Hoàng Cầm về quan họ:

“Tiếng hát quan họ, là nghệ thuật của yêu thương (...) quyến luyến xoắn quyện, chan chứa day dứt lên đến đỉnh điểm tuyệt vời của âm dương giao hòa, hình thái cực kỳ lẳng lơ, đa tình”.(1)

Ấy, liền chị khéo mất chỗ đội nón ba tầm!

Nhưng thực ra không phải lo: “trai gái hát với nhau thì đưa tình, trao duyên nồng nàn đằm thắm thế, nhưng (...) lại phải tuyệt đối vâng theo lệ làng quan họ là (...) chỉ được yêu nhau trong tiếng hát mà không được yêu nhau trong đời thường”.

Nhờ lệ làng, mà cũng nhờ cả người Việt miền Bắc hay chém nhau bằng lưỡi trong miệng hơn là lưỡi dao, mà hình như trong lịch sử hát quan họ chưa từng xẩy ra án mạng.

Trở lại hò. Thôi, tốt nhất đã có vợ có chồng thì đừng hò với “người thứ ba”.
(Thu Tứ)

(1) Xem bài “Nghịch lý quan họ” của Hoàng Cầm.



Nguyễn Hiến Lê, “Ham hò quá, mất đầu!”




Nước ngược, tàu chạy rất chậm. Ánh trăng vằng vặc trên kinh. Từ một chiếc ghe chèo gần bờ, đưa lên một giọng hò não nuột:

Hò o o ớ ớ... Em đừng ham chỗ giàu sang
ơ ơ ơ... Tuổi cao tác lớn mà trao thân vàng ơ ơ ơ...


Tôi đang nằm, vội nhỏm dậy, mở cửa, nghe. Tiếng thanh quá, êm đềm như ánh trăng. Khi tiếng hò đã xa, tôi bảo anh Bình:

- Anh còn thức đấy chứ? Tôi chưa cho anh ngủ đâu. Phải bắt anh nghe câu chuyện hò này mới được.

Hồi trước, đi ghe, đêm nào tôi cũng được nghe (..) hò (...) Mướn một người chèo ghe, tôi cố tìm những người hò giỏi, vì những đêm trăng như đêm nay, trôi trên mặt nước mênh mông, có được nghe giọng hò mới cảm thấy được hết cái buồn man mác của trời dài sông rộng. Giọng hò đưa vút lên không, tan trong ánh trăng, tỏa trên mặt nước. Nó là một tiếng gọi từ đáy lòng con người gởi vào vũ trụ.

Hò có nhiều giọng: giọng Bến Tre, giọng Rạch Giá, giọng Cần Thơ... Cùng một giọng, mỗi người hò một khác, mỗi lần hò cũng một khác... Cho nên hò là cả một nghệ thuật và người thạo nghe có thể đoán được xứ sở, có khi gia thế cùng tâm sự người hò nữa. Khi hai người hò cùng tài hoa như nhau, lại cùng một nỗi lòng, thì không gì thú bằng: họ mê nhau ngay (...)

Một lần, một người chèo ghe quê ở Mỹ Tho kể cho tôi nghe một câu chuyện xảy ra tại đồng Tháp này. Tám, chín năm trước, anh ta theo bạn vào làm ruộng ở gần Gẫy (...) Hồi đó, chỗ đó dân cư còn thưa thớt lắm, tại chợ Gẫy chỉ có độ mười chòi lá.

Một ngày đầu năm, một cặp vợ chồng trẻ chèo một chiếc xuồng tới, lên bờ tìm một miếng đất cất chòi. Họ chưa có con cái, ít giao du với ai. Người vợ không có sắc mà có duyên, người chồng ít nói, lầm lì, nhưng rất siêng năng.

Vợ nuôi heo, chồng làm ruộng. Thỉnh thoảng trong những đêm trăng, người ta nghe thấy trong chòi của họ cất lên tiếng hò. Mỗi lần như vậy thì ai nấy đều lắng tai nghe, người đương thiu thiu ngủ cũng phải tỉnh và tiếng ru con bặt hẳn vì giọng hò hay quá: giọng người vợ lanh lảnh, giọng người chồng thì trầm trầm, gợi lòng nhớ nhung thương tiếc những cõi xa xăm. Chất phác như dân quê ở đây mà đã nhiều người thổn thức khi cặp vợ chồng đó cất tiếng.

