Phai Khắt và Nà Ngần là chút quà mừng Đội ra đời. Đồng Mu là bắt đầu rèn luyện.

Không thắng là phải. Muốn có cơ hội thắng, điển hình bên công phải đông gấp mấy lần bên thủ và phải có súng lớn, hay ít nhất một số bộc phá, để “mở cửa”. Đằng này, ta đông bất quá hơn gấp hai địch và súng “lớn” chỉ gồm vài khẩu tiểu liên, có thể chỉ đúng một khẩu! Đã thế, ngẫu nhiên địch lại ở trong trạng thái cảnh giác tối đa!

“Nhiều đồng chí bị đau chân”. Dĩ nhiên. Mang nặng mà cuốc bộ hàng bao nhiêu cây số một ngày trên núi, mà giày thì từ “thô sơ” đến không có, họa là chân sắt mới không đau. “Rét cắt da cắt thịt”. Mùa đông Bắc bộ, ở ngay tại Hà Nội mặc áo ấm cao cấp còn chưa đủ ấm, đây bộ đội lang thang vùng cao biên giới mặc sơ sài, rét nó cắt đến tận xương ấy chứ nói gì da với thịt!

Hoàn cảnh càng khó khăn, lãnh đạo càng phải “nêu cao tinh thần”. Trong số những tấm gương sáng chói những ngày “đau rét” tưởng làm giảm thọ ấy, có người rồi sẽ sống đến 103 tuổi!

“Các mẹ đợi đã bao lâu nay rồi”. “Các con khổ cực quá!”. Mẹ là người Mán, con là người Kinh! Cảm động quá sức, cái tình quân dân sâu đậm giữa ngược và xuôi. Tình này không phải tự nhiên có. Có là nhờ nỗ lực kiên trì tranh thủ của rất nhiều cán bộ Kinh “bao lâu nay”.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Rèn luyện bắt đầu”



Mục tiêu (...) thứ hai là đồn Nà Ngần, cách Phai Khắt khoảng 25 cây số. Đồn này có 22 lính khố đỏ do hai tên sĩ quan người Pháp chỉ huy. Chúng tôi hy vọng bổ sung đạn dược cho đội tại đây.

Địch đã chọn nhà của tên lý trưởng, ngôi nhà kiên có nhất trong làng này, đào hào, đắp lũy, rào kín mấy lớp xung quanh biến thành đồn. Chúng tôi đến cách Nà Ngần nửa cây số, trời vẫn còn tối. Để bọn địch không nghi, ban chỉ huy ra lệnh cho anh em dừng lại hút thuốc, và phái người đi trước theo dõi tình hình hoạt động của địch.

Đợi sương sớm tan hẳn, trời sáng rõ, cả đội tiến thẳng về phía đồn. Còn xa, đã nhìn thấy chòi canh của địch.

Toàn đội (lại) cải trang (thành) lính dõng và lính tập (...) Lão đồng chí Toàn, một đồng chí người Mán rất tốt, còn có bí danh là “Phạm Ngũ Lão”, cùng hai hội viên trung kiên khác, đóng vai ba đồng bào Mán bị bắt với sợi dây thừng trói ở khuỷu tay.

Vị trí địch ở trên một đỉnh đồi. Đường đi chạy men theo sườn một quả đồi trước đồn địch, đổ xuống một con suối rồi lại từ bờ suối bên kia chạy ngược lên đỉnh đồi tới cửa đồn.

Khi tới quả đồi trước đồn, trông thấy rõ tên lính gác đứng trên chòi, và binh lính đi lại trong sân. Các chiến sĩ được lệnh nói chuyện ầm lên, để bọn lính trong đồn chú ý đến y phục của đội và những người bị bắt được dẫn đi trước.

Tiểu đội trưởng Thu Sơn đi với tổ xung phong đầu tiên, chìa giấy cho tên lính gác xem. Đồng chí Đắc đi sau anh, rút một điếu thuốc lá mời tên gác và đánh diêm châm lửa cho hắn. Bọn gác và bốn năm tên lính ở trong đồn chạy ra, trố mắt nhìn mấy người bị trói, hỏi tíu tít:

- Lại bắt được Mán cộng sản à?

