Cái thiên đường địa ngục trong ký Quang Dũng sau đây có lần hiện ra trong thơ Văn Cao:

“Ngã tư nghiêng nghiêng đốm lửa
Chập chờn ảo hóa tà ma...
Ðôi dãy hồng lâu cửa mở phấn sa
Rũ rượi tóc những hình hài địa ngục
Lạnh ngắt tiếng ca nhi phách giục
Tình tang... Não nuột khóc tàn sương
Áo thế hoa rũ rượi lượn đêm trường
Từng mỹ thể rạc hơi đèn phù thế (...)

Ngã tư nghiêng nghiêng xe xác
Ði vào ngõ khói Công Yên
Thấy bâng khuâng lối cỏ u huyền
Hương nha phiến chập chờn mộng ảo
Bánh nghiến nhựa đang kêu sào sạo
Ai vạc xương đổ sọ xuống lòng xe
Chiếc quỷ xa qua bốn ngả ê chề
Chở vạn kiếp đi hoang ra khỏi vực (...)”(1)

Xác chưa chôn mà xương với sọ? Thì cũng rất gần như thế sau bao nhiêu ngày đói!

Cuồng phong ơi mau nổi, quét cho sạch cái bãi rác này.

(Thu Tứ)

(1) Bài “Chiếc xe xác qua phường Dạ Lạc”.



“Cống Trắng Khâm Thiên” (2)

Quang Dũng




Phố Khâm Thiên dựng lên trên những đầm ao và phần lớn là đất đào từ những ruộng hậu, ruộng tự của các chùa, đã nghiễm nhiên trở thành một cái phố có nhiều chất Hà Nội phù hoa hơn là một thị trấn của Hà Đông. Một con đường hẹp lòng, lổn nhổn đá đầu sư vắt qua một cái cầu xi-măng có lan can quét vôi trắng, đó là Cống Trắng. Không một bóng cây, đường phố trơ trụi và mùa hè, hơi nóng hầm hập, bụi bốc mù mịt. Hàng Bột và Khâm Thiên là hai phố nổi tiếng cả về bụi và cả cái vẻ trơ trụi, không một bóng mát của mình. Chỉ có cái bề mặt là đường phố và một ít nhà cửa cao ráo mới xây dựng làm nhà hát và tiệm hút. Khâm Thiên quay lưng mình vào những xóm lao động của ngõ Văn Chương, Thổ Quan, Trung Tự và Tô Tiền.

Ngay sát Hà Nội, những cái xóm này vẫn giữ những thủ tục khao vọng tế lễ, có đủ việc làng và xôi thịt, mua trùm mua nhiêu như bất cứ một làng Việt Nam nào thời ấy.

Qua lối ngoặt vào những bờ sụt lở, người ta gặp ngay cái cảnh đầm ao đầy lau sậy và thấp thoáng trong cỏ, trong lau là những túp lều của những người tứ chiếng về đây tụ bạ. Họ sống cạnh những bãi rác lớn nhỏ, kéo vó, làm thợ mộc rong, kéo xe và thả rau muống. Nhưng trong những ngõ này thời Khâm Thiên cũ ấy, các tay anh chị thường tụ tập và mỗi ngõ có những người nổi tiếng tay chơi, du côn của nó.

Người ta kể lại rằng đã có những đám đánh nhau chỉ vì hai hội sư tử ngày rằm tháng tám, tranh nhau giật một giải thưởng. Những nhà giàu thường buộc tiền ở đầu một cái gậy treo sát tận mái nhà gác, những chỗ khó lấy nhất, rồi để cho những đám sư tử tranh nhau, leo thang lên, vừa múa vừa giật giải. Ngày Tết Trung thu thường là dịp để xảy ra những đám chém giết nhau khủng khiếp. Hai bọn anh chị hẹn nhau ra bãi chiến. Bãi chiến là cái bãi rác lớn cạnh Cống Trắng, ở đấy họ đã để sẵn năm, bảy cỗ áo quan đặt ở đầu ngõ, đe nhau một cuộc tử chiến.

