Theo Tạ Chí Đại Trường, thế lực siêu hình đã giúp An Dương vương là thần Cao Lỗ, một thần đá trong tín ngưỡng xưa.



Ngô Đức Thọ v.v., “Quán Trấn Vũ”








Ở phường Thụy Chương (...) phía nam hồ Tây (...) thường quen gọi (không chính xác) là đền Quan Thánh.

Quán thờ Trấn Thiên Chân Vũ đại đế, cũng gọi là Huyền Thiên Chân Vũ đại đế. Tương truyền khi An Dương Vương xây thành Cổ Loa có tinh gà trắng và quỷ ở vùng núi Thất Diệu hiện ra quấy nhiễu, theo lời cầu khấn của thần Kim Quy, đại đế hiển linh ở núi Xuân Lôi, nay thuộc tỉnh Hà Bắc, giúp An Dương vương trừ yêu tà, được An Dương vương lập đền thờ ở phía bắc thành Cổ Loa (...)

Khi Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (1010) cho rước bài vị thần về thờ mé tây bắc hoàng thành. Hiện chưa có di vật hoặc tư liệu nào cho biết về quán Trấn Vũ thời Lý Trần và Lê sơ.

Đến năm 1677 (...) chúa Trịnh Tạc sai (...) trùng tu quán Trấn Vũ ở địa điểm hiện nay (...) cho đúc tượng thánh Trấn Vũ cao 3m96 nặng gần 4000kg bằng đồng đen (...)

Thời Tây Sơn, năm 1794, đại đô đốc Lê Văn Ngữ (quê huyện Tuy Viễn, phủ Qui Nhơn) quyên góp đúc chiếc khánh đồng (1m10 x 1m25) (...)

Đời Nguyễn, vua Minh Mệnh thăm quán (1821) và cấp tiền tu sửa; năm 1823 cho đổi tên là Chân Vũ quán. Năm 1842, vua Thiệu Trị ban cho tượng áo lụa vàng, một đồng tiền vàng, trướng thêu đối liên và tấm biển chạm ngọc trai bài thơ ngự chế:

“Tam hóa thần thông đản giáng tường
Trùng ly tĩnh lạc đạo di chương
Tí dân lũ kiến thanh Tào quận
Hộ quốc đa truyền dạ Vũ Xương
Bình tặc hiển linh Minh Vĩnh Lạc
Đằng ma thuận trợ Thục An Dương
Chính Hòa tăng bí lưu kim bích
Sùng phụng kiền kỳ điện Bắc phương”.

“Tam hóa thần thông giáng phúc tường
Giữ yên bờ cõi đạo càng dương
Cứu dân từng thấy yên Tào quận
Giúp nước nhiều phen gội gió sương
Lui giặc hiển linh Minh Vĩnh Lạc
Đuổi ma thuận giúp Thục An Dương
Chính Hòa tô điểm tăng vẻ đẹp
Sùng phụng tôn thờ giữ Bắc phương”. (Ngô Đức Thọ dịch)


(Theo
Di tích lịch sử văn hóa Việt Nam, Ngô Ðức Thọ (chủ biên), nxb. Khoa Học Xã Hội, 1991)