Con nít chăn trâu thấm hát bộ dữ a! Còn Tư Đầu Bò thì nhờ ở Sài Gòn nên thấm... lịch sử Mỹ. Đây là một trong số rất ít tác phẩm của Lê Vĩnh Hòa không trực tiếp nhắc tới tình hình đất nước. Câu chuyện như không có gì mà có, kể bằng một thứ lời đặc Nam bộ mộc mà duyên. (Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Bạn thời thơ ấu”




Hồi còn làm vua thiệt tôi mệt quá xá!

Không phải chuyện trào chánh nó làm bận rộn tôi. Có gì đâu? Thần dân vỏn vẹn chỉ gồm vài thằng thừa tướng, ít tên nguyên soái với một mớ quân hầu kiêm đao phủ và hơn mười con trâu, vừa trâu cổ, vừa trâu nghé. Vậy mà mệt nỗi gì, tôi trị còn dễ hơn ăn cháo. Cái mà tôi lo nhứt ở đây là cái lúc tôi lên ngôi nhằm giữa tháng năm, bắp chưa có trái lớn. Muốn kiếm một mớ râu bắp để làm râu giả thiệt là trần ai lai khổ. Vua mà không có râu coi đâu được. Tối lại, tôi phải mò vô rẫy Năm Thường lén lén tét vỏ mấy trái bắp non, gỡ một mớ râu, lận vô lưng quần, rồi bò sát đất như kỳ nhông, trổ ra đường. Rủi gặp Năm Thường, thằng chả quất què giò có bữa. Thần dân tôi đâu có hiểu thấu nỗi khổ tâm này.

Nhưng rồi sự cực nhọc của tôi cũng được đền bù xứng đáng. Hôm lâm triều, tôi ngồi ngất nghểu trên gò mối, đầu đội mão từ lư kết bằng lá bình bát, râu hoe hoe leo heo hai bên mép, mình trần trùi trụi như trâu cui, dưới bận cái quần cụt phèn vàng rực rỡ. Tôi đưa mắt vểnh râu nhìn qua phía hoàng hậu. Cha mẹ ơi: hoàng hậu sao mà đẹp cá lỵ chim sa. Nó là con Huyền, đứa con gái độc nhứt trong cái nước chăn trâu nầy. Dài dài hai bên, thừa tướng, nguyên soái đeo râu lá chuối với quân hầu bận quần xà lỏn đứng nghinh ngang cả dọc.

Giữa triều đình đủ mặt, chẳng biết nói chuyện gì, tôi bèn quay về phía con Huyền, cười mỉm chi cất giọng:

- Ái khanh ơi! Sao mà trẫm thương ái khanh quá trời hè.

Bá quan văn võ thôi nó rộ lên cười. Con nhỏ mắc cỡ điếng, nó rủa tôi “đồ mắc dịch nà” mà má đỏ au, mắt ngó xuống đất, miệng cười lỏn lẻn. Thấy má nó có hai đồng tiền dễ thương quá, tôi muốn vuốt nhẹ một cái mà hổng dám, sợ nó rầy. Thình lình có một thằng nguyên soái đi phịch phịch bước ra trước gò mối, áo thả cửa, đứng chống nạnh. Tôi cầm cây đánh trống đánh hưng (?) gõ xuống gốc cây cái cộp, oai vệ hỏi:

- Nầy nguyên soái Ba Cá Lóc! Chẳng hay ngươi có điều chi muốn phải tâu, khá nói cho trẫm nghe qua.

Ba Cá Lóc huynh tay nói:

- Muôn tâu bệ hạ, chiều hôm qua hạ thần thấy khi đánh trâu về ngang rẫy khoai Ba Sấm, bệ hạ có xuống móc trộm hai củ, lận vô lưng quần, bây giờ có còn củ nào không, cho hạ thần ăn với.

- Ái cha! Cha chả! Nghịch tặc! Nghịch tặc! Chí nguy, chí nguy. Đao phủ đâu?

- Dạ.

- Dẫn Ba Cá Lóc ra pháp trường trảm đầu lập tức!

- Khoan!