Khi cái xã hội Khâm Thiên ở đường phố lên đèn nê-ông, đèn một trăm nến sáng trưng thì ở đây, trong các ngõ cũng lên các thứ ánh đèn dầu lạc của bàn tĩnh, đèn đất của chiếu bạc. Những bàn đèn thuốc phiện được thiết lập lén lút trong những mái lều vá víu bằng tôn, bằng sắt thùng dầu gỉ..., miễn là có thể co chân nằm hút ngay trên dòng nước cống róc rách trườn qua những túp rêu lưu niên dưới chân mình. Người ta kể có những con chuột cống già sụ, to bằng cái ấm giỏ, mù cả hai mắt, cứ đến giờ lên đèn dầu lạc là nó bò dạo quanh những cái đám khách hút ấy để nuốt khói. Nó cũng đã nghiện hơi thuốc phiện.

Những đám lú, tài bàn, sóc đĩa ở thấp thoáng quanh những bờ lau sậy, chốc chốc lại ầm ầm đánh chửi nhau đuổi nhau huỳnh huỵch qua những ngõ lầy lội. Người lạ đi vào những ngõ này, thường bị giật khăn, lột áo và tước ví tiền như không. Bà mẹ của nhà thơ Trần Huyền Trân đã ở một túp lều kéo vó trên dòng Cống Trắng, kể lại rằng: một đêm cụ nghe tiếng khóc thút thít ở ngay ngoài phên liếp. Chống liếp lên, trong ánh chớp của đêm mưa, thấy một người con gái trần trụi, có mỗi một chiếc quần lót, đang run khóc và xin cho trốn vào lều. Đấy là một cô đào rượu, ở ngay nhà hát đầu ngõ. Cô này mới ở nông thôn bị dụ dỗ ra, còn bỡ ngỡ và nhớ quê, thì chủ bắt tiếp một anh quan viên. Cô sợ hãi cự tuyệt thì bị giằng xé, đánh đập và cô đã chạy vào xóm nghèo này. Bà mẹ đưa cho cô một chiếc quần cũ, một cái áo cũ và thế là ngay đêm đó cô đã đi trốn.

Có những cô đào hát (...) đã tìm hết cách ra khỏi nhà hát. Cô đã gắn bó với một anh làm nghề cu-li xe, hai người chắt bóp đủ số tiền trả nợ nhà chủ rồi đem nhau về sống ở xóm nghèo. Tuy túng bấn khổ cực, nhưng còn có một chút tình đầm ấm của cái mái nhà. Nhưng rồi một đứa con ra đời. Rồi người chồng ho lao nhưng vẫn phải ôm ngực kéo những cuốc xe nẩy đom đóm mắt mà vẫn không đủ sống, người vợ chạy chợ thì lại gặp lúc thua lỗ, bị lừa gạt và cướp đoạt hết cái vốn còm. Cuộc sống tàn nhẫn bắt buộc họ phải bàn tính. Người vợ lại trang điểm, nhuộm lại cái bao xanh, sửa lại cái áo tứ thân cho có vẻ một cô gái quê vừa lạc lên Hà Nội. Người chồng thì đánh xe lang thang dạo phố đón khách.

- Mời cậu, có món bò lạc, cậu có “đi” con xin kéo xuống.

Khi nghe thấy tiếng hòm xe lịch kịch nẩy trên những hòn đá và những hốc ổ gà trong ngõ, người vợ vội gửi đứa con sang hàng xóm và người chồng thì đỗ xe ngay cổng nhà mình, chờ lại kéo ông khách trở về phố.

Cuộc sống có những cái ngõ đêm đêm là như thế. Mà Khâm Thiên rất nhiều ngõ. Đến nay ta vẫn gặp những cái ngõ cũ mà gốc gác của tên gọi đánh dấu cả một thời.

Ngõ Trại Khách, nay là Thổ Quan gọi chung, vốn là của một chủ cao lâu hàng Buồm bỏ tiền ra tậu đất, đổ nền, làm một dãy nhà cho thuê. Ngõ Hồng Kông, ngõ bẩn nhất thời xưa, cũng là của ông khách cao lâu này. Ngõ Hòa Bình (không phải chiến tranh và hòa bình) sở dĩ thành tên là chính vì có Ba Sù, chủ hãng ô-tô chạy Hà Nội – Hòa Bình, làm ra một dãy nhà trong ngõ. Ngõ Vạn Lợi, Nam Thái hay Tân Châu cũng vậy. Ngõ Tân Châu là ngõ có một ít nhà của hiệu đối trướng Mỹ Tân. Ngõ Sơn Nam là của Bạch Sơn Nam họ hàng Bạch Thái Bưởi, làm một dãy nhà.

