“Bạc Tần Hoài”

của Đỗ Mục




Trần Hậu Chủ (582-589) làm vua không lo việc nước mà mê gái, mê hát, mê rượu. Tất nhiên nước mất gấp. Hậu đình hoa có truyền từ trong cung ra ngoài, nên mới có chuyện sau khi nước Trần mất, ban đêm bên kia sông con hát vô tư “xướng” khiến bên này sông chạnh lòng... Nhưng khi Đỗ Mục sinh ra (năm 803) thì chuyện nước Trần đã thành chuyện đời xưa! Ông “bạc Tần Hoài”, cảm khái, rồi tưởng tượng mà làm thơ?

Nguyên văn

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa
Dạ bạc Tần Hoài cận tửu gia
Thương nữ bất tri vong quốc hận
Cách giang do xướng Hậu đình hoa.


Dịch nghĩa

Khói lồng sông lạnh, ánh trăng lồng bãi cát
Ðêm đỗ thuyền ở bến Tần Hoài, gần quán rượu
Con hát không biết hờn mất nước
Bên kia sông còn hát khúc Hậu đình hoa.

Dịch thơ

Bản 1:

Chập chờn sông khói, bờ trăng
Tối nay thuyền đỗ bến Tần tìm say
Kìa ai nước mất mặc ai
Kéo co khách mới vẫn bài ca xưa.


Bản 2:

Khói mờ sông lung linh trăng cát
Bến đêm thuyền đỗ sát tửu gia
Nước non hờ hững, gái ca
Bên sông vẫn “Hậu đình hoa” vang lừng!


Bản 3:

Khói sông trăng cát nhập nhòa
Thuyền khuya nghỉ đỗ bên nhà bán men
Gái ca mất nước mau quên
Đua nhau điệu cũ thâu đêm hát lừng…


Bản 4:

Khói trùm sông lạnh cát trăng soi
Thuyền đỗ lên bờ lại chén chơi
Con hát ngu ngơ hờn mất nước
Ca vui bài cũ suốt canh dài…


Bản dịch thơ khác

Sông Tần khói tỏa, trăng in
Bên ngoài quán trọ, con thuyền đêm qua
Mặc ai tan nát nước nhà
Chị em vẫn hát bài “Hoa sau vườn”.
(Ngô Tất Tố)

Trăng mờ khói lạnh cồn xa
Đò đêm buộc bến tửu gia Tần Hoài
Ca nhi hận nước mặc ai
“Hậu đình hoa” vẫn ngân dài bờ khuya.
(Lê Phụng)

Khói trăng cát nước in lồng
Dừng thuyền nhà rượu gần sông canh tàn
Gái buôn chẳng biết hận than
“Hậu đình” còn hát tiếng vang cách vời.
(Khuyết danh)



Thu Tứ
















_______
Tên bài nghĩa là “Đỗ bến Tần Hoài”.