Chiến lợi phẩm thường được triển lãm, ít khi được dùng. Nhưng với Đội thì khác. Chiến lợi phẩm chính là súng đạn, trang bị của Đội! Cái đồn Nà Ngần khốn khổ, nếu kể cả trận phục kích thì nó bị đánh đến ba lần, lần nào cũng hóa thành cái kho cho quân ta vào “bồi dưỡng”!

“Tiêu diệt địch, bồi dưỡng ta” sẽ được lặp đi lặp lại vô số lần, trở thành nét VẺ VANG ĐỘC ĐÁO của kháng chiến chống Pháp.

Ở Điện Biên Phủ,
“Về đạn 105, ta chỉ có tổng số khoảng 20.000 viên, gồm 11.000 viên chiến lợi phẩm của Chiến dịch Biên Giới, 3.600 viên do Trung Quốc viện trợ kèm theo pháo, 440 viên chiến lợi phẩm ở mặt trận Trung Lào, và khoảng 5.000 viên thu được của giặc thả dù tiếp tế”. Tám mươi phần trăm là chiến lợi phẩm! Và cái tấn thuốc nổ đặt dưới đỉnh đồi A1 cũng là chiến lợi phẩm do bắn rơi một pháo đài bay B-24. Tuyệt vời là thế này đây. (Thu Tứ)



“Vẻ vang độc đáo”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Về đến vùng Thông Nong vào ngày cuối năm. Cơ sở vùng này rất tốt. Biết bộ đội về, anh em tự vệ canh gác khắp nơi. Năm giờ chiều, bộ đội đã hành quân, chỉ cách đồn địch vài ba cây số. Dọc đường, đồng bào bày cỗ, đốt đuốc đón bộ đội, đem cả ghế ra cho bộ đội ngồi nghỉ. Anh em chúng tôi ai nấy đều thấy rõ, mình là con đẻ của nhân dân, đang sống trong sự chăm nom, bảo vệ của nhân dân (...)

Tối 30, bộ đội tới vùng rẻo cao của đồng bào Mán trắng. Đồng bào được tin bộ đội về, đã chuẩn bị bò, lợn để khao quân. Ngày mồng 1, đang liên hoan cùng đồng bào thì anh Đồng tới. Anh Đồng suốt thời gian qua bị sốt luôn, nước da xanh tái, thay mặt cơ quan chúc Tết, mừng bộ đội liên tiếp thắng lợi, và nói cho anh em nghe tình hình phong trào các nơi. Mọi người hết sức phấn khởi.

Sáng mùng 2 Tết, trở về tổng Hoàng Hoa Thám, nơi khoảng hai tháng trước đây Đội đã làm lễ thành lập. Bộ phận của anh Hoàng Văn Thái đi hoạt động mở rộng cơ sở vùng Nậm Ti, từ Tĩnh Túc đến Phia U Ắc, cũng vừa về tới nơi. Đồng bào đã mổ trâu, giết lợn đợi từ mấy hôm trước. Đúng như một lời chúc mừng trong ngày thành lập Đội, trung đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã lớn lên thành một đại đội, đã lập được chiến công, và bây giờ trở về đây ăn Tết với đồng bào.

Phong trào tại hai tổng Trần Hưng Đạo, Hoàng Hoa Thám đã sôi nổi hơn trước nhiều. Trên dọc một con suối trong rừng sâu, đồng bào đã cất sẵn mấy ngôi nhà vầu, mái lợp lá chuối, có sàn nứa cao ráo, chờ bộ đội, và chuẩn bị sẵn bò, lợn, bánh trái. Quà của nhân dân gửi về tặng Đội do các trạm chuyển đến rất nhiều. Những gói giò, những thanh chè lam, những ống tre đựng đầy thịt muối để làm lương khô, những đôi giày vải do tự tay các mẹ, các chị khâu, cùng với gạo, ngô, vải vóc. Mỗi món quà đều mang nặng tình thương yêu của đồng bào dành cho những người con bộ đội cách mạng. Những ngày đầu Xuân năm đó thật tưng bừng, phấn khởi.

Thi hành chỉ thị của Bác, Đội luôn luôn nhớ đến nhiệm vụ của mình: “Chính trị trọng hơn quân sự, tuyên truyền trọng hơn tác chiến”. Cho nên, trước khi đánh đã nghĩ đến mục đích tuyên truyền; sau khi đánh lại tận dụng thắng lợi để mở rộng công tác tuyên truyền. Bấy giờ, tin thắng lợi của Đội đã đồn ra khắp các châu, huyện. Nhận thấy, nếu cuộc thắng lợi ấy chỉ có một trăm người biết thì chỉ có ảnh hưởng đối với một trăm người; nhưng nếu làm cho một nghìn người biết, thì về mặt chính trị, chẳng khác gì ta đã thu được mười cuộc thắng lợi hay là một cuộc thắng lợi lớn gấp mười. Chúng tôi cùng liên tỉnh đặt một kế hoạch mở rộng tuyên truyền đi đôi với một kế hoạch mở rộng tổ chức cơ sở chính trị và lực lượng vũ trang. Trên báo Việt Nam độc lập, mấy số liền đều có những bài đặc biệt thuật lại các trận đánh của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân .

