Hiếu khách như người Nhật, trên thế giới có dân tộc nào khác nữa chăng?

Phan Bội Châu kể chuyện hồi đầu thế kỷ 20. Nhưng đến gần cuối thế kỷ 20, chính xác là năm 1985, có dịp thăm xứ Phù Tang lần đầu, tình cờ cũng được hưởng sự hiếu khách độc đáo nọ. Hôm ấy, loanh quanh ở khu trung tâm Ðông Kinh, mua cái bưu thiếp, muốn gửi ngay về cho người thân mà không biết bưu điện ở đâu. Ðến trước một ki-ốt tạp hóa, giơ bưu thiếp ra trước mặt người chủ - một bà cụ -, ý hỏi thăm. Chủ nói một hơi tiếng Nhật, thấy khách có vẻ không hiểu, lặp lại lần nữa, than ôi, vẫn như nước đổ đầu vịt! Bên trong im, bên ngoài ngơ ngẩn. Bỗng bà cụ đứng dậy, dọn dẹp hàng, đóng cửa ki-ốt, bước ra lề đường, ra dấu cho khách đi theo. Dọc ngang độ năm ba dãy phố, kìa Bưu điện!

Trong hồi ký, Phan Bội Châu còn kể vài chuyện nữa tương tự. Mà trong chỉ độ mươi ngày lưu lại trên đất Nhật hồi 1985, cũng gặp lòng hiếu khách đặc biệt của người bản xứ thêm hai lần nữa.

Dân tộc nào cũng có chỗ dở chỗ hay. Biết cái hay của nhau cũng hay, vì như thế sẽ dễ châm chước cho nhau khi gặp cái dở...

(Thu Tứ)



Phan Bội Châu, “Người phu xe Nhật”



tôi với ông Tăng (tức Tăng Bạt Hổ) (...) lên Ðông Kinh (...) xuống xe lửa khoát phu xe lại, đưa mảnh giấy danh thiếp “Ân Thừa Hiến” (...) phu xe (...) sắc mặt có ý lấy làm khó (...) khoát một người đồng nghiệp (...) tới, tên này biết chữ Hán, viết chữ nói với tôi rằng: “Người kia không thông chữ Hán (...) tôi thông chữ Hán, nếu muốn đi đâu các ông cứ viết chữ ra tôi dắt các ông đi.” Nói đến đó thì mời hai người chúng tôi lên xe đến Chấn Võ học hiệu, hỏi học sinh Ân Thừa Hiến, thì té ra Ân đã xuất hiệu rồi (...) trú nơi nào thì người trong nhà hiệu không ai biết. Tên phu xe (...) cúi đầu nghĩ một lúc, rồi kéo xe đến chỗ hẻm một bên đường, bảo chúng tôi rằng: “Các ngài cứ ở đây, để tôi đi tìm chỗ ở của người đó, tức khắc sẽ trở lại.”

Chúng tôi nghĩ (...) Ðông Kinh quá rộng, lữ quán có hơn muôn nhà (...) đi tìm rông (...) thiệt không lấy làm chắc và lại sợ nó cũng một nết như phu xe nước mình thì e cũng khốn nạn với vấn đề đòi tiền. Ai dè từ hai giờ chiều, đứng chờ đến năm giờ tối, quả thấy tên phu xe mừng rỡ chạy lại, dắt hai người chúng tôi lên xe đi, ước một giờ đồng hồ, đến một nhà lữ quán thì thấy cái chái cửa treo ngang một bức biển dài, trên biển viết phân minh họ tên quốc tịch của khách trú, trong có một hàng chữ: “Thanh quốc Vân Nam lưu học sinh Ân Thừa Hiến” (...)

Bấy giờ hỏi giá xe nó chỉ đòi năm hào hai xu. Chúng tôi lấy làm lạ lắm, rút một đồng bạc trong túi ra trao cho nó và tỏ tấm lòng cảm ơn (...) nhưng nó không chịu lấy, rút vở nhỏ trong túi ra viết chữ nói với chúng tôi rằng: “Theo quy luật Nội vụ sảnh đã định thì từ ga Ðông Kinh đến nhà này, giá xe chỉ có ngần ấy, vả lại các người là người ngoại quốc, yêu mến văn minh nước Nhật Bản mà đến, vậy nên ta hoan nghênh các người, chứ không phải hoan nghênh tiền đâu. Bây giờ các người cho tôi tiền xe quá lệ, thế là khinh bạc người Nhật Bản đó.”


(Trích hồi ký
Tự phán. Nhan đề phần trích do người chọn tạm đặt.)