Thừa tướng Sáu Chày Vồ mập nước, đưa tay chặn lại, ột ệt bước ra can gián:

- Xin bệ hạ tha cho nó một phen. Thằng này lấc xấc vậy chớ có nhiều công trận. Kỳ trước đi ăn ong, không nhờ có nó lấy kịp bao bố tời chụp lên đầu bệ hạ thì bệ hạ bị ong vò vẽ đánh thấy tía rồi. Phải vậy chăng a chư tướng?

- Phải!

Tôi bị nó nói trúng tẩy hết trọi nên đành vuốt râu cười gượng:

- Ờ ờ ờ, thôi ta tha cho nguyên soái đó. Ba Cá Lóc và Sáu Chày Vồ! Hai khanh hãy khá bình thân, để ta kêu cung nữ ra ban ngự tửu. Cung nữ đâu?

Dòm đi dòm lại không thấy ai thưa dạ gì hết, tôi bèn nói lảng qua chuyện khác cho đỡ sượng:

- Thôi các khanh đã yến tiệc no nê rồi, bây giờ hãy lặng yên nghe ta dạy việc. Nước của ta hiện giờ rộng gồm có hai vạt đất hoang của lão xã Thìn, các ngươi cứ cho trâu thong thả, mặc tình mà ăn cỏ, chỉ cần giao cho thằng Lú và thằng Mót giữ chung cũng đủ. Từ bây giờ tới xế, Ba Cá Lóc và Sáu Chày Vồ phải ra lung sen móc một mớ củ sen, bẻ một đống gương sen để làm đại tiệc. Thằng Mẹo, thằng Cẩu phải đi bẻ một mớ bần về ăn lai-sét, nhớ kiếm muối ớt nghe. Thằng Duệ, thằng Cò ra đám dừa nước Tám Ca, rinh một quày dừa ăn nạo. Còn bao nhiêu theo Năm Thường kéo rốc qua rẫy Ba Sấm, kiếm khoai lang, bắp non đem về cho ta định liệu. Thôi! Cho lịnh bãi chầu...

Chúng tướng dạ rân, đi thi hành phận sự. Còn tôi tháo mão từ lư quăng vô bụi đế, nằm chổng cẳng ngủ khò. Hèn chi người ta nói làm vua sướng thiệt cũng phải.

*

Cái số của tôi nhằm năm vận tháng hạn hay sao không biết mà lên làm vua được mới có sáu ngày thì bị hạ bệ. Gặp lúc mình thất thế, thôi tụi nó kể tội đủ điều: nào là vua lo ăn chơi để trâu bị đói, nào vua xúi ăn cắp dừa nước để cho tụi nó bị Tám Ca rượt chạy rã giò, vua kêu bẻ bần nên thằng Mẹo mới bị sâu châm sần cổ, vua bày đặt bẻ trộm bắp cho con mẹ Ba Sấm nó rủa nát mả tan mồ. Có thằng nó còn nói:

- Thằng vua này nó làm biếng. Ăn no rồi bắt người ta làm. Ở đây ai cũng làm hết, có một mình nó ở không còn được hoàng hậu nữa chớ.

Tôi cãi rướn tới:

- Ừ! Thì đó là lẽ tự nhiên. Vậy mới bày đặt ra vua, chớ khi không ai đặt ra làm chi cho mất công.

Tụi nó rố lên:

- Bỏ vua đi! Chơi ngang hàng như trước.

Ối! Thấy cái tụi “xu hướng” mà phát ghét nhưng nhắm cự lại cũng chẳng được nào, tôi bèn cười giả lả.

- Thôi thôi! Nói chơi vậy chớ trẫm cũng đồng ý bỏ nữa, trẫm tính thôi làm vua hồi
mấy bữa trước lận chớ, mà sợ các khanh không vui lòng...

Không biết thằng nào lỗ mãng quá nó nói:

- Trẫm! Trẫm cái cù loi tao đây nè chớ trẫm!

Tôi phiền thằng đó quá, nhưng mà chuyện cãi lẫy sơ sơ, chút thôi chớ rồi đâu đó cũng huề. Tụi tôi lại lo lùa trâu vô bóng mát, rồi bu lại móc đất sét nắn trâu cui, trâu nghé, con chó, con mèo, con rùa, con cá đem ra đấu xảo. Chơi chán tôi kêu con Huyền kiếm bứt một mớ bông súng đem về làm bộ xào nấu đồ ăn.

