“Những buổi sớm mai, chích chòe trong cây mít, con chèo bẻo, con bói cá ở cọc cầu ao, tiếng chim cu ngày mùa, ríu rít vợ chồng chim én đầu hồi mái nhà tranh tre (…) Biết bao người con gái kiều diễm, duyên dáng, “những cô hàng xén răng đen” có giọng hát say người (...) đã đứng ngồi, đi lại, hát ca luyến láy nhịp nhàng uyển chuyển (...) nam thanh nữ tú khắp bốn mươi chín làng quan họ quê tôi (...) yêu thương nhau (...) đằm thắm, mặn nồng (...) da diết”

Quê đã thôi rồi. Cái nền văn hóa mộc mạc mà vô cùng tinh tế cũng đã thôi rồi. Mất đi hai cái “bầu”, làm sao có người như “tôi” được nữa.
(Thu Tứ)



Hoàng Cầm, “Tôi xin biết ơn hai bầu...”




Nhiều năm gần đây, mỗi khi đi dọc triền đê mấy con sông trung du (sông Thương, sông Cầu, sông Đuống), vào cữ sang hè, tôi cứ thấy se se buồn và tiếc. Hễ qua cả những bãi bờ huyện Tiên Du, những cánh đồng trải rộng dưới chân Tam Đảo, qua những đồi núi Dĩnh Sơn, Thiết Sơn, hoặc dải Nham Biền mở một đường vòng cung tuyệt đẹp đến Phả Lại, Chí Linh, cũng vẫn có một nỗi buồn tiếc ấy... Chao ôi! (...) cái nhớ “cảnh cũ... người xưa” (...)

Ờ nhỉ! Lâu lắm rồi tôi không còn được nghe con tu hú kêu rất dài khi mùa vải chín. Ðêm mưa sang hè, dẫu nằm ngay ở một làng đồng chiêm trũng, tôi chẳng còn thấy đâu tiếng “Cuốc! Cuốc!” gọi tình suốt năm canh dóng dả. Và cả đôi vợ chồng chão chuột cãi nhau gần hết đêm hè: “Chuộc! Chẳng chuộc! Chuộc! Chuộc! Chẳng chuộc! Chuộc! Chẳng chuộc!” Liền theo là tiếng anh “trương tuần” ễnh ương can thiệp thô bạo vào việc riêng, chuyện cãi nhau của hai vợ chồng loài ếch nhái ấy. Thô bạo, nghĩa là to tiếng quát: “I... i... i... m... ứ...! I... i... i... m... ứ...!” khiến thằng bé lên sáu là tôi nằm nép bên mẹ mà cứ thấy sờ... sợ.

Những buổi sớm mai, chích chòe trong cây mít, con chèo bẻo, con bói cá ở cọc cầu ao, tiếng chim cu ngày mùa, ríu rít vợ chồng chim én đầu hồi mái nhà tranh tre thuở bé... bây giờ đâu? Nhớ mà buồn. Thời gian đã đuổi chúng đi về đâu, hay chúng bây giờ không thích chơi với tôi nữa? Hơn bảy mươi năm rồi, cứ nhớ đến bầu sinh quyển ấy là trong người bỗng nao nao một cuộc hồi sinh... Vậy là chúng đi vào thơ tôi từ bao giờ chẳng biết!

“... Ta con chim cu về gù rặng tre
Ðưa nắng ấu thơ về sân đất trắng
... Thân cau cụt vẫy đuôi mèo trắng mốc
Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông
... Mõ đêm hè cuốc lội
Ao mưa dằng dịt lá trường sinh...”.

Ðến cái “lá diêu bông”, “sợi cỏ Bồng Thi”, có lẽ cũng từ những lá cỏ nào có tên thật ở các bãi đồi, đồng ruộng tỉnh Bắc Ninh từ thời hồng hoang, đã xâm chiếm tâm tư thơ dại của tôi từ tiền kiếp nào chăng?

Thuở bé, bạn với tôi trước hết là một bầu trời xanh Kinh Bắc, nhiều khi giông bão kéo mây đen nghịt cả bầu trời và mưa gió sấm sét mà tôi rất sợ.

“Ta ru em
Lớn lên em đừng tìm mẹ phía cơn mưa”.

Nhưng có những chiều rất đẹp. Con đê uốn khúc, gió lên rồi, thả con diều trắng nhìn lên cao, nhìn về xa, có núi Nguyệt Hằng Sơn hình người con gái khỏa thân nằm ngửa nhìn mây trắng bay chầm chậm, tôi cứ tưởng tượng ra cô tiên nằm thảnh thơi chờ hoàng tử đến. Và tôi mơ làm hoàng tử sẽ đến đó, rủ cô tiên xuống đây thả diều, đánh khăng, chơi ô ăn quan, vì quê mẹ tôi ở huyện Tiên Du (tiên đi chơi).

Bao nhiêu thứ chim bay và đậu vào thơ tôi.

“... Con bạc má lại về cành chanh
Thương em hay giận em chả biết
... Liếu điếu vỗ hoa xoan lả tả
Lụa sồng nén nghẹn búp thanh xuân”.

Rồi bao nhiêu loài sâu kiến, loài muông thú cũng đi lại, chạy nhảy trong rất nhiều bài thơ từ năm tôi 15 tuổi:

“Con bê vàng lạc dáng chiều xanh”,

“Con chào mào khát nước”,

“Ðường kiến chân rêu có nghe dế gọi
Hẳn là con dế đầu si”,

“Ếch Quế Dương xếp đùi tròn gõ trống”,

“Ðám cưới chuột đang tưng bừng rộn rã” (...)

Bầu nhân quyển, nói cụ thể ra là biết bao người con gái kiều diễm, duyên dáng, “những cô hàng xén răng đen” có giọng hát say người, say cả gỗ đá, đã đứng ngồi, đi lại, hát ca luyến láy nhịp nhàng uyển chuyển (...) nam thanh nữ tú khắp bốn mươi chín làng quan họ quê tôi (...) yêu thương nhau (...) đằm thắm, mặn nồng (...) da diết (...)

Tôi xin tỏ lòng biết ơn hai bầu sinh quyển và nhân quyển nơi quê hương (...) đã rắc đều những hạt thơ lóng lánh xuống một tâm hồn đam mê, mẫn cảm, đa tình (...) mà anh con trai Kinh Bắc ngây thơ, đôi lúc dại khờ, trong trắng nhiều khi đến yếu đuối, đã nâng niu với hai bàn tay bé bỏng, hồn nhiên hứng lấy rồi suốt đời viết được những dòng thơ, nảy được những con chữ biết chạy nhảy, biết bay, thèm bay xa hơn nữa, cao hơn nữa.

Không có một quê hương như thế, tôi không thể làm nên một điều gì, dẫu nhỏ nhẹ như sợi cỏ. Dẫu rằng Trời phú cho một chút tài năng, hoặc tài ba gì ghê gớm chăng nữa, nếu tôi không được sinh thành ở Kinh Bắc (...) chắc chắn sẽ không có một người thơ bút hiệu HOÀNG CẦM.


Hà Nội, tháng 9/1999


(
Hoàng Cầm tác phẩm - văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, 2004)