Vả lại không phải chỉ đánh mới tuyên truyền được. Ngoài tác chiến ra, chúng tôi còn trực tiếp tiến hành công tác vũ trang tuyên truyền trong nhân dân. Vũ trang tuyên truyền là dùng lực lượng vũ trang để tuyên truyền chính trị, làm cho nhân dân tin tưởng ở sức mạnh của cách mạng, rồi từ đó đưa đến chỗ giác ngộ chính trị. Nhân dân khi thấy quân cách mạng có vũ khí, thì hay tin tưởng vào vũ khí. Các cán bộ, chiến sĩ đã chủ ý dùng những lời lẽ đơn giản để nói cho đồng bào hiểu, sức mạnh của vũ khí chỉ là một sức mạnh phụ thuộc, sức mạnh tinh thần của toàn dân đoàn kết mới là sức mạnh quyết định. Chúng tôi đã coi đó là một yêu cầu cơ bản của công tác tuyên truyền vũ trang. Nếu không làm cho nhân dân hiểu rõ điều đó, thì không đạt được mục đích của công tác vũ trang tuyên truyền (...)

Ảnh hưởng của các cuộc chiến thắng khá sâu rộng (...) đâu đâu cũng bàn tán (...) phục tài dùng binh của cán bộ cách mạng (...) nhắc nhiều đến các nữ chiến sĩ (...) (Binh lính người Việt trong hàng ngũ địch) khuyên nhau nếu gặp quân cách mạng thì không nên chống cự, cứ theo hàng là tức khắc được đối đãi tử tế. Nhiều tên Việt gian phản động mới trước đây còn ra sức khủng bố cách mạng, nay bảo nhau kéo đến tìm cán bộ Việt Minh để ký giấy nhận tội, nguyện đem trả lại những tiền bạc, lễ vật đã đục khoét của nhân dân. Những người lừng chừng, phần lớn ngả về phía cách mạng. Bà con hội viên thì hăng hái bội phần. Số cán bộ tình nguyện đi công tác thoát ly ngày càng tăng. Phong trào đấu tranh vũ trang sôi nổi trong nhân dân.

Đến mỗi địa phương, sau khi tiến hành tuyên truyền, Đội bắt tay ngay vào công tác tổ chức. Đội chọn một số thanh niên hăng hái tiến hành huấn luyện, rồi giao nhiệm vụ cho họ tiếp tục công tác tại địa phương. Ngoài ra, Đội còn lựa chọn một số thanh niên để đưa vào Đội. Các anh em này sẽ được giáo dục, rèn luyện dần trong quá trình ở bộ đội để sau này, khi cần thì sẽ đưa trở về địa phương công tác, làm nòng cốt cho phong trào.

Chúng tôi quyết định: Đi đôi với việc tác chiến phải dùng vũ trang tuyên truyền trực tiếp để gây dựng một khu vực rộng rãi từ các vùng rừng núi giáp giới Hòa An, gần tỉnh lỵ Cao Bằng cho đến các châu Nguyên Bình, Ngân Sơn, Chợ Rã, vùng phụ cận các triền núi Phia U Ắc, Phia Giả, Phia Bioóc.

Sau mấy ngày Tết ngắn ngủi, Đội gấp rút tiến hành công tác huấn luyện một thời gian, rồi phân tán đi hoạt động ở các nơi, vừa xây dựng cơ sở, vừa tranh thủ tác chiến với địch. Anh Hoàng Văn Thái đi về phía Phia U Ắc, điều tra mỏ Tĩnh Túc. Một trung đội ở lại vùng Ben Le (Bel Air) chờ cơ hội tiêu diệt địch. Một trung đội bố trí phục kích tại vùng Khâu Áng, Ngân Sơn. Tôi tranh thủ thời gian viết lại những kinh nghiệm tại Phai Khắt, Nà Ngần, Đồng Mu để trao đổi với các nơi.

*

Bước sang đầu năm 1945 (...) Trước tình hình quân đội Đồng minh sớm muộn cũng sẽ vào Đông Dương, Nhật phải tiêu diệt Pháp để trừ một mối lo về sau. Phong trào cách mạng ở miền xuôi và trên cả nước ngày càng sôi nổi. Nhưng do sự khủng bố của địch, liên lạc giữa căn cứ địa Cao – Bắc – Lạng với (...) miền xuôi thường bị gián đoạn.

Liên tỉnh ủy gấp rút kêu gọi nhân dân chuẩn bị đón lấy thời cơ, và chỉ thị cho các đội vũ trang, các đội tự vệ sẵn sàng mở rộng đấu tranh vũ trang.