Rồi bày đặt làm đám cưới. Con Huyền giả bộ làm dâu, còn tôi thì cũng giả bộ làm... rể. Thằng Ba Cá Lóc làm ông suôi đàng trai, Sáu Chày Vồ làm ông suôi đàng gái. Hai vợ chồng tôi phải kêu hai đứa nó bằng tía. Thiệt tức muốn cành hông. Mới hồi nào nói chuyện với mình, hai nó cũng bẩm bệ hạ, bây giờ phải làm con nó trở lại có thấu trời chưa. Nhưng thôi nhịn một chút chịu đấm ăn xôi cũng chẳng tệ gì.

Rước dâu về rồi bày tiệc bông súng ra nhậu thôi vui dữ. Nhậu nước phèn say ngà ngà, thằng Ba Cá Lóc mới làm thơ. Nó tả con trâu của nó. Thơ như vầy:

“Trâu tao mập ú ù u
Trâu bây ốm nhách như khu bà già”.

Cha! Bộ nó tưởng thơ vậy là hay lắm hay sao mà nó khoái chí cười ha hả cả buổi. Thấy cái thằng tự cao tự đắc mà phát giận. Tôi vỗ trán vài cái, nhìn nhìn cái tướng của nó rồi hát lên một bài nhạc ứng khẩu thật hùng hồn:

- Nghe đây nè:

“Cái bụng nhái bầu ờ
Cái đầu cá lóc
Con mắt ốc bưu
Cái mình như cắc kè bông ơ... ơ... ơ...”.

Biết ai đó không?

Ba Cá Lóc chớ còn ai trồng khoai đất này nữa. Mẹ ơi! Cái thằng học hồi nào nó “tỏa” hình thằng Ba Cá Lóc vô đề quá xá ta.

Tụi nó rộ lên khen chê dậy trời dậy đất.

*

Đại Úy Oách chụp cái nón rộng vành vào đầu, quay lại hỏi:

- Xong chưa? Nhanh lên.

Tôi nhét cây súng sáu vô lưng quần quay lại thúc năm thằng lính:

- Nhanh lên.

Năm tên lính mỗi đứa máng lên vai một cuộn dây cuốn tròn đương sửa bộ cột quần, cột áo lại cho chặt chẽ. Đại Úy Oách đi tới đi lui, cầm cây roi tre quất trót trót vô không khí, mặt lầm lì nghiêm trọng. Chúng tôi đang sắp sửa đánh tụi mọi da đỏ vừa nổi loạn. Mọi da đỏ đây là tụi thằng Ba Cá Lóc, Sáu Chày Vồ, thằng Cò, thằng Mẹo v.v. Còn chúng tôi là hiệp sĩ, do Đại Úy Oách đứng đầu.

Mới cách đây mấy bữa, tụi tôi còn kêu Đại úy Oách là thằng Tư Đầu Bò. Không biết nó học hành hay làm nghề ngỗng gì ở trên Sài Gòn mới về chơi. Nhà nó giàu, không có chuyện gì làm, nó cà nhông cà nhổng cùng xóm. Nó bận cái quần tây hai cái ống bằng miệng ống trúm, cái áo sơ-mi sọc nào sọc nấy bằng bàn tay xòe rộng xùng xình xúng xính. Đầu nó chảy u ra hai bên, chần dần như cái đầu bò. Tư Đầu Bò: biệt hiệu tụi tôi đặt cho nó thiệt không sai một nét.

Bởi thấy thằng dị hợm quá nên hễ nó vừa mon men lại gần, tụi tôi liền bỏ lảng ra mất. Ở ruộng không có ai chơi, buồn tình nó cứ cà rà lại đám chăn trâu hoài. Một bữa, tôi đánh trâu về gặp nó đứng đón ở đầu ngõ. Nó đưa cho coi một cây súng sáu giả nhỏ xíu, bắn thử nghe chát chát thấy mê quá. Nó nói:

- Mai mày cho tao lại chơi, tao bày đặt nhiều thứ vui lắm. Bây giờ tao cho mày mượn cây này đó. Tao còn một cây nữa ở nhà.

Tôi mừng húm đi khoe cây súng cùng xóm, khuyên tụi nó nên cho Tư Đầu Bò chơi với.

