“Tủ chè, sập gụ (...) bàn gương (...) giá áo (...) quẳng ra đường” làm chướng ngại vật, “dọc tẩu, khay đèn (chẻ ra) đút bếp”. Những cô đào “hớn hở hăng say” “xung phong làm nhiệm vụ (của) người dân nước”, làm cách “dũng cảm”, “sung sướng và kiêu hãnh”. Có thế chứ.

Gió lớn đã quét sạch rác ở Khâm Thiên rồi.

Nhưng “những con người Khâm Thiên cũ” hưởng “niềm vui (...) ngọt ngào và thơm như những cốc cà-phê đá” chưa được bao lâu thì một đêm kia từ trên tít cao bỗng rơi xuống vô số những vật tròn tròn dài dài vừa rơi vừa rít...

Lại nhưng, “trên đống gạch Khâm Thiên” rồi vẫn cất lên “tiếng cười giòn giã”. Nhờ “tiếng cười ta tồn tại” mà Khâm Thiên “mãi mãi lại hồi sinh”...(1)

(Thu Tứ)

(1) Xem bài thơ Tìm Lại Ra Mình của Chế Lan Viên.



“Cống Trắng Khâm Thiên” (3)

Quang Dũng





Ảnh khuyết danh


Năm đầu kháng chiến chống Pháp (...) những ụ chiến đấu cũng nổi lên. Tủ chè, sập gụ, bàn gương trang điểm của các cô đào hát, cái giá áo của khách chơi, hết thảy quẳng ra đường cản giặc. Ở tiểu đoàn Tuấn Sơn hồi đó, có một tổ đêm đêm len lỏi vào từng ổ chiến đấu, đi tiếp tế cho chiến sĩ vệ quốc đoàn. Những chị Thu, Nguyệt, Quế, Hồng, Vân Dung, Thục Quyên (...) đã rứt bỏ cái áo dài cô đào hát của mình đi mà xung phong làm nhiệm vụ. Các chị ấy, mỗi người đeo một bị đựng đầy cơm nắm và những miếng thịt luộc thái dối bằng bàn tay, khẩu phần của mỗi chiến sĩ. Hớn hở hăng say và rất mực dũng cảm như những người con gái ngoan giờ mới thấy được ý nghĩa kiếp sống của mình, được thấy mình cũng là người dân nước như bất cứ ai, các chị sung sướng và kiêu hãnh đội cái mũ có sao vệ quốc quân, búi tó buộc gọn, hàng đêm bò trườn qua khu nhà dầu Sen, qua cả ô Đông Mác dưới tầm đạn tắc bọp của giặc rình mò, để lên những tổ tác chiến của quân ta.

Một buổi sáng của những ngày quân ta còn đóng đại đội bộ ở chùa Đống Đa và tiểu đoàn thì ở một cái nhà hát Ngã Tư Sở, tôi đã thấy các chị báo cáo với ban chỉ huy:

- Báo cáo, Thu hy sinh rồi.

- Bích bị mảnh moóc-chi-ê, đã được cấp cứu ở trạm tiền phương.

Trong khi đó thì ở giữa sân, ban hỏa thực đang chẻ tất cả các thứ dọc tẩu, khay đèn thuốc phiện và cả những bộ sa-lông tàu, đút bếp.

Bác Chấp là đại biểu khối 42 Khâm Thiên kể lại rằng khi tiếng súng đêm 19 tháng chạp vừa bắt đầu thì các chị em những nhà hát Khâm Thiên này đã có mặt ngay ở những vị trí cứu thương, lúc ấy ở đền Trung Tả.