Tiểu đội trưởng Thu Sơn và tiểu đội trưởng Mậu tiến thẳng vào đồn. Đồng chí Đắc và một đồng chí khác đứng lại trước cửa đồn, dềnh dàng nói chuyện với hai tên lính gác.

Hôm ấy, cả hai tên Pháp đều mới lên tỉnh, giao quyền chỉ huy lại cho một tên quản khố đỏ nổi tiếng phản động.

Khi bộ đội tiến vào, một số binh lính đang thu dọn chăn màn tại nhà ngủ, một số đang đi rửa mặt. Súng còn gác tại giá. Tên quản khố đỏ dậy sớm, đã ngồi ở bàn làm việc.

Bốn chiến sĩ Giải phóng quân tiến lại án ngữ cửa kho súng. Đồng chí Thu Sơn và đồng chí Mậu đang nói chuyện với một tên đội, bất thần chĩa ngang súng, hô lớn:

- Chúng tôi là quân cách mạng đến lấy súng của Tây, tất cả giơ tay lên, không thì bắn!

Ngoài cổng đồn, đồng chí Đắc giật luôn khẩu súng trường trong tay tên gác. Anh chĩa súng lên chòi canh, bắt tên gác thứ hai đứng trên đó phải thả ngay súng xuống.

Nghe tiếng hô, cả đồn nhốn nháo. Phần lớn hốt hoảng giơ tay, đứa quỳ, đứa đứng. Mấy tên nhảy qua hàng rào định chạy trốn. Riêng tên quản chụp ngay khẩu súng ngắn đặt trên bàn, lên đạn, bóp cò. Khẩu tiểu liên trong tay đồng chí Thu Sơn nổ giòn, kết liễu đời hắn.

Tiểu đội 2 vào sau đã chẹn các cửa đồn và chia thành từng tổ bao vây bắt tù binh. Sáu phát súng nổ giết luôn bốn tên lính cố ý kháng cự. Tiểu đội 3 cũng xông vào tiếp viện, vừa bắn chỉ thiên vừa kêu gọi binh lính địch đầu hàng (...)

Trận đánh kết thúc trong vòng dăm phút (...) Về phía ta, đồng chí Bê bị thương ở ngón tay vì viên đạn của tên quản.

Bộ đội nhanh chóng thu thập súng đạn, tài liệu, phát truyền đơn và dán biểu ngữ. Tù binh được tập hợp lại giữa sân. Chị Loan, chị Cầm và chị Thanh giải thích cho họ bằng tiếng Thổ. Họ rất ngạc nhiên khi thấy hai nữ chiến sĩ vai mang súng, lưng đeo đạn, nói năng rất lưu loát, phân tích cho họ về tình hình (...)

Phần lớn binh lính xin trở về quê quán (...) Những người ở xa, ai thiếu tiền, được cấp một ít lộ phí. Hôm đó, đội đã chi mất mấy trăm đồng (...) (Tất cả) đều rất cảm kích về lượng khoan hồng và thái độ đối xử rất tốt của bộ đội cách mạng (...)

Chúng tôi nói chuyện với đồng bào trong làng, dặn đồng bào khi quân địch tới thì nói, quân cách mạng đến, binh lính đã giao súng cho họ và kéo đi cả rồi (...)

Bộ đội rút khỏi đồn, mang theo chiến lợi phẩm (...) Lần này thu được khá nhiều đạn. Anh em vừa đi vừa hát bài Tiếng Súng Reo. Núi rừng vang vọng lại những tiếng ca hùng tráng như muốn chia vui (...) Đi ngang quả đồi trước đồn, ngoảnh lại thấy nhân dân và binh lính giơ cao tay chào tiễn biệt.

Những hội viên trung kiên ở cơ sở đã được giao nhiệm vụ giữ đồng bào lại làng, không để đi theo bộ đội. Đoàn quân đi về phía nam. Nhưng đi khuất khỏi làng, chúng tôi quành lại, đi ngược lên phía bắc. Bây giờ phải rút sao cho thật nhanh. Hai trận đánh liên tiếp chắc đã làm rung chuyển bọn địch và chúng sẽ có phản ứng (...) Phải thực hiện lời Bác đã dặn: “Lai vô ảnh, khứ vô hình”. Các đồng chí trung kiên đón đường đưa cơm. Mỗi người nhận một nắm cơm, một phần thức ăn, rồi tiếp tục đi ngay. Toàn đội đi ngược lên khu Mán Trắng. Lão đồng chí Tiên như biết trước yêu cầu của anh em, nấu một nồi nước nóng, đón đợi giữa đường (...) Buổi chiều, dừng chân bên rẫy nghỉ một lát, lại tiếp tục đi. Tối vượt qua đường Cao Bằng – Nguyên Bình đến triền núi đá vôi Gia Bằng. Ngày hôm đó, chỉ ăn có một bữa. Nhưng không hề một ai kêu ca (...)