Để kịp với sự phát triển của tình hình, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân tích cực thi hành kế hoạch tiến về phía nam. Một bộ phận đi trước khôi phục và mở rộng những cơ sở trên dọc đường từ Ngân Sơn, qua Chợ Rã, Chợ Đồn tiến về phía Chợ Chu.

Trong khi đợi củng cố đường giao thông, đại bộ phận đẩy mạnh hoạt động tại khắp vùng tiếp giáp hai tỉnh Cao Bằng – Bắc Kạn. Những hoạt động vũ trang tuyên truyền đã đi vào nền nếp, phát triển thuận lợi. Nhiều nơi, trên những bản làng tan nát, phong trào phục hồi nhanh chóng, trở lại sôi nổi, phấn khởi như trước thời kỳ địch khủng bố. Nhưng việc tác chiến trở nên khó khăn hơn. Thanh thế của bộ đội cách mạng đã lớn, buộc kẻ địch phải đề phòng cẩn mật. Với những trang bị thô sơ và trình độ bộ đội mới bước đầu xây dựng (...) ta chưa thể cường tập tiêu diệt đồn địch. Trong khi di chuyển, bọn địch cũng rất tinh khôn, biết tìm cách né tránh các cuộc phục kích của ta. Có lần, một trung đội (...) bắt gặp một bọn lính đi tuần, đã sẵn sàng nổ súng (...) nhưng vì địch biết lợi dụng sương mù để di chuyển, nên ta nghe rõ tiếng giày đinh của chúng mà không nhìn thấy, đành để chúng đi thoát.

Một hôm, tôi mở cuốn Chiến tranh du kích kháng Nhật của đồng chí Chu Đức ra đọc lại chương “Nguyên tắc căn bản của chiến thuật du kích”, thấy đồng chí có viết một câu đại ý như sau: “Phải hành động cho rõ tích cực mà bị tổn thất ít nhiều, cũng còn hơn là hành động không tích cực”, tôi đã có cảm tưởng như câu nói đó, đồng chí đã viết để tặng riêng cho chúng tôi. Đã nhiều lần, các đơn vị rất quyết tâm tiêu diệt địch lập công, nhưng hoặc tìm không thấy giặc, hoặc có lúc được tin giặc đến thì quân ta chưa chuẩn bị sẵn sàng, hành quân chậm trễ, thành thử cũng không đánh được giặc. Lúc này càng thấm thía phương châm Bác đã chỉ thị ngay từ ngày mới thành lập Đội: “Bí mật, nhanh chóng, tích cực...”. Bộ đội ta mới chỉ là một lực lượng du kích tập trung nhỏ bé, vũ khí ít, lương thực không có nhiều, nếu không hết sức tích cực, chủ động tìm địch mà đánh, thì không thể nào tiêu diệt được lực lượng địch, bồi dưỡng được lực lượng ta. Để thực hiện phương châm “tích cực”, lúc nào cũng phải sẵn sàng vũ khí lương thực, tìm nơi đóng quân thuận lợi, tăng cường công tác tình báo, thông tin nhanh chóng, liên lạc kịp thời, hành quân nhẹ nhàng... để không bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt địch.

Đội đã điều tra quy luật di chuyển của quân địch trên đường từ Nà Ngần đi Ben Le và chuẩn bị đánh địch trên con đường này. Khi được tin chắc chắn có đội vận tải của địch sắp đi qua, một trung đội do đồng chí Hoàng Sâm chỉ huy đã hành quân cấp tốc suốt một buổi chiều và một đêm đến địa điểm phục kích. Trung đội được bố trí kín đáo trên quãng đường, một bên là thành vại, cây cối rậm rạp, một bên cỏ gianh mọc um tùm. Anh Hoàng Sâm và tôi đã chọn địa điểm chỉ huy ở trên một quả đồi có thể nhìn xa khoảng ba cây số, theo dõi chuyển động của địch. Bố trí từ sáng đến ba giờ chiều địch mới về tới nơi. Đợi địch lọt vào giữa vòng vây, anh Hoàng Sâm bắn một phát súng ra hiệu lệnh xung phong. Quân địch không tên nào kịp chống cự. Trận này, ta bắt sống gần một trung đội địch, thu 16 khẩu súng và khá nhiều lương thực, đạn dược.

Bộ đội ta tuyên truyền giải thích cho tù binh, rồi thả một số cho trở về đồn Nà Ngần. Quân địch còn đóng tại đây hết sức hoang mang. Ngay đêm ấy, bộ đội ta tiến theo đường núi tới bao vây đồn. Tiếng súng, tiếng hô xung phong xen lẫn với tiếng loa kêu gọi. Tinh thần binh lính địch trong đồn tan rã, một số bỏ chạy, một số mang súng ra hàng. Bên ta thu được gần 30 khẩu súng. Trời tảng sáng, bộ đội vào chiếm đồn, thu tất cả đạn dược và đồ quân dụng.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Nhan đề phần trích tạm đặt.)