Chỉ trong khoảng ba tháng, Đội từ ba tiểu đội cầm một nửa là súng kíp, hóa thành trên mười đại đội có súng máy, súng cối và cả đại bác!

Đội lớn như thổi, như thánh Dóng, có nhờ việc Nhật lật Pháp khiến quân Pháp mất tinh thần, riu ríu nộp vũ khí cho ta.

Nhưng cũng nhờ ta đã từ lâu bất chấp nguy hiểm dày công tuyên truyền thuyết phục đông đảo nhân dân và sáng suốt kịp thời thành lập lực lượng vũ trang. Nếu không, dù tinh thần xuống sát đất, dù giò đang vác lên cổ, quân Pháp chắc chắn cũng không chịu nộp một nửa khẩu súng lục!

Thời cơ có phải bất cứ ai cũng chụp được đâu. Phải rất sẵn sàng thì mới được.

“Sau bao năm hoạt động bí mật, sinh sống trong rừng sâu núi hiểm, mỗi khi qua các làng mạc đều phải đi đêm, nén từng tiếng ho, nhẹ từng bước chân, đến bây giờ, chúng tôi bỗng ra khỏi rừng, giữa ban ngày ung dung đi trên đường cái, trên cánh đồng, được đồng bào nhiệt liệt đón mừng, ai nấy đều hết sức cảm động, sung sướng. Các cổng làng, các điếm gác mất hẳn dáng vẻ kinh sợ ngày xưa. Những làng, bản, những mái nhà lúc này như mới trở về tay nhân dân. Trời như cao hơn, nắng như ấm hơn, không khí như thơm nhẹ hơn, ngọn tre, nhành lúa đều có vẻ tươi sáng hơn mọi ngày. Hương vị tự do, độc lập tràn khắp núi rừng, làng mạc. Thực không thể nào tả được cái cảm tưởng hớn hở của những người lần đầu được hưởng thứ hương vị ấy.”

“Mặt trời đỏ thắm nhô dần lên khỏi mặt nước. Một đoàn thuyền độc mộc chở bộ đội nối theo nhau lướt trong gió mát lạnh ban mai.”

Đoàn người bất ngờ xuất hiện giữa “một kỳ công của thiên nhiên” rồi sẽ lập nên một kỳ tích.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Chụp thời cơ mà... Dóng!”



Thượng tuần tháng 3 (năm 1945), anh Phạm Văn Đồng và anh Vũ Anh tới thăm bộ đội tại tổng Hoàng Hoa Thám. Các anh nói: Tình hình rất khẩn trương, nhiều triệu chứng Nhật sắp lật Pháp, Đội phải đi xuống phía nam sớm, mở nhanh đường liên lạc với vùng xuôi.

Hai ngày sau, đồng bào đi chợ Nguyên Bình về nói chuyện, xe Nhật chở quân từ tỉnh lỵ đến đánh chiếm đồn Nguyên Bình và bắt Tây làm tù binh.

Theo kế hoạch nam tiến đã bàn bạc bữa trước, chúng tôi quyết định cho Giải phóng quân xuất phát ngay.

Cả đại đội từ trong rừng Phan Thanh, tổng Hoàng Hoa Thám kéo xuống cánh đồng Kim Mã. Lần đầu, lá cờ đỏ sao vàng ngang nhiên phấp phới tung bay giữa đồng giữa ban ngày, trong tay những chiến sĩ Giải phóng quân. Đồng bào các làng, bản đổ ra đón chào, hoan hô bộ đội.

Sau bao năm hoạt động bí mật, sinh sống trong rừng sâu núi hiểm, mỗi khi qua các làng mạc đều phải đi đêm, nén từng tiếng ho, nhẹ từng bước chân, đến bây giờ, chúng tôi bỗng ra khỏi rừng, giữa ban ngày ung dung đi trên đường cái, trên cánh đồng, được đồng bào nhiệt liệt đón mừng, ai nấy đều hết sức cảm động, sung sướng. Các cổng làng, các điếm gác mất hẳn dáng vẻ kinh sợ ngày xưa. Những làng, bản, những mái nhà lúc này như mới trở về tay nhân dân. Trời như cao hơn, nắng như ấm hơn, không khí như thơm nhẹ hơn, ngọn tre, nhành lúa đều có vẻ tươi sáng hơn mọi ngày. Hương vị tự do, độc lập tràn khắp núi rừng, làng mạc. Thực không thể nào tả được cái cảm tưởng hớn hở của những người lần đầu được hưởng thứ hương vị ấy.