Bộ đội đi suốt đêm đó trên những núi đá tai mèo. Trưa hôm sau, Đội tới vùng đồng bào Mán Trắng, quê hương của đồng chí Hồng Trị.

*

Địa điểm trú quân mới của Đội nằm trong một thung lũng (...) Chung quanh là những ngọn núi cao vút, hiểm trở, những khu rừng già âm u (...) Đồng bào địa phương gọi lũng này là Lũng Dẻ (nghĩa là lũng thành) (...)

Chúng tôi viết thư về báo cáo với Bác và Liên tỉnh ủy (...) đề nghị Liên tỉnh ủy chỉ thị cho các châu chọn lựa một số đồng chí bổ sung cho Đội Tuyên truyền sẽ phát triển thành một đại đội (...)

Vài ngày sau, Đội nhận được thư của anh Đồng chúc mừng thắng trận (...) Anh Lã, bí thư Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng thân tới thăm Đội, đem theo thư chúc mừng của Liên tỉnh ủy cùng với một số quà quý: mấy tấm chăn len, mấy hộp sữa cho các đồng chí yếu mệt, và một số đạn Mỹ vừa mới mua được. Cùng trong lúc ấy, cán bộ, chiến sĩ được các châu tuyển lựa bổ sung cho Đội tấp nập kéo về (...)

Chỉ trong một tuần, việc bổ sung đã xong. Đại đội đã hình thành (...)

Chẳng còn bao lâu nữa là đến Tết. Chúng tôi chủ trương chỉ nghỉ ngơi, luyện tập một thời gian ngắn, rồi lại lên đường đi chiến đấu. Một chương trình hoạt động trong dịp Tết được đề ra (...) Tổ chuẩn bị chiến trường khẩn trương lên đường đi về phía châu Bảo Lạc, gần biên giới Việt – Trung.

Mấy ngày trước khi xuất phát, toàn đơn vị tập trung dưới cờ, làm lễ chính thức thành lập đại đội. Đại diện các hội cứu quốc và nhân dân tới dự lễ rất đông. Dưới lá cờ đỏ tươi thắm, bộ đội đã đông đảo hơn, súng đạn khá đầy đủ, lưỡi lê tuốt trần sáng quắc trên đầu súng. Màu cờ như rực rỡ hơn, khung cảnh núi rừng càng thêm hùng vĩ (...) Nhân dân và bộ đội đều hết sức phấn khởi.

Vài ngày sau, chúng tôi lại lên đường.

Một bộ phận do anh Thái (Hoàng Văn Thái) phụ trách, đi về phía Nậm Ti hoạt động mở rộng cơ sở.

Đại bộ phận đi về phía Bảo Lạc, tiến hành một cuộc tập kích mới.

Cuộc hành quân lần này khá gian khổ. Đường xa, phải qua nhiều triền núi đá tai mèo và nhiều bản làng có bọn phản động canh gác. Toàn đi đêm. Những đêm tối trời, cả đoàn quân, vũ khí, hành trang buộc chặt vào người, nín lặng vượt qua những điếm gác. Tiếng mõ cầm canh của bọn dõng phản động lốc cốc khua trên đầu. Một đêm trời tối như mực, đi luồn trong rừng, người sau không nhìn thấy người trước, lại được lệnh không nói to, em bé Hồng đã nghĩ ra một sáng kiến, lượm một cái lá mục có lân tinh, gài vào lưng người đi trước. Sáng kiến của em được phổ biến cho toàn đội, và có một tác dụng thật đặc biệt không những trong đêm đó mà còn cho các cuộc hành quân đêm về sau. Trời dạo này mưa luôn. Đi đêm trên núi đá tai mèo đã khó khăn, qua núi đất, đường lầy lội, đi cũng chẳng dễ dàng hơn.

