“Thế giới bây giờ” (8.1)



VỤ ĐIẾU NGƯ / SENSAKU (1)



Tuyên ngôn về chủ quyền
Tình hình từ 1945 tới 1971
Việc khám phá tiềm năng dầu khí
Thỏa thuận Chu Ân Lai – Tanaka Kakue
Có phải Nixon đã gài mìn?
Dù sao, 40 năm sau mìn bỗng nổ!
Giữa lúc Tàu, Nhật đang vui...
Có phải Mỹ không vui nên phá đám?
Phá được là nhờ nội bộ Nhật...







Tuyên ngôn về chủ quyền

Phía Tàu tuyên bố các đảo Điếu Ngư đã thuộc về nước Tàu từ trễ nhất là năm 1534. Tàu nhận sau khi thua Chiến tranh Trung – Nhật (1894-1895) đã ký nhượng Điếu Ngư cho Nhật. Nhưng Tàu khẳng định theo Tuyên ngôn Potsdam (1945) mà Nhật chấp nhận tuân thủ thì Nhật phải trả Điếu Ngư lại cho Tàu.

Phía Nhật tuyên bố các đảo Sensaku từ xưa vẫn thuộc về nước Nhật, do đó không có vấn đề tranh chấp chủ quyền. Và Sensaku cũng không nằm trong số những vùng đất mà Tuyên ngôn Potsdam có nhắc tới hay ám chỉ.

Tình hình từ 1945 đến 1971

Sau Thế chiến thứ Hai, Mỹ nắm quyền quản trị hành chính toàn bộ quần đảo Lưu Cầu (Ryukyu) trong đó có nhóm đảo Điếu Ngư.

Năm 1971, Mỹ và Nhật ký Thỏa ước Hoàn trả Okinawa.(1) Trong khuôn khổ thỏa ước này, quyền quản trị hành chính các đảo Điếu Ngư được trao lại cho Nhật.

Quyền quản trị hành chính không phải là chủ quyền. Mỹ tuyên bố không có ý kiến chính thức về việc Tàu hay Nhật là chủ sở hữu.

Việc khám phá tiềm năng dầu khí

Vì diện tích rất nhỏ, vốn các đảo Điếu Ngư / Sensaku không hề là đối tượng tranh chấp chủ quyền. Nhưng năm 1968 người ta bỗng khám phá được tiềm năng dầu khí dưới đáy biển chung quanh các đảo này.

Tàu lập tức lên tiếng khẳng định quyền sở hữu. Tuy nhiên, do việc thăm dò dầu khí chỉ mới bắt đầu và do cả Mỹ lẫn Nhật đều chưa có hành động gì cụ thể, phía Tàu cũng chỉ hô hoán rồi im đợi xem.

Thỏa thuận Chu Ân Lai – Tanaka Kakue

Đầu thập kỷ 1970, chính sách đối ngoại táo bạo của tổng thống Mỹ Richard Nixon khiến ngay cả bang giao giữa Tàu và Nhật cũng đột biến theo hướng hợp tác thay vì đối đầu.

Nhân danh những lợi ích lớn lao hơn nhiều cho đôi bên, thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai và thủ tướng Nhật Tanaka Kakue đồng ý gác qua một bên vấn đề chủ quyền các đảo Điếu Ngư / Sensaku.

(Đây là một thỏa thuận bí mật mà phía Nhật bây giờ phủ nhận rằng đã xảy ra.)

Có phải Nixon đã gài mìn?

Có người nghĩ bằng cách trao lại quyền quản trị hành chính cho Nhật sau khi biết vùng đảo này có tiềm năng dầu khí và sau khi Tàu lên tiếng tranh chấp chủ quyền, Richard Nixon đã cố ý gài một quả mìn trong quan hệ Tàu – Nhật.

Một mặt, Nixon đối ngoại rất sáng tạo... Mặt khác, Thỏa ước Hoàn trả Okinawa là việc thật và từ lâu đòi giải quyết. Mỹ đã đoạt các đảo Điếu Ngư / Sensaku từ tay Nhật, vậy bây giờ nên trao quyền quản trị lại cho Nhật chứ chả lẽ cho Tàu, trong khi chưa bên nào đưa ra được bằng chứng chắc chắn về quyền sở hữu.

Đây cũng là một bí mật lịch sử.

Dù sao, 40 năm sau mìn bỗng nổ!

Suốt 40 năm từ ngày Chu Ân Lai gặp Tanaka Kakue, “quả mìn” tự nhiên hay nhân tạo kia nằm trơ trơ giữa biển, không ảnh hưởng gì đến bang giao Tàu – Nhật.

Mới năm 2008, đôi bên còn đạt thỏa thuận sẽ cùng nhau khai thác mỏ khí khổng lồ dưới đáy Đông Hải (biển giữa Tàu và Nhật, không phải Biển Đông của Việt Nam mà Tàu gọi là Nam Hải). Dễ tưởng cứ đà này rồi mỏ dầu quanh Điếu Ngư / Sensaku cũng sẽ được khai thác chung...

Đùng một cái, năm 2012 nhà nước Nhật tuyên bố quốc hữu hóa ba trong số tám đảo đang tranh chấp với Tàu (dù Nhật không “công nhận” thì đây rõ ràng vẫn là một vụ tranh chấp).

Tàu tức thì phản đối kịch liệt. Bang giao giữa hai nước trở nên hết sức căng thẳng suốt một năm nay.

