sau tôi nhận ra mới biết là mình đứng trên mây, đương mưa ở dưới lưng chừng núi. Chửa lên đến chùa Đồng, mà đây đã cao thế! (...) Ngủ một đêm đây (...)

Tám giờ sáng (hôm sau) lại thượng sơn (...) Cứ mái sau chùa Vân Tiêu phía tả mà đi rẽ ngang là lối sang chùa Bảo Sát, trèo thẳng lên là lối lên Chùa Ðồng (...) Đá xếp chồng thang (...) lối đi cứ lên cao mãi (...) đến một hòn đá (...) hình đứng như người cao ba thước tây (...) tượng ông An Kỳ Sinh (...) Quả núi này trước gọi là Bạch Vân Sơn, vì ngài hiển đạo ở đây trước nhất, cho nên (đổi tên) là An Tử Sơn (...)

Lên đến chùa Ðồng (...) đỉnh núi An Tử, chỗ giữa vuông ước bằng bốn chiếc chiếu, xây lên cái bệ, chung quanh đá mọc chơm chởm, trên thờ pho tượng đức Quan Âm và ba pho tượng đức Trúc Lâm mà thờ lộ thiên. Tôi hỏi ra trước cổ nhân có làm ngọn chùa bằng đồng, che mấy pho tượng, nhưng đã hư nát mất cả, duy mấy cái lỗ đá trước xây chân cột vào còn dấu tích (...) Về sau đây bà Bá Lồng (...) đem cúng (...) cái khung chùa bằng sắt lợp đồng, to bằng ba cái đình tháng tám trẻ con chơi, nhưng mà gió trên này dữ lắm, cái chùa bay mất cả mái, bây giờ mới khiêng sang để bên cạnh (...)

Thỉnh thoảng u ám một lúc rồi lại lòe mặt trời, trông xuống dưới núi, tựa hồ trăm nghìn con rồng bằng khói bò lên ngọn cây (...) Xa xa chiếc thuyền bơi dưới sông; thăm thẳm mái nhà tựa sườn núi, trông tỏ bằng một, rõ thật càn khôn thu vào một bức (...)

Đã hay rằng bức tranh sơn thủy để chơi chung, ai đi cũng đến nơi, nhưng cái thú thanh tao chỉ để dành riêng cho người phong nhã (...) Tôi tưởng mười cảnh chùa trong sáu ngày của tôi cũng còn chưa đủ vậy, huống hồ có người đi về chỉ có bốn ngày mà thôi (...)

Vì tôi thấy phần nhiều người có lòng ước ao, mà chỉ ngại đường sá trèo đèo, cho nên tôi đi về có chép thành tập này (...) tưởng cũng góp được một vài phần trong nghìn vạn (...)


(Kiếm Hồ Nguyễn Thế Hữu, “Hành trình chơi núi An Tử”, đăng trên tạp chí
Nam Phong số 105 và 106, tháng 6-1926, in lại trong Du ký Việt Nam, Nguyễn Hữu Sơn sưu tầm, nxb. Trẻ, 2007, tập II)