“Thế giới bây giờ” (8.2)

VỤ ĐIẾU NGƯ / SENSAKU (2)



Dầu khí là chuyện rất to đối với...
Mà Biển Đông Tàu lại có thể chứa rất nhiều...
Tại sao Nhật đến bây giờ mới căng?
Căng hay, nhưng căng rồi dịu mới thật là hay







Dầu khí là chuyện rất to đối với...

Nước Nhật hết sức ít dầu khí. Ước lượng năm 2013 là:

- 44 triệu thùng (so với Việt Nam 4,4 tỷ, Mỹ 23 tỷ, Venezuela 298 tỷ)

- 21 tỉ mét khối (so với Việt Nam 680 tỷ, Mỹ 8500 tỷ, I-răng 33600 tỷ).

Nếu chọn bỏ nguyên tử năng, Nhật sẽ cần nhập nhiều dầu khí hơn cả mức hiện nay.

Nước Tàu có khá nhiều cả dầu lẫn khí:

- 26 tỷ thùng

- 3100 tỷ mét khối,

tuy nhiên với đà tiêu thụ “nhất thế giới” hiện nay thì cũng rất cần phải lo.(i)

Cả Nhật lẫn Tàu đều tùy thuộc vào dầu mua ở rất xa chở về bằng đường biển. Nhưng trong tương lai gần nếu xảy ra chiến tranh hay tình huống đối đầu căng thẳng, tàu dầu Nhật sẽ được hải quân mạnh vô địch của Mỹ bảo vệ, còn tàu dầu Tàu thì coi như... khỏi chở, vì hải quân Tàu phải khoảng đôi chục năm nữa mới mong thực sự có tầm hoạt động viễn dương.

Có thể nói, nếu Nhật cứ tiếp tục liên minh chặt chẽ với Mỹ, chính Tàu mới phải lo nhiều hơn về vấn đề dầu khí.

Mà Biển Đông Tàu lại có thể chứa rất nhiều...

Theo Tàu, trữ lượng dầu khí trong vùng Biển Đông Tàu là

- Khoảng 160 tỷ thùng dầu.(ii)

- Khoảng 7000 tỷ mét khối khí.(iii)

Nếu đúng vậy, quá hấp dẫn!

Rắc rối là cả khí lẫn dầu đều không nằm hẳn trong lãnh hải được công nhận của Tàu, mà lại phần nào nằm trong khu vực biển có tranh chấp chủ quyền với Nhật.

Tại sao Nhật đến bây giờ mới căng?

Vì hồi năm 1972 nước Tàu còn hết sức “nhược tiểu” về kinh tế mà cũng không hề là mối đe dọa về quân sự đối với nước Nhật. Nhật thấy nên chụp lấy cơ hội Mỹ đang mở bang giao với Tàu mà bang giao theo để phát triển thị trường cho hàng Nhật.

Cũng vì hồi ấy mọi người đều còn khá mù mờ về trữ lượng dầu khí trong vùng Biển Đông Tàu. Hơn nữa, chỗ dường như có nhiều dầu lại nằm hàng vài cây số dưới mặt nước, hoàn toàn ngoài khả năng khai thác của kỹ thuật đương thời.

Năm 2012 tình hình khác hẳn.

Nước Tàu đã qua mặt nước Nhật mà thành cường quốc kinh tế đứng thứ hai trên thế giới và cứ đà này có thể chỉ độ hai thập kỷ nữa sẽ thành số một! Không tăng nhanh như nhu lực, nhưng cường lực (tức sức mạnh quân sự) của Tàu cũng đã trở nên hoàn toàn không thể xem thường. Kẻ láng giềng rất đáng sợ ấy lại khát dầu khí lắm và đang nhanh chóng hoàn thiện kỹ thuật khai thác dầu ở vùng biển sâu.

Có phải vì thấy việc tranh giành tài nguyên dưới đáy biển đằng nào không lâu nữa cũng sẽ xảy ra, mà thủ tướng Nhật Shinzo Abe cố ý giữ quan hệ với Tàu căng, nhằm động viên nhân dân ủng hộ gấp rút cải tiến quốc phòng? Để ý lòng dân hội tụ cũng giúp ông dễ dàng thực hiện những cải cách táo bạo có thể đưa kinh tế Nhật ra khỏi cơn trì trệ kéo dài.

Sau cùng, việc Tàu lấn lướt ở Biển Đông Việt Nam chắc cũng là một lý do. Lãnh đạo Nhật có những người cảm thấy nên nhân cơ hội này mở luôn “mặt trận” Sensaku để đưa Tàu vào thế lưỡng đầu thọ địch...

Căng hay, nhưng căng rồi dịu mới thật là hay

Nhật căng, rồi nâng cấp vũ trang, rồi khiêu khích nữa (chẳng hạn xây dựng cơ sở trên đảo, tiến hành khai thác tài nguyên) cho Tàu bất đắc dĩ phải đánh, rồi cùng Mỹ đánh cho Tàu thảm bại, co cụm, cho Mỹ làm trời ở Đông Á không biết tới bao giờ?

Chưa chắc chiến sự sẽ diễn ra như ý. Mà có chăng nữa thì buồn quá cho da vàng, trong đó có Nhật. Buồn cả cho nhân loại, vì trong một thời gian sẽ dứt mất một hướng phát triển văn hóa biết đâu sẽ dẫn tới kết quả tốt hơn những hướng khác.

Thực ra Nhật mạnh lên là hay. Trước mắt, giúp Tàu khỏi bị cám dỗ manh động. Nhìn xa hơn, cứ Nhật càng mạnh thì chắc chắn sẽ lại càng bớt thấy cần Mỹ, thì anh em Á Đông càng dễ trở nên đoàn kết!

Hay hơn nữa: Nhật căng ít lâu rồi tìm cách đấu dịu để có thể thương lượng, triển khai hợp tác kinh tế quy mô với Tàu. (Và dĩ nhiên, lúc nào đó, thương lượng, triển khai khai thác các mỏ dầu khí nằm ở vùng ranh giữa hai nước.)

Vừa hợp tác vừa cảnh giác. Vừa buôn buôn bán bán vừa nai nai nịt nịt đủ thứ vũ khí (kể cả thứ nguyên tử), thiết tưởng đó là tương lai tốt đẹp nhất khả dĩ cho khu vực kinh tế quan trọng nhất thế giới trong thế kỷ 21 này.


2013-11-24










__________
(i) Tất cả các số liệu trên là theo
wikipedia.org, 11-2013.
(ii) Theo
Bloomberg.com, 2012-10-10.
(iii) Theo
National Geographic News, 2012-10-26.



Thu Tứ