Giữa lúc Tàu, Nhật đang vui...

Thời điểm tranh chấp đảo bùng nổ hết sức đáng chú ý.

Mới cuối năm 2011, thủ tướng Tàu Ôn Gia Bảo và thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda tuyên bố Tàu và Nhật đã đồng ý sẽ khuyến khích việc thanh toán giao dịch song phương trực tiếp bằng đồng nguyên và đồng yên thay vì bằng đồng đô-la Mỹ. Nhật còn cho biết sẽ bắt đầu mua công khố phiếu của Tàu trong năm sau. Cả hai nước đều đưa ra lý do muốn giảm nguy hiểm về tiền tệ (ám chỉ vấn đề giá đô-la có thể trở nên bất ổn) và tiết kiệm tốn kém giao dịch.

Hai nền kinh tế lớn nhất ở Á Đông chuẩn bị khắng khít với nhau như chưa bao giờ. Một kỷ nguyên mới trong quan hệ nội bộ Á Đông sắp mở ra...

Có phải Mỹ không vui nên phá đám?

Dĩ nhiên là Mỹ không vui.

Ở cách xa hẳn một đại dương lớn nhất trong các đại dương nhưng nhờ thắng Thế chiến thứ Hai, Mỹ đã nhảy qua, ngồi chềnh ềnh giữa thế giới Á Đông, can thiệp vào tất cả mọi chuyện, với Nhật như một chư hầu ngoan ngoãn luôn theo sau sẵn sàng “ứng” khi thiên triều “hô”! Đang chễm chệ sướng như thế, thế mà bỗng dưng trên trời ngang nhiên rơi xuống một cái kế hoạch buôn bán với nhau không thèm dùng tới đồng “thiên tệ”, với tiềm năng tối hậu là “hạ” “thiên tử” xuống khỏi “bệ”, không cho mặc tình quậy trong sân da vàng nữa!

Có phải thực Mỹ đã ra tay phá đám cơ hội Á Đông đoàn kết này hay không là bí mật chắc chắn còn lâu lắm mới được bật mí. Nhưng căn cứ vào sự kiện khách quan, thiết tưởng xác suất đúng khá cao.

Phá được là nhờ nội bộ Nhật...

Muốn phá, nhưng hành động cụ thể thế nào? Không phải lúc dùng cường lực, hay ngay cả nhu lực. Phải là một đòn âm thật kín.

Trong ban bệ đối ngoại của tổng thống Mỹ Obama có kẻ sực nhớ: ngày xưa, tiền triều, minh quân Nixon có gài một quả mìn ở về phía cuối quần đảo Lưu Cầu...

Sẵn mìn, ngẫu nhiên đang sẵn cả dây. Dây mìn tên là Shintaro Ishihara. S.I. là một chính khách Nhật từng viết Cái nước Nhật mà biết nói KHÔNG (1989) gây xôn xao một thời. “Nói KHÔNG” đây là nói với Mỹ. S.I. rất yêu nước và rất không bằng lòng về thái độ trịch thượng của Mỹ trong đối xử với Nhật. S.I. đưa ra nhiều nhận xét đúng về Tây phương. Nhưng S.I. nghĩ về Tàu hoàn toàn sai, không hề thấy được phép lạ kinh tế đang sắp sửa xảy ra ngay bên cạnh nước mình. Khi kinh tế Tàu liên tục lên như diều và kinh tế Nhật trì trệ kéo dài, S.I. từ xem thường đổi qua hậm hực với Tàu.

Có thể Shintaro Ishihara (lúc ấy là thị trưởng Đông Kinh) đã tự nẩy ra cái sáng kiến mua đảo để khiêu khích Tàu và đã cương quyết thực hiện. Nhưng cũng có thể, ban đối ngoại Mỹ đã bí mật gợi ý hay khuyến khích...

Dù sao, S.I. ầm ĩ tổ chức quyên tiền. Nếu để y mua rồi tiến hành khai thác tài nguyên thì nhất định sẽ xẩy ra xung đột với Tàu. Do đó, thủ tướng Noda bất đắc dĩ quyết định quốc hữu hóa, tức chính thức tuyên bố rằng Sensaku là một phần lãnh thổ của nước Nhật. Tức vi phạm thỏa thuận ngầm giữa Tàu và Nhật hồi năm 1972. Mặc dầu ngay sau đó Noda phái đặc sứ qua Bắc Kinh trình bày rằng làm thế chỉ nhằm giải quyết vụ S.I. chứ không hề có ý gì sâu xa hơn, Tàu vẫn thấy tuyệt đối không thể chấp nhận được và phản ứng dữ dội. Mìn đã nổ!

Kể ra nếu cánh thân Tàu tiếp tục cầm quyền thì đến lúc nào đó có thể đáp ứng thuận lợi yêu cầu phải chăng của Tàu là Nhật hãy ít nhất công nhận rằng có tranh chấp chủ quyền ở Sensaku / Điếu Ngư. Khổ nỗi chẳng bao lâu sau đó, Noda rớt chức thủ tướng và người kế nhiệm là Shinzo Abe lại thuộc cánh chủ trương chống Tàu.



Thu Tứ























____________
(1) Okinawa là đảo lớn nhất trong quần đảo Lưu Cầu (Ryu Kyu), nên có khi người ta dùng “Okinawa” để chỉ Lưu Cầu.