Sau một đêm hành quân, trời sáng, tôi hỏi đồng chí Mán đưa đường, sắp tới nơi có cơ sở của ta chưa. Đồng chí vui vẻ đáp:

- Sam cây thinh, nưa ngải.(1)

Đi miết tới trưa vẫn chưa đến. Bộ đội dừng lại nghỉ giữa vùng núi đá tai mèo. Biết không nên làm người đưa đường rối trí, tôi nói với đồng chí nên bình tĩnh, nhớ kỹ lại đường. Lát sau, đoàn quân lại tiếp tục đi. Đến gần chiều, mới ra khỏi vùng núi đá, đến những đồi đất. Nhìn phía trước, thấy thấp thoáng có làng. Tôi hỏi:

- Có phải làng cơ sở đây rồi không?

- Chưa phải đâu. Làng này có phản động.

- Đồng chí đã nhận ra đường chưa?

- Đi qua làng này thì biết đường rồi.

Thấy sương chiều đang xuống nhiều, chúng tôi quyết định đi vòng qua những quả đồi, vượt nhanh sang bên kia làng.

Bộ đội đi được một quãng, bỗng sương tan hết. Cả đoàn quân lộ ngay ra trước làng. Không thể quay lại, cũng không thể tránh sang lối khác. Ban chỉ huy hạ lệnh cho bộ đội đi thẳng qua làng, làm như một đội quân của đế quốc đi tuần tiễu. Mấy chiến sĩ vào nhà tổng đoàn, vờ xét hỏi người lạ mặt và hàng buôn lậu. Bộ đội cứ ung dung qua làng (...)

Qua khỏi làng này, đồng chí giao thông nhận ra đường. Gần tối, chúng tôi đến một bản Mán có cơ sở. Đồng bào ở đây rất thiếu thốn. Không có ruộng nương, phải đi xa lấy đất về đổ vào những hốc đá để trồng ngô. Nhưng thái độ tiếp đón bộ đội cách mạng thì đặc biệt ân cần. Đồng bào chia sẻ cùng bộ đội những bữa ăn chỉ có bột ngô đồ, với canh rau.

Vài ngày sau, chúng tôi đến gần Đồng Mu, mục tiêu của trận tập kích lần này. Tổ trinh sát tiến hành điều tra đồn địch lần cuối.

So với các đồn Phai Khắt, Nà Ngần, đồn Đồng Mu rắn hơn. Địch đóng trên một ngọn đồi cao, nằm chơ vơ giữa cánh đồng. Vì ở giáp biên giới Việt – Trung, thường phải đối phó với bọn thổ phỉ, nên địch xây dựng công sự khá vững chắc. Đồn có nhiều lô-cốt, tường trình dày với lỗ châu mai, giao thông hào và dây thép gai bọc quanh. Quân địch gồm hơn bốn chục tên khố đỏ do ba sĩ quan Pháp chỉ huy.

Lần này, không thể dùng cách cải trang để vào đồn vì bọn địch chắc chắn đã rút được kinh nghiệm. Chúng tôi quyết định bí mật đột nhập trong đêm tối.

Khi nắm lại tình hình, thấy có khó khăn. Các đồng chí ở địa phương báo cáo, cách đây ít ngày bọn địch được tin sắp có thổ phỉ bên kia biên giới tràn qua, nên chúng đã tăng cường thêm binh lính và đề phòng cẩn mật. Nhưng sau đó, cơ sở của ta ở trong đồn ra báo cáo lại, địch đợi thổ phỉ một thời gian không thấy, cho là hoang báo, việc đề phòng đã bắt đầu chểnh mảng. Ban chỉ huy đại đội quyết định đánh.

Đêm 22 tháng 12 ta, bộ đội xuất kích. Khi đi ngang cánh đồng, chó trong làng sủa ran (...) Bộ đội chia làm hai mũi, vượt qua những mô đá sắc nhọn, tiến lên đỉnh đồi. Theo kế hoạch đã định, bên ta sẽ bí mật đột nhập, chiếm nhà bọn chỉ huy, các mặt cùng đánh vào, kết hợp với nội ứng tiêu diệt quân địch.

Hai tổ xung phong đi đầu, im lặng vượt qua rào dây thép gai, đến sân đồn trước cửa trại lính.

