Tiếc quá. Vì “ví bằng thú thật cùng ta / cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên”. Đằng này, cho nên phải “làm cho nhìn chẳng được nhau / làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên”! Cứ nghĩ đến “vườn mới thêm hoa” thì “lửa tâm càng dập càng nồng”, thế mà “nỗi lòng (vẫn) kín chẳng ai hay”, vẫn “ra vào một mực nói cười như không”, con người đáng sợ thật. Kịch đóng khéo tuyệt vời, khiến “trẻ ranh” về đến nhà, nhiều lần “sự mình cũng rắp lân la giãi bày”, nhưng thấy êm như không, bé cái nhầm tưởng “đà bưng kín miệng bình”, nghĩ “nào ai có khảo mà mình lại xưng?”, bèn “e ấp dùng dằng”, rồi thôi không xưng! Lại thêm Hoạn Thư thỉnh thoảng “giở những lời đâu đâu”, rằng vợ chồng mình “tin nhau cả mười”, “thiếp” đời nào thèm nghe “những miệng dông dài” thốt “những lời nọ kia”, cho “đã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!” v.v. Cứ thế, Thúc Sinh tiếp tục im như thóc về chuyện lén có vợ bé, vừa im vừa nhớ xôn xao. “Tiểu thư” đi guốc trong bụng kẻ “đèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai” với mình, nhân thấy “giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”, bèn “nhủ” hắn hãy về thăm bố. Khác nào đang khát cháy cổ, bỗng được bảo đi uống nước! Mới được “nhủ qua” hôm trước, hôm sau đã “vó câu thẳng ruổi nước non quê người”! Đường về... Kiều, cảnh mới đẹp làm sao: “Long lanh đáy nước in trời / thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”…

(Thu Tứ)



Nguyễn Du, Truyện Kiều (câu 1527-1604)



Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồng trong này nỗi chủ trương ở nhà:
Vốn dòng họ Hoạn danh gia,
Con quan Lại bộ tên là Hoạn Thư. (1530)
Duyên Ðằng thuận nẻo gió đưa,
Cùng chàng kết tóc xe tơ những ngày.
Ở ăn thì nết cũng hay,
Nói điều ràng buộc thì tay cũng già.
Từ nghe vườn mới thêm hoa, (1535)
Miệng người đã lắm tin nhà thì không.
Lửa tâm càng dập càng nồng,
Trách người đen bạc ra lòng trăng hoa:
“Ví bằng thú thật cùng ta,
Cũng dung kẻ dưới mới là lượng trên (1540)
Dại chi chẳng giữ lấy nền,
Tốt chi mà rước tiếng ghen vào mình?
Lại còn bưng bít giấu quanh,
Làm chi những thói trẻ ranh nực cười!
Tính rằng cách mặt khuất lời, (1545)
Giấu ta, ta cũng liệu bài giấu cho!
Lo gì việc ấy mà lo,
Kiến trong miệng chén có bò đi đâu!
Làm cho nhìn chẳng được nhau,
Làm cho đầy đọa cất đầu chẳng lên! (1550)
Làm cho trông thấy nhãn tiền,
Cho người thăm ván bán thuyền biết tay.”
Nỗi lòng kín chẳng ai hay,
Ngoài tai để mặc gió bay mái ngoài.
Tuần sau bỗng thấy hai người, (1555)
Mách tin ý cũng liệu bài tâng công.
Tiểu thư nổi giận đùng đùng:
“Gớm tay thêu dệt ra lòng trêu ngươi!
Chồng tao nào phải như ai,
Ðiều này hẳn miệng những người thị phi!” (1560)
Vội vàng xuống lệnh ra uy,
Ðứa thì vả miệng đứa thì bẻ răng.
Trong ngoài kín mít như bưng,
Nào ai còn dám nói năng một lời!
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi, (1565)
Ra vào một mực nói cười như không.
Ðêm ngày lòng những dặn lòng,
Sinh đà về đến lầu hồng xuống yên.
Lời tan hợp nỗi hàn huyên,
Chữ tình càng mặn chữ duyên càng nồng. (1570)
Tẩy trần vui chén thong dong,
Nỗi lòng ai ở trong lòng mà ra.
Chàng về xem ý tứ nhà,
Sự mình cũng rắp lân la giãi bày.
Mấy phen cười nói tỉnh say, (1575)
Tóc tơ bất động mảy may sự tình.
Nghĩ đà bưng kín miệng bình,
Nào ai có khảo mà mình lại xưng?
Những là e ấp dùng dằng,
Rút dây sợ nữa động rừng lại thôi. (1580)
Có khi vui chuyện mua cười,
Tiểu thư lại giở những lời đâu đâu.
Rằng: “Trong ngọc đá vàng thau,
Mười phần ta đã tin nhau cả mười.
Khen cho những miệng dông dài, (1585)
Bướm ong lại đặt những lời nọ kia.
Thiếp dù vụng chẳng hay suy,
Ðã dơ bụng nghĩ lại bia miệng cười!”
Thấy lời thủng thỉnh như chơi,
Thuận lời chàng cũng nói xuôi đỡ đòn. (1590)
Những là cười phấn cợt son,
Ðèn khuya chung bóng trăng tròn sánh vai.
Thú quê thuần vược bén mùi,
Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô.
Chạnh niềm nhớ cảnh giang hồ, (1595)
Một màu quan tái mấy mùa gió trăng.
Tình riêng chưa dám rỉ răng,
Tiểu thư trước đã liệu chừng nhủ qua:
“Cách năm mây bạc xa xa,
Lâm Truy cũng phải tính mà thần hôn.” (1600)
Ðược lời như mở tấc son,
Vó câu thẳng ruổi nước non quê người.
Long lanh đáy nước in trời,
Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng.


(
Truyện Kiều, nxb. Ðại Học Và Trung Học Chuyên Nghiệp, Hà Nội, 1973)