Quả thực, làm gì có cái biên giới một nét vạch giữa mùa với mùa. Thực tế là một quãng thời gian trong đó mùa trước từ từ đi và mùa sau từ từ đến, cuối đông cũng chính là đầu xuân...

“Ở thôn quê Phú Yên”, xuân đến từ từ là chẳng hạn trong cái nắng dần “tươi” lên, xanh lá chuối xanh bụi lúa lên, thơm bánh cúc bánh thuẫn lên! “Nắng tháng chạp” cứ “hiền lành như thế” thêm lên và cứ “lạnh bàng bạc dàn trải quyến rũ” nữa lên, lúc nào đó ta bỗng thấy mình đã ở hẳn trong mùa xuân rồi!

Đông với xuân cũng như đêm với ngày
Giữa đen và trắng không phải lằn ranh
Mà chẳng hạn cái nắng chuyển “vàng thanh”
Xanh lên mãi và thơm dần lên mãi...
(Thu Tứ)

(1) “Vàng thanh” là chữ trong bài thơ “Xuân ý” của Huy Cận mà Trần Huiền Ân dẫn ở đầu bài ký “Nắng tháng chạp của mình”.



“Nắng tháng chạp”

Trần Huiền Ân




Xuân (...) không đến đúng (lúc) giao thừa hay (ngày) lập xuân (...) Nó từ từ thâm nhập vào cảnh vật và vào lòng ta từng tí một, từ nhiều ngày trước, từ tháng chạp, rõ ràng nhất là trong cái nắng tươi vàng. Ta nhận ra và nói: Mới đó mà tháng chạp rồi (...)

Ở thôn quê Phú Yên nắng tháng chạp có màu xanh của lá chuối trong vườn đợi chờ gói bánh tét. Rồi có mùi thơm của bánh cúc bánh thuẫn lan tỏa khắp ngõ trên xóm dưới. Lúc này ngoài đồng phơn phớt màu xanh lục, cây mạ mảnh khảnh đã thành bụi lúa, kín ngọn giao nhau nhấp nhô theo gió. Ở vùng cao, người dân ngẩng nhìn dãy núi xa gắn vào chân trời trở nên đậm hơn. Trên những tàn cây gần có lớp lộc non mới nẩy đâu vài ba hôm. Sau tết rừng sẽ có ba tầng sắc lá: màu xanh đậm ở dưới, màu xanh non ở giữa và màu đỏ tím trên cùng. Nơi hạ bạn các dòng sông sắp về tới biển lòng trải rộng đầy cát, mùa lụt đã qua, đôi ba lạch nước trong veo nhàn nhã...

Tất cả cảnh sắc ấy sẽ không còn là cảnh sắc nếu thiếu đi cái nắng nhiệm màu tháng chạp. Mặt trời mùa đông đáng yêu hơn mặt trời mùa hè. Nắng mùa đông bao giờ cũng được đón nhận ân cần .

Trong màu nắng ấy, người người đi tảo mộ, đông đảo nhất là từ rằm đến hai mươi. Các nấm đất được vun cao, đắp mới, không còn cỏ rác, tạo cho ta cảm giác gần gũi thân mật với cõi u minh (...)

Không còn quá lạnh chứ không phải không còn lạnh. Ở Phú Yên lạnh suốt tháng chạp, lạnh đến tháng giêng. Buổi sáng càng nhiều sương, buổi trưa càng nắng gắt thì chiều và tối khuya càng lạnh.

Thế nhưng, đi trong buổi chiều tháng chạp Phú Yên... làm sao ta có thể mặc thêm chiếc áo ấm khi mà ánh nắng hiền lành như thế và tươi đẹp tựa vàng ròng, cho dẫu có thêm cơn gió hiu hiu cũng chỉ nên khoanh tay trước ngực mà khoan thai chậm bước. Cái nắng lạnh bàng bạc dàn trải quyến rũ ấy sẽ (nhắc) biết bao kỷ niệm (...)


(Trần Huiền Ân,
Phú Yên miền đất ước vọng, nxb. Trẻ, 2004)