Tổ các đồng chí Quang Trung, Nam Long, Xuân Trường... đang tiến vào, bỗng nghe từ lô-cốt tiếng một tên lính hỏi:

- Ai?

Đồng chí Nam Long nói nhỏ:

- Im đi! Chúng tôi là Việt Minh đến lấy súng của Tây, không đánh các anh em đâu.

Bên trong lập tức ném lựu đạn xuống tới tấp và bắn ra một loạt đạn (...)

Quân địch tại nhà tên chỉ huy và chỗ ở của bọn lính bắn súng ra như mưa. Cuộc chiến đấu diễn ra từ 11 giờ đêm đến 2 giờ sáng. Các chiến sĩ vừa chiến đấu vừa hát. Tiếng hát lúc này có tác dụng động viên tinh thần và giúp cho việc giữ liên lạc dễ dàng, nhưng đồng thời cũng làm lộ các vị trí của ta (...)

Chúng ta đã diệt được khoảng hai chục tên địch, nhưng bọn còn lại vẫn dai dẳng chống cự. Thấy kéo dài cuộc chiến đấu không lợi, ban chỉ huy hạ lệnh rút khỏi đồn, mặc dầu nhiều chiến sĩ yêu cầu tiếp tục xung phong (...)

Trong trận này, tiểu đội trưởng Xuân Trường hy sinh (...) Bên ta thu được năm khẩu súng, một số đạn dược và bắt ba tù binh.

Bộ đội rút dần ngang cánh đồng về một khu rừng có những cây nhỏ, cách đồn địch khoảng ba trăm thước (...) nghỉ một lát (...) rồi chuyển hướng về phía nam.

Trận tập kích đêm vào Đồng Mu tuy không thắng lợi (...) nhưng đã rèn luyện cho Đội rất nhiều (...)

Qua bọn tù binh, mới biết vì sao ta đã gặp khó khăn. Buổi trưa hôm ta tập kích, tên đồn trưởng người Pháp nhận được một lá thư của bọn thổ phỉ biên giới dọa, tối hôm ấy, chúng sẽ kéo đến hạ đồn. Vì vậy, bọn chỉ huy đã (...) chuẩn bị đối phó (...) Đêm đó, một nửa binh lính địch thức để đề phòng (...) anh em binh sĩ nội ứng không kịp báo cho chúng tôi biết trước.

(...)

Một số đồng bào thoáng thấy bộ đội tưởng nhầm là thổ phỉ, hoảng hốt bỏ chạy. Bộ đội đã thu thập tất cả những đồ đạc, của cải nhân dân bỏ rơi dọc bờ ruộng, đem trả lại. Đồng bào rất cảm kích (...)

Tiết trời về cuối mùa đông, rét cắt da cắt thịt. Nhiều đồng chí bị đau chân. Các cán bộ đã nêu cao tinh thần thương yêu săn sóc chiến sĩ. Đồng chí Vũ Lập cởi chiếc áo ấm của mình, đưa cho một chiến sĩ bị mệt. Nhiều cán bộ nhường giày cho anh em đau chân. Có đồng chí cán bộ bị thương ở chân, cũng nhịn đau, vui vẻ hành quân, cố gắng theo kịp bộ đội (...)

Một tối, chúng tôi tới một bản Mán có cơ sở của ta. Các cụ già chạy ra cầm tay bộ đội, nói:

- Bây giờ các con mới đến, các mẹ đợi đã bao lâu nay rồi. Phải ở lại đây vài ngày.

Anh em chúng tôi đáp:

- Chúng con chỉ ở lại một đêm nay, sớm mai phải đi công tác rồi.

- Các con khổ cực quá! Phải ở lại đây nghỉ ngơi ít hôm để dân bản chăm nom.

Tại vùng này, đồng bào sợ thổ phỉ, của cải đều cất giấu sâu trong rừng. Đồng bào biết là không thể giữ chúng tôi lại lâu, ngay đêm đó, cùng nhau vào rừng bắt lợn, bắt gà về. Sáng hôm sau, khi chúng tôi thức giấc, thì lợn đã thịt, cơm canh đã xong xuôi. Sự săn sóc của nhân dân vùng biên giới hẻo lánh xa xôi này đã làm cho cả đội rất cảm động.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 98-107, nhan đề tạm đặt.)






____________
(1) Ba cây số thôi, ăn cơm sáng là vừa.