Lâu lắm họ mới hò một lần mà chỉ hò trong những đêm trăng và chưa ai thấy chồng hoặc vợ hò với người thứ ba bao giờ.

Họ sống như vậy trên một năm. Một lần nọ, chồng vào trong đồng xa phát cỏ luôn bảy ngày. Hôm chàng về nhà vai vác phãng, lưng đeo nóp, trời đã sẩm tối. Mặt trăng vàng vàng lơ lửng trên ngọn so đũa. Tới cách nhà độ hai trăm thước, chàng ngừng lại, cau mày, lắng tai: có tiếng hai người hò mà y như là giọng của... Phải, đúng cái giọng lanh lảnh ấy. Cố lắng tai nữa. Trong ngọn gió tiếng người kia ngân nga và réo rắt.

Chàng tự nghĩ:

- Miền này có ai mà hò hay như vậy?

Chàng lặng lẽ bước tới, vẫn tiếp tục chú ý nghe.

Khi đến nơi thì thấy một đám đông: tất cả người trong xóm lẫn người trong các ghe xuồng đậu dưới kinh đều tụ lại nghe hò. Không ai để ý tới người chồng, chàng lựa một chỗ đứng để nhìn rõ nét mặt hai kẻ đang hò: người đàn ông đẹp trai, trán cao, mắt sáng, miệng rất tươi, còn vợ chàng thì sao bữa nay bận chiếc quần hàng Tân Châu thường ngày cất trong giỏ?

Hai bên vẫn đối đáp với nhau: giọng bên nam mỗi lúc một thêm quyến rũ, giọng bên nữ dần dần có vẻ say sưa. Người chồng yên lặng nghe, mơ màng: khi hai người mới ở chung với nhau, người vợ thường có giọng ấy; đã ba năm rồi, giọng có phần kém, và tối nay...

Bên nam lại cất tiếng, lời có chút gay gắt quyết liệt đòi gắn bó:

Hò o o ớ ớ... Mù u bông trắng lá thắm nhụy vàng
ơ ơ ơ... Anh đi khắp xứ, tới đây mới được gặp nàng
ơ ơ ơ... thiệt là dễ thương ơ ơ...
Hò o o ớ ớ... Nghe giọng nàng, anh những vơ vẩn vấn vương
Sống cùng nhau chẳng được, cho anh phải mơ màng chiêm bao.


Người chồng hồi hộp đợi vợ mình đáp...

Suy nghĩ một chút, bên nữ cất tiếng:

Hò o o ớ ớ...
... Lửng da trời bay lượn con chim hồng
Gặp nhau sao quá trễ cho tấm lòng này xót xa
Đêm nằm em luống những thở ra
Đôi ta chẳng...


Tới tiếng “đôi ta” mắt nàng sáng lên, đắm đuối trong ánh trăng và giọng nàng hơi lơi lả.

Đám đông bỗng vẹt ra, có cái gì loang loáng vút trong không. Đầu thiếu nữ đã lăn trên đất, một dòng máu vọt lên. Ai nấy chạy tán loạn.

Đêm hôm ấy một chòi lá cháy rực trong xóm mà không ai dám lại cứu. Sáng hôm sau, một ngôi mộ mới đắp xuất hiện ngay chỗ xảy ra án mạng. Người chồng từ đó biệt tăm, không ai biết là đi đâu. Khi nghe giọng bất chính của vợ, chàng nổi cơn ghen và chém vợ bằng cái phãng ở trong tay...

Chắc anh chưa thấy cái phãng. Nó là một thứ dao, lưỡi dài trên một thước, dày, rất nặng; cán trái lại rất ngắn, chỉ độ trên một tấc, và bằng gỗ nên nhẹ. Cầm phãng mà vung lên thì sức nặng của lưỡi thép giúp thêm vào sức mạnh cánh tay, làm nó tăng lên gấp ba gấp bốn. Dùng phãng mới phát được mau những lau, sậy trong đồng này. Chỉ một nhát là một đám sậy rộng một thước vuông ngã hết và ba cái đầu người tất cũng phải văng, nói chi một cái!


(Trích
Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Nhan đề tạm đặt.)