Chúng tôi tổ chức mít-tinh, giải thích với đồng bào: “Nhật – Pháp đã đánh nhau, đây là thời cơ tốt để đứng dậy chuẩn bị khởi nghĩa”, và hạ lệnh cho tất cả các lính dõng phải nộp súng.

Ngày hôm sau, chúng tôi biên thư báo cáo, rồi kéo thẳng ra đường cái, tiến xuống châu Ngân Sơn. Dọc đường, một trung đội do đồng chí Sơn Cương chỉ huy được phân công ở lại tổng Hoàng Phài, bắt tên tổng đoàn phản động, tịch thu vũ khí của các lính dõng (...) Có tin, tên Pháp chỉ huy đồn Ngân Sơn không chịu rút quân ra khỏi đồng, hình như muốn nấn ná ở lại, đợi Nhật đến. Chúng tôi lập tức biên thư cho hắn: “Nếu muốn hợp tác với Việt Minh để đánh Nhật thì phải kéo quân vào ngay khu du kích, sẽ được giúp đỡ. Nếu trái lại, định ở lại để nộp khí giới cho Nhật thì Việt Minh sẽ đánh lấy đồn”.

Chiều hôm ấy, tên chỉ huy đồn cùng mụ vợ to béo đưa theo toàn bộ binh sĩ đóng tại đồn Ngân Sơn đến một địa điểm được chỉ định gần nơi bộ đội ta đóng quân. Chúng tôi tiếp nhận bộ phận binh lính này.

Các anh Hoàng Sâm, Quang Trung cùng một đơn vị theo dọc đường quốc lộ tiến xuống Phủ Thông đi về phía Bắc Kạn tước vũ khí lính dõng, phát triển bộ đội và chiến đấu với Nhật.

Đại bộ phận tiến về phía Chợ Rã.

Trên suốt dọc đường, đồng bào tấp nập đổ ra đón mừng, hoan hô bộ đội. Thấy các lý trưởng, quản chiếu trước kia hàng ngày vẫn lên đồn trình bẩm, bây giờ mang gà, gạo đến ủy lạo bộ đội, gọi chúng tôi là “đồng chí”, viên Tây đồn hết sức kinh ngạc, hỏi:

- Những người này đối với các ngài là thế nào?

Chúng tôi đáp:

- Đó là những hội viên ở trong các hội cứu quốc của Việt Minh.

Tên Tây đồn ngẩn người ra rồi nói:

- Đất đai dưới chân tôi biến mất hết từ bao lâu nay mà tôi không hề hay biết! Không ngờ Việt Minh lại có lực lượng to lớn như thế này!

Hắn nói không hiểu tại sao bộ đội Pháp trước kia đi đến đâu nhân dân cũng trốn tránh, mà (bây giờ) bộ đội Việt Minh đi đến đâu, nhân dân cũng đón chào.

Chúng tôi đã nắm được tình hình tư tưởng binh lính đồn Ngân Sơn. Chỉ một số rất ít muốn đi theo bộ đội cách mạng, phần lớn muốn trao súng lại để trở về nhà. Tới Chợ Rã, tên quan đồn ngỏ ý muốn chia tay chúng tôi để kéo quân sang Trung Hoa, nhưng toàn thể binh lính không ai chịu theo hắn, xin nộp khí giới cho bộ đội cách mạng rồi trở về nhà. Hai vợ chồng tên Pháp xin ta cấp giấy để đi về phía biên giới Việt – Trung.

Bộ đội ta gửi thông tri cho tên tri châu và tên đồn trưởng người Pháp đang lẩn lút ở chung quanh Chợ Rã biết, chúng ta sẽ vào giải phóng Chợ Rã. Tên tri châu này nổi tiếng là phản động, chạy trốn, định đi báo tin cho Nhật, lập tức bị đuổi bắt lại và tuyên án xử bắn trước nhân dân. Tên chỉ huy đồn xin nộp lại bốn trung đội lính khố xanh cùng toàn bộ vũ khí cho quân cách mạng.