Bữa sau, Tư Đầu Bò lại kiếm tụi tôi. Nó dắt một cây súng trong túi quần, tay cầm một cây roi tre. Nó nói:

- Ê! Bây giờ tụi mình chia hai phe đánh nhau chơi. Một phe làm mọi, một phe lính da trắng. Lính đánh mọi. Mọi thua chạy bị bắn chết. Chơi không?

Thằng Cò le lưỡi lắc đầu:

- Chơi gì mà bắn chết ghê quá. Tao hổng chơi đâu.

Tư Đầu Bò xọc hai tay vô túi quần nhún vai chắc lưỡi:

- Mình giả bộ vậy mà. Thằng sao nhát quá! Mình phải tập tinh thần hăng hái thích đánh giặc như vậy cho quen chớ.

- Sao mà mày cho mọi thua?

Tư Đầu Bò cười:

- Mọi thua mới được chớ. Mọi không có súng. Bây giờ tụi bây mỗi đứa kiếm một cây kiếm hay một cây lao gì đi. Đứa nào muốn theo phe tao, phe lính da trắng?

Hôm qua nó mới cho tôi mượn cây súng sáu, ơn nghĩa đành rành, khỏi nói tôi cũng giơ tay nhảy qua hàng ngũ của Đầu Bò. Tôi còn kéo theo năm đứa nữa. Tôi kêu con Huyền qua phe bên nầy mà nó dòm thằng Đầu Bò rồi lắc lắc đầu, tôi hận quá!

Tư Đầu Bò giảng tuồng:

- Tao làm Đại Úy Oách dẫn đám lính da trắng này đi đánh tụi bây. Tụi bây làm mọi da đỏ nổi loạn ở xứ Phờ-lo-rích. Dân da trắng theo tao. Dân mọi thì ở lại đây lấy đất sét chà lên mình, lấy lá cây quấn quanh mình, xáp vô đánh thì bây nhớ la lên cho rùng rợn nghe.

Rồi. Vậy là ai theo phe nấy kéo đi.

*

Tôi với Đại Úy Oách cỡi chung một con trâu, thằng đó không biết cỡi trâu nên không dám ngồi một mình. Năm tên lính cỡi năm con trâu, kéo nhau đi đánh mọi. Tụi mọi nó ở gần lung sen giữa đồng. Oách ngồi sau lưng tôi la inh ỏi: “Nhanh lên! Nhanh lên!”. Tay nó cầm roi tre quất vô mông trâu thẳng cánh. Con Pháo đau quá nhảy cồng lên mà nó cũng cứ quất bừa. Đâu phải trâu của nó mà nó thương. Tôi xót ruột hết sức mà không dám nói. Tới lung sen, nó hét một tiếng, nhảy xuống đất, bắn chát chát súng lịnh, hai bên nhào vô đánh rẹt rẹt. Mọi la lên oang oác. Chỉ có con Huyền không thích chơi nên ngồi một mình ở gò đất.

Đại Úy Oách không đánh. Nó đứng ở ngoài chỉ huy, la lối, nạt nộ, lâu lâu bắn một cái chát, còn năm thằng lính và tôi phải nhào vô đánh, đánh kiếm đã rồi vật lộn nhầu với tụi kia ở dưới sình. Thình lình có tiếng Đại Úy Oách la: “Rút lui tụi bây ơi! Bắt được công chúa mọi rồi!”.

Tôi ngẩng lên, thấy nó đang kéo con Huyền về chỗ trâu đứng, tay ngoắt tôi lia lịa. Con Huyền la khan giọng, mặt xanh lét. Tôi hứng chí. Thôi, phen nầy bắt được bồ mình rồi. Tôi nhảy lên lưng trâu, kéo hai đứa lên theo. Con Huyền giãy giãy, chửi om sòm. Thằng Oách một tay bịt miệng, một tay nắm cứng hai tay con nhỏ rồi kêu tôi ra roi cho trâu chạy. Tụi mọi vọt lên trâu đuổi theo rần rần.