Cống Trắng ngày nay chẳng còn dấu vết nữa. Ngay từ ngày hòa bình mới lập lại, nhân dân phố Khâm Thiên đã chặt bớt hè phố và mở rộng mặt đường. Cái lòng cầu hẹp vắt qua dòng Cống Trắng có lan can xi-măng thế là cũng bị phá nốt. Cống Trắng được đào sâu thêm, khơi rộng và xây miệng cống hơn hai thước. Trước kia miệng cống chỉ nhỏ bằng nửa nên có cơn mưa to là nước ứ lại hàng tháng, nhà nọ sang nhà kia phải bắc ván, nước ứ dềnh lên, phân tro quẩn chân người. Cống Trắng nay chỉ còn nhận ra nhờ cái dòng chữ viết trên tường: Ngõ Cống Trắng. Ở ngay cạnh ngõ, có một hàng rượu quốc doanh và một hợp tác xã nhuộm của một tổ thương binh. Cái cảnh một dòng nước đen đặc lờ đờ trôi qua đường bên bãi rác không còn nữa. Những cơn mưa dồn nước từ phía nam thành phố xuống đổ vào lòng cống được khơi rộng, tuồn sang các hồ và chảy về cống Chèm, thoát nước mau chóng. Theo đồng chí Cơ (...) hồ Chùa chứa nước của Cống Trắng dồn về, năm nay trong kế hoạch thả cá thịt của hợp tác xã nông nghiệp Thổ Quan, có thể cung cấp cho thành phố mười tấn cá mè, cá trôi. Xóm ngõ Hồ Dài, ngõ Thiên Hùng ngay sau khối 45 trước là tha ma, bãi rác ven Cống Trắng, nay ở đấy đã có một xí nghiệp mới chuyển sang thành công ty may mặc, có trên ba trăm nữ công nhân. Cái ánh điện đêm đêm đã bật sáng lên ở nơi ngõ lầy lội và tăm tối ngày trước. Hồ ao ở ngõ Văn Chương cũng đã được lấp đi khá nhiều và ở đó lại mọc lên những khu nhà tập thể.

Dưới ánh điện đêm Khâm Thiên là những đêm chăm chỉ của những công nhân làm tăng năng suất. Đấy là cái ánh sáng hắt ra từ những xí nghiệp đúc, xí nghiệp Trường Sơn làm kim khí. Những cô công nhân trẻ tuổi thấp thoáng ra vào ở những nơi xưa kia là địa ngục đầy ải kiếp người phụ nữ. Ở một cái số nhà kia, nhà hát cũ, một cô gái vừa mở cửa dắt xe Phượng Hoàng, lưng khoác chéo khẩu súng trường, gọn gàng mũ lưới đính cánh sao vuông. Cô tự vệ của xí nghiệp, đến giờ đi làm việc. Cũng ở ngay ngõ Thiên Hùng và Hồ Dài ấy, những hợp tác xã xích-lô đã tổ chức tổ phục vụ chiến đấu. Trong những ngày địch ném bom dữ dội thủ đô ta, những tổ này sẵn sàng để lao đến những nơi có người bị nạn, chở họ nhanh chóng về trạm cấp cứu.

Không còn cái cảnh cả phố Khâm Thiên cũ cứ phải kéo nhau xuống nhà thờ Nam Đồng xếp hàng vài trăm đôi thùng, đợi bõ già nhà thờ mở cánh cổng sắt mới ùa vào tranh nhau lấy nước. Người ngõ Thổ Quan thì đổ xô vào cái giếng đình, xúm đông xúm đặc, vét từng gáo nước đục về đánh phèn. Ngày nay, riêng khối 45 này, 60 phần trăm hộ đã có máy nước trong nhà. Toàn phố Khâm Thiên đã có những máy nước công cộng.

Những vũng nước trong lênh láng thấm ẩm quanh những máy nước, soi bóng những cành bàng xanh xum xuê là cái cảnh ngày xưa không bao giờ thấy giữa phố Khâm Thiên trơ trụi.

Sự đổi mới ở đây không phô trương, không cố nổi bật. Nó giản dị và làm người ta yên tâm (...) Ngay trong những ngày căng thẳng của những đợt địch bắn phá Hà Nội (...) người dân Khâm Thiên vẫn bình tĩnh phát động phong trào vệ sinh yêu nước (...)

*

Chúng tôi cùng nhau đi dạo một quãng ở mạn gần Cống Trắng, chị Yến, bác Chấp và tôi. Bác Chấp là người nhiều tuổi (...) từng sống lâu năm ở Khâm Thiên cũ. Bác Chấp là người thuộc Khâm Thiên từ lúc người ta còn hát cô đầu một cách thanh lịch. “Đi qua đường, nghe tiếng hát, nghe tiếng trống, có thể biết là cụ Cử Long đang cầm roi chầu...” rồi đến cái thời nảy ra những cô đào rượu và những nhà nhảy đầm...

Chị Yến là một đào hát cũ, nay công tác chữ thập đỏ và làm nhóm trưởng (...) Chúng tôi đi tìm một quán giải khát sau buổi trò chuyện khá dài về Khâm Thiên (...) uống một cốc cà-phê đá, nhìn ra rặng bàng và ngắm lũ trẻ đang trèo lên những kiêu gạch hồng, hái quả.

Chúng tôi có niềm vui của những con người Khâm Thiên cũ. Nó ngọt ngào và thơm như những cốc cà-phê đá đang bốc hơi lạnh ra thành cốc thủy tinh.