Quân đội Pháp còn trong địa hạt tỉnh Bắc Kạn lúc bấy giờ khoảng trên dưới năm trung đội, trong đó có một số sĩ quan Pháp, do một tên quan năm chỉ huy. Các đơn vị này được lệnh cấp trên của chúng, tiến hành những hoạt động quấy nhiễu Nhật trong khi còn ở lại đây đợi lệnh mới. Có tin, bọn chỉ huy Pháp định tập trung quân ở miền sông Thao, gây căn cứ du kích đánh Nhật, và đang liên lạc với Bộ Tham mưu Đồng minh ở Trung Hoa.

Chúng tôi viết thư cho tên chỉ huy Pháp khuyên hắn cùng Việt Minh đánh Nhật với các điều kiện: 1. Phải tôn trọng chủ quyền của ta. 2. Binh lính của hắn không được quấy nhiễu nhân dân. 3. Ta sẽ để nhân dân bán cho hắn lương thực.

Nhưng thực ra bọn chỉ huy Pháp không có ý muốn chống cự với Nhật, mà chỉ mong thoát thân. Hầu hết binh sĩ của chúng đến gặp ta, nộp súng, rồi xin trở về quê quán.

Sau này, chúng tôi biết, bọn Pháp lúc ấy mặc dầu có hàng vạn quân trong tay, nhưng khi bị Nhật lật, chỉ làm có hai công việc: chạy trốn và đầu hàng. Đại bộ phận quân Pháp ở Cao Bằng rút chạy sang Trung Hoa, một bộ phận dồn về Bắc Kạn. Bọn tàn quân ở Lạng Sơn kéo về Bắc Kạn, hợp nhất với bọn ở đây, rồi chạy cả về Pắc Nậm, qua Nậm Quét sang Trung Hoa. Binh lính của chúng ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Sơn Tây... đều rút lên Tuyên Quang, men theo đường rừng dọc sông Gâm, đến Nậm Quét hay tới Hà Giang để vượt biên giới. Chúng đi hốt hoảng, vội vã (...) Nhưng chúng không quên dùng hơi ngạt giết chết những người cách mạng bị giam giữ tại Cao Bằng, Yên Bái. Trên dọc đường rút lui, chúng cướp bóc nhân dân hết sức tàn tệ. Có nơi, đồng bào bỏ chạy vào rừng; một tháng sau, cán bộ Việt Minh đến giải thích rồi, vẫn chưa dám trở về làm ăn. Hầu hết các binh lính người Việt bị dồn đi theo đều bỏ rơi chúng, đem vũ khí nộp cho bộ đội cách mạng, rồi trở về làng. Một số xin gia nhập hàng ngũ quân Giải phóng (...)

Khi chúng tôi vào Chợ Rã thì cờ sao đã đỏ rực trên suốt dọc phố, trên mái đình, trên trường học. Nhân dân trông chờ bộ đội, nhà nào cũng chuẩn bị cơm nước để đón bộ đội.

Lâu lắm mới thấy lại đường phố. Chợ Rã chỉ là một châu lỵ nhỏ ở miền thượng du, nhưng trước mắt chúng tôi lúc này phố xá nhà cửa đã có vẻ to lớn. Các đồng chí liên lạc đưa chúng tôi vào nghỉ tại một gia đình cơ sở ở trong phố. Chủ nhà là một người miền xuôi, trước kia đã là độc giả của báo Tin tức trong thời kỳ Mặt trận Bình dân.

*

Chúng tôi (...) tổ chức mít-tinh nhân dân để tuyên truyền, giải thích những chính sách của Việt Minh, tước súng của lính dõng, tổ chức lực lượng vũ trang châu, tuyển mộ một số thanh niên để mở rộng bộ đội và nhằm đào tạo cán bộ cho địa phương về sau. Chính quyền địch đã hoàn toàn tan rã. Mọi việc từ tổ chức các đoàn thể cứu quốc, chống cự với Nhật khi chúng kéo lên, cho tới việc tranh chấp ruộng, rẫy... nhân dân đều đến hỏi cán bộ. Đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Mai Trung Lâm ở lại địa phương, rồi tiếp tục tiến về phía nam. Anh Hoàng Văn Thái chỉ huy một đơn vị đi về phía Lục An Châu. Đại bộ phận của Đội đi xuống Chợ Đồn.