Đêm Khâm Thiên là những đêm tưng bừng ầm ĩ của sự đập phá, tiêu phí tiền của và tiêu phí sinh lực con người. Đêm Khâm Thiên, những ô-tô hiệu Pháp hiệu Mỹ lịch sự một thời đỗ hàng dãy dài trước những nhà hát đã lên đèn sáng choang. Khói thuốc phiện, khói thuốc lá thơm mù mịt. Đấy là những dịp tranh cử nghị viên hàng tỉnh. Xe ô-tô đưa đến những người cần mặc cả với nhau về một địa vị (...) Ở ngay sát nách cái chợ buôn danh ấy là cái chợ đen. Những căn gác cô đầu chính lại là nơi hò hẹn của lái buôn từ Lao Kay về, từ Hải Phòng lên, xong giá cả của một tiếng hàng là hai bên ngả bàn đèn, hút và uống thâu canh (...)

Những điệu kèn nhảy từ những Đê-ét-sa đăng-xinh, Ta-ka-ra Pa-gốt đăng-xinh vẳng lên bài Đường Về Châu Á hay Đêm Trung Hoa đượm màu lãng mạn của quân đội chinh phục Nhật Bản.

Sòng bạc Ba Sinh và Hai Cua có những ô-tô đi về vùng quê đón khách. Đêm đêm, họ sát phạt nhau từ lúc lên đèn cho đến sáng bạch.

Sáng bạch ở Khâm Thiên, khi ánh đèn điện tắt ở những cái cột đèn cổ lỗ đầu ô, thì mọi cánh cửa nhà hát đóng lại im ỉm. Những chiếc xe cao-su kéo miết những anh công chức bơ phờ vì suốt một đêm hành lạc, vội vã đến công sở cho kịp giờ làm việc. Chỉ còn tiếng những đôi thùng gánh nước xếp hàng trăm dưới nắng chang chang ở cái vòi nước duy nhất mạn đầu phố gần nhà bầu Sen, tiếng những đôi thùng va nhau và tiếng đánh chửi nhau của bọn con sen, thằng nhỏ (...)

Và ở một nhà hát kia, một mụ chủ đang đánh mấy cô đào hát vì tội... khách hát không chịu chi tiền. Lỗi ở những cô này không khéo léo chiều ý các quan viên.

Suốt ngày, phố Khâm Thiên chỉ có thế. Những cánh cửa đóng im ỉm và giấc ngủ nặng nề mệt mỏi của những cô đào hát, những anh chủ sòng gá bạc, những anh chủ tiệm hút. Ở đầu ngõ Thổ Quan mấy cô gái nhảy làm suốt đêm còn tiếp khách thêm ban ngày ở trong cái nhà tranh lụp sụp. Họ mệt mỏi dắt một tên lính Tây đen, hay tiễn một thằng lính Nhật. Cả một xã hội ăn chơi điên cuồng ầm ĩ đêm qua, giờ nằm thiếp đi dưới cái nắng không một bóng cây từ đầu đến cuối phố Khâm Thiên ngày trước (...)

Khi mặt trời tắt và hàng đèn điện trên những cột đèn cổ lỗ bật lên (...) Áo xanh áo đỏ lại tha thướt dưới ánh đèn.

“Lặn mặt trời lẩn thẩn bò ra”.

Đêm xuống là ngày của Khâm Thiên mới bắt đầu.

Những ngày đói của năm 1945 còn để lại một ấn tượng khủng khiếp về cái phố Khâm Thiên này. Bà cụ Mùi, nay là ủy viên phòng bệnh của khối 38 khu Đồng Đa kể lại:

“Ngày ngày ngồi ở hè một cái nhà nhảy đầm cửa đóng im ỉm, để bán một thùng chuối tiêu, tôi nghĩ mà ngán cái cuộc đời. Ở bên trong nhà, tối tối, nghé qua khe cửa, thấy các vũ nữ nằm ngổn ngang ngủ như chết, mặt đã chảy mất hết lượt phấn son (...) Ngoài đường thì lộc cộc không biết đến bao nhiêu là chuyến xe xác. Những cái xe bò đóng bốn cọc rồi chồng xác lên, có xác đàn bà tóc dài lê cả xuống đường cái, cứ nối nhau mà đi về phía nghĩa địa. Những xác này người ta nhặt ở đầu ô chợ Dừa, ở góc hàng Bột, ở ngõ chợ Khâm Thiên. Ấy thế mà tối đến, những bọn giàu sang ở đâu lại kéo nhau xuống ca hát phè phỡn, nút rượu sâm-banh nổ cứ bôm bốp”.


(còn tiếp)