Trâu phi nước đại. Gió thổi ù ù. Tôi cúi rạp mình, lấy chân thúc thúc vô bụng trâu. Bỗng nghe có tiếng la ú ớ rồi có cái gì cà thúc cà thúc vô hông. Tôi quay lại nhìn, ngơ ngẩn: thằng Oách nó ôm riết con Huyền vô lòng. Con Huyền vả vô mặt nó, xô nó ra, nhưng hai tay nó giữ cái đầu con Huyền cứng ngắc. Nó áp sát cái mặt nó vô cái mặt con Huyền, rồi hun lên môi con Huyền, hun ba bốn cái. Con Huyền bật lên khóc, khóc nức nở. Trời ơi! Mắt tôi tóe lửa.

Hồi nào tới giờ tôi với con Huyền thân với nhau như hình với bóng, ngày nào cũng gần nhau, dám làm vợ chồng giả nữa mà còn chưa có lần nào tôi đụng tới mình nó chớ đừng nói ôm. Bây giờ cái thằng chó chết này nó làm chuyện mọi rợ quá. Máu nóng bốc lên tận cổ, tôi giữ chặt vai con Huyền, một tay tôi tống vào ngay giữa trán thằng Oách – tức Tư Đầu Bò – nó văng ra khỏi lưng trâu té bò càng dưới đất. Tôi kêu năm thằng lính quày trâu trở lại, vừa lúc tụi Ba Cá Lóc, Sáu Chày Vồ rượt kịp. Tôi la lên:

- Tao quánh thằng Oách ngã rồi, nó làm bậy bạ quá. Thôi tụi mình nhập làm một phe đi, đừng chia nữa.

- Thằng Đầu Bò nó làm sao?

- Tụi mầy hỏi con Huyền thì biết.

Tôi xoay lại. Huyền ngồi sau lưng tôi, lấy tay quệt nước mắt, nhoẻn miệng cười.

*

Những ngày vui của thời thơ ấu đã đi qua. Bao năm tháng, cuộc đời xô mỗi người đi một ngả. Biết bao kỷ niệm đã bừng dậy khi tôi bước trên bờ mẫu trở về làng.

Người tôi gặp đầu tiên là Ba Cá Lóc. Nó đang phát cỏ ở đám ruộng gần đầu cầu. Chúng tôi la lên mừng rỡ. Nó nay đã lớn mập mạnh, đen hù, tay nổi vồng có cục. Cây phãng lớn bắt ngán. Tôi hỏi:

- Sao mày phát? Đất này cày nhẹ re. Phát mệt quá khỉ gì.

Nó buồn rầu trả lời:

- Trâu tao bán rồi.

Tôi hỏi:

- Con Huyền lúc này làm gì?

- Coi trâu.

- Lớn rồi mà cũng còn coi trâu hoài sao?

- Lớn coi mới nổi chớ nhỏ coi sao hết bầy trâu cả 20 con của tía thằng Tư Đầu Bò. Nó giữ trâu mướn.

- Còn trâu nó đâu?

- Cầm cho tía thằng Tư Đầu Bò lâu rồi. Ờ! Ai như nó kìa. Mầy linh quá, nhắc thì có liền.

Bầy trâu dài dằng dặc, chậm chạp đi qua, bước chân nện đều đều trên đường đất. Cô bạn gái nhỏ năm xưa của tôi ở sau chót, ngồi lặng lẽ trên mình trâu. Vẫn chiếc nón lá sùm sụp te tua che nửa vầng trán. Vẫn bộ quần áo bạc phếch rách te như tự thuở nào. Mái tóc nắng táp vàng hoe phủ một bên má hây hồng, mồ hôi ướt đẫm. Vẫn đôi mắt đen to, đen lay láy, luôn luôn mở rộng, ngơ ngác trước cuộc đời.

Tôi kêu lên:

- Huyền.

- Anh Ba.

Rồi cùng im bặt. Huyền ngày nay đã lớn và đẹp tự nhiên như một bông sen giữa đồng ruộng. Tôi nhìn Huyền và tự nhiên thấy lòng buồn vô hạn. Bao năm qua, nước chảy mây trôi mà đời Huyền sao chưa thấy gì khác lạ. Có đổi thay chăng là trước kia chăn trâu nhà, mà giờ thì coi trâu mướn. Tôi bùi ngùi khẽ hỏi:

- Lúc nầy gia đình em dễ chịu không?

Huyền lắc đầu không nói. Tôi còn biết nói gì hơn? Bốn mắt lặng nhìn nhau, âm thầm đau xót...


VII-1957