Bộ phận tiến xuống phía Chợ Đồn phải qua hồ Ba Bể. Từ trước, đã nhiều lần nghe nói hồ Ba Bể là một thắng cảnh. Bây giờ, lại được đến nơi trong những ngày đất nước bắt đầu đổi mới, thấy thật là một thắng cảnh tuyệt vời. Hồ Ba Bể do ba cái hồ rất lớn hợp thành. Giữa những núi non hùng vĩ đột ngột hiện ra một dải nước mênh mông, rất nhiều ngòi, lạch tia ra xung quanh, giống như một vịnh Hạ Long thu nhỏ ở ngay giữa đất liền. Tại vùng này, việc giao thông chủ yếu phải dùng thuyền, bè hay ca-nô, vì đường qua núi rất ít nẻo đi thông.

Giữa hồ có một dải đất nổi lên như hòn đảo. Tại đây, thực dân Pháp trước kia đã xây một khách sạn khá lớn để phục vụ cho những “ông Tây, bà đầm” đi nghỉ mát và xem cảnh đẹp. Tây từ lâu không đến, nhưng những người phục vụ tại khách sạn vẫn còn. Chúng tôi điều tra xem Pháp có cất giấu súng đạn ở chung quanh đây không. Anh chị em làm việc tại khách sạn dẫn chúng tôi đi lấy được một số đạn giấu ở hốc đá. Đội triệu tập đại biểu nhân dân các xã chung quanh tới để tuyên truyền, giải thích chính sách và tuyển một số thanh niên vào đội. Nhân dân nô nức đến chào mừng bộ đội, mang theo nhiều lương thực, và sốt sắng cho con em gia nhập hàng ngũ quân Giải phóng. Đội quyết định tịch thu mọi thứ đồ đạc của bọn thực dân còn để tại khách sạn như chăn, màn, vải vóc... chia cho đồng bào nghèo, và tặng lại những gia đình có con em đi Giải phóng quân.

Sáng hôm sau, chúng tôi dậy sớm, chuyển vào một làng ở ven hồ. Mặt trời đỏ thắm nhô dần lên khỏi mặt nước. Một đoàn thuyền độc mộc chở bộ đội nối theo nhau lướt trong gió mát lạnh ban mai. Chúng tôi thấy rõ ràng mình đang đi giữa một kỳ công của thiên nhiên. Đồng bào đang quăng chài, kéo lưới, đều ngừng làm việc để nhìn bộ đội đi qua. Mấy chị người Tày đem những con cá tươi vừa đánh được, tặng bộ đội.

Sau khi ở Chợ Rã ra đi, có một điều làm tôi hết sức suy nghĩ... Cho đến lúc đó, vẫn chưa nắm được rõ ràng tình hình chung. Bọn Pháp có nói Nhật đã đánh chúng, nhưng chính chúng cũng không rõ tình hình tại Hà Nội ra sao. Tuy vậy, chúng tôi vẫn đoán chắc chắn là có sự biến chuyển lớn. Vấn đề chính làm tôi băn khoăn là: Pháp đã bỏ chạy, chính quyền cũ hoàn toàn tan rã, lúc này đã nên thành lập chính quyền cách mạng chưa? Trường hợp này, khi chúng tôi còn ở cơ quan, chưa có dịp bàn đến. Tôi nghĩ đến những điều đã đọc trong các tác phẩm của Lê-nin, đại ý như: “Khi tình thế cách mạng trực tiếp đã xuất hiện thì phải kiên quyết đứng lên... Phải luôn luôn tấn công... Phải hết sức cân nhắc những điều kiện khởi nghĩa, nếu đã chín muồi thì phải hành động ngay, nhưng nếu manh động thì thất bại...”. Điều kiện như thế này là đã chín muồi chưa? Vấn đề chưa có chỉ thị của Trung ương mà Liên tỉnh cũng chưa có nghị quyết. Lại nhớ đến lần Bác phê bình nghị quyết về khởi nghĩa của Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng. Rồi lại nghĩ, ngày đó Bác phê bình rất là đúng, nhưng hiện nay tình hình đã khác hẳn trước rồi. Năm trước, chúng tôi xuống Chợ Rã, phải đi lén lút trong rừng sâu, e ngại từng vọng gác nhỏ của địch; lần này, cả đoàn quân kéo đi trên đường cái, giữa ban ngày, không gặp sức mạnh nào cản trở. Cuối cùng, tôi nhận thấy, với chủ trương chung cho tất cả các nơi thì phải đợi chỉ thị của trên, nhưng riêng trong vùng này thì nên thành lập chính quyền cách mạng.

