Nguyễn Can Mộng sinh năm 1885, lớn hơn Tản Đà bốn tuổi. Như nhiều nhà nho lúc ấy, ông rất yêu nước nhưng không tích cực tìm cách cứu nước mà chỉ ngồi than thở và “chờ đợi nguyệt”. Với giặc Pháp, ông có thù nhà: cha và chú đều bị giặc giết khi khởi nghĩa theo hịch Cần Vương. Sau Cách mạng tháng Tám, nhân dịp “Khóc chị” ông bộc lộ tâm sự: “Dậu xưa nhà khởi nghĩa binh / Cơ đồ tan tác cha anh xa vời / Tang thương trong bấy năm giời / Còn em với chị, chị thời ở xa / (…) / Ngẫm ra tâm sự nhà mình / Kể làm chi cái tử sinh cuộc đời / Nước nay thù giả được rồi / Suối vàng xin có một nhời thưa cha”. Thực ra mãi đến một năm sau khi ông mất (năm 1953) thì dân tộc Việt Nam mới trả xong thù nước. (“Dậu xưa” là năm Ất Dậu 1885.) (Thu Tứ)



Nguyễn Can Mộng, “Đêm Trung thu gặp mưa”




Trời đâu mà vẫn hỗn mang
Mưa đâu mà nỡ phụ phàng Hằng Nga
Bóng đâu tìm thấy sơn hà
Tiếc thay như ngọc xóa nhòa như không
Trông trăng rằm tháng tám
Trạnh viễn hoài thêm cảm với trăng thâu
Trời bốn phương đen kít một màu
Nào những khách nam lâu chờ đợi nguyệt
Trong đám mịt mù ai kẻ biết
Tấm thân băng tuyết vẫn là trong
Làm gương cho thế giới soi chung
Dù mắt tục biết không, không xá kể
Mặc trời đất mưa nguồn chớp bể
Quang tạnh rồi thân thế lại như xưa
Vầng trăng còn đó trơ trơ.