Tôi quyết định để đại bộ phận tiếp tục tiến về Chợ Đồn, mình cùng một số đồng chí quay lại Chợ Rã.

Khi họp để trao đổi về ý định này tại Chợ Rã, các cán bộ đều nhất trí. Tại châu lỵ Chợ Rã và mấy xã lân cận, cơ sở cũ của ta không có mấy. Chúng tôi tiến hành điều tra, chọn một số người từ trước đến nay vẫn tỏ ra có cảm tình đối với cách mạng, được nhân dân tại đây tin cậy, thành lập Ủy ban Nhân dân Lâm thời Chợ Rã. Cán bộ triệu tập mít-tinh, giới thiệu Ủy ban ra mắt nhân dân (...) Tôi biên thư cho đồng chí Sơn Cương, nêu ý kiến cần thành lập ngay chính quyền nhân dân ở trên đó.

Ngay hôm sau, chúng tôi lại quay xuống Chợ Đồn. Bộ đội dừng lại ở bản Chi Án (...) tước vũ khí của lính dõng, thành lập Ủy ban Nhân dân Lâm thời (...)

Đến Chợ Đồn, thì nhận được thư của các anh.

Ngay sau khi Nhật đảo chính Pháp, Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng đã ra nghị quyết:

1. Đánh đổ chế độ thống trị của Pháp ở hương thôn, rồi tùy nơi, sẽ thành lập chính quyền nhân dân từ cấp xã đến cấp châu, huyện, phủ, hoặc đến cấp tỉnh.

2. Phân phối cán bộ của Đội Tuyên truyền về cùng các đội vũ trang địa phương tổ chức thêm những đơn vị Giải phóng quân mới, chuẩn bị trực tiếp đánh Nhật.

3. Phá hoại đường sá, cầu cống, dân chúng tích cực làm vườn không nhà trống khắp nơi.

4. Đối với quân Pháp bị Nhật đánh đuổi, chủ trương không khiêu chiến với họ trong lúc họ rút lui, mà tích cực kêu gọi họ cùng thành lập mặt trận chống Nhật.

(...)

Các đơn vị vũ trang tại Cao Bằng đã hạ một loạt đồn trại, thu súng lính dõng, gọi tước vũ khí của các đoàn quân Pháp nối tiếp nhau vượt qua biên giới Việt – Trung (...) đã thu được hàng ngàn súng trong đó có nhiều súng máy, có cả súng cối và đại bác; ngoài ra còn thu được khá nhiều lừa ngựa (...) (Lẻ tẻ có trường hợp quân Pháp chống cự thì đều) bị các lực lượng vũ trang của ta đánh bại (...)

Với những lực lượng cách mạng không ngừng được tôi luyện suốt mấy năm qua, trong tình hình chuyển biến mới có lợi, phong trào cách mạng Cao Bằng như nước vỡ bờ tràn lan nhanh chóng khắp nơi. Không đầy một tháng sau khi Nhật đảo chính, toàn bộ các châu Hòa An, Nguyên Bình, Hà Quảng, Thạch An và một phần các châu Bảo Lạc, Quảng Uyên, Trùng Khánh... chính quyền đã về tay nhân dân ta. Các ban Việt Minh tổng và xã đều ra công khai; mọi thứ thuế má cũ đều bãi bỏ; ra đường mọi người đều chào nhau bằng “đồng chí”. Thanh niên, đặc biệt là những người ở trong các đội tự vệ, tự vệ chiến đấu, nô nức tòng quân. Với những vũ khí đoạt được của địch, các châu tại Cao Bằng đã thành lập được trên mười đại đội Giải phóng quân (...) (tất cả) được tổ chức di chuyển về phía nam, sẵn sàng đợi lệnh.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 107-118, nhan đề tạm đặt.)