Khâm Thiên nhắc ít nhất hai vấn đề:

- Giặc Pháp đã cố ý để cho người Việt Nam được tự do hút thuốc phiện, thậm chí giặc tự ra tay sản xuất để đảm bảo cung cấp! Vì dân ta hút nhiều thì xã hội ta băng hoại, ý chí chống ngoại xâm yếu đi. Và vì dân ta hút nhiều thì béo túi tiền giặc. Đây là một vấn đề xã hội hết sức trầm trọng có nguyên nhân lịch sử.

- Sự xuất hiện của “nhà hát” làm cho nghệ thuật hát ả đào bỗng mang tai tiếng. Vốn đào nương hoàn toàn không phải là đĩ.(1)

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Một Nghề Đứng Đắn của Nguyễn Đôn Phục.



“Cống Trắng Khâm Thiên” (1)

Quang Dũng




Đứng dưới tán bàng ở giữa phố Khâm Thiên (...) dãy bàng 6, 7 năm, có tàn che rợp hè phố, những cây bàng chúng tôi đánh về từ tết trồng cây (...) cái phố đã nổi tiếng (...) cả về sự trơ trụi không một bóng cây xanh của nó (...)

(...) Mùa này là mùa quả bàng ra từng chùm và lá bàng càng xanh tươi sau mấy trận mưa lớn. Tán lá xòe ra tròn như những cái dù xanh sẫm che cho suốt một dãy phố từ ngõ chợ xuống tới Ô Chợ Dừa (...)

Có là người dân cũ của Khâm Thiên ngày trước, suốt ngày chói mắt vì cái nắng cứ dãi ra trên những bức tường và mái nhà trơ trụi, và cứ suốt ngày phải nghe cái tiếng xe bò chở thùng phuy đi bán nước tải từ Nam Đồng lên mới thấy được nỗi vui sướng dễ chịu khi đứng dưới tán bàng, nghe tiếng nước máy reo.

Cụ lang đông y, râu như cước, ngồi uống ấm trà trong cái phòng mát xanh vì tán lá bàng phản quang nheo mắt sung sướng nhìn lũ cháu nhỏ đang công kênh nhau với những chùm quả xanh bóng. Thật là một cảnh tranh thất đồng mới (...)

Dưới tán bàng xanh này, ta ôn chuyện cũ. Chúng ta trở về cái Cống Trắng Khâm Thiên ngày trước (...)

*

Nhắc tới phố Khâm Thiên ngày Pháp thuộc, người dân Hà Nội cũ nhớ ngay đến phố cô đầu (...)

Chiều thứ bảy, các viên chức của nhà nước bảo hộ nói lóng với nhau “tối nay đi Ca Tê chứ”. Ca Tê là Khâm Thiên. Nói đến hai chữ ấy là các ông phán, ông ký ga, ông giáo học đã muốn ngáp chảy nước mắt vì cơn thèm thuốc phiện ma quái ở đâu lại chợt đến hành. Nói đến K.T. là họ đã thấy những Tuyết, Hồng, Loan, Phụng, tên mỹ miều của những cô đào rượu, hiện lên, rực rỡ trong những màu áo hoàng yến, những thứ hàng bom-bay thịnh hành thuở ấy.

Khâm Thiên như là một ung nhọt của thành phố, hay nói khác, thì đấy lại là một thiên đường để người đương thời đắm mình vào những cuộc chơi vui mà quên phứt thực tại mình đang sống (...) Chao ôi! Khâm Thiên! (...)

Những năm dài của thời đô hộ (...) Vùng Khâm Thiên này trước kia vốn chỉ là những xóm nhỏ quanh quanh những ao tù và cống rãnh. Thời mà cả khu vực Đấu Xảo (Nhà hát Nhân Dân bây giờ) còn là làng Liên Thủy đầy những hồ ao và ao rau muống, lác đác mấy chòm nhà tranh. Từ thời ấy Ba Voi làm thầu khoán, lấy đất của những ruộng hậu chùa Thanh Nhàn, xe về đổ nền để dựng lên những cái nhà hát sau này. Thế là trên cái đất từ bi của cửa Phật ấy, mọc lên thứ lầu xanh của những mụ chủ cô đầu, một hạng Tú Bà thời Pháp thuộc. Đất ấy vẫn thuộc về đại lý Hoàn Long, đất của tỉnh Hà Đông. Tổng đốc Hoàng Trọng Phu muốn làm nổi danh tỉnh (...) bèn hết sức khuyến khích sự thành lập một phố ăn chơi của tỉnh Đơ mình, ngay sát nách Hà Nội (...) Các chủ cô đầu đánh hơi thấy đất mới là nơi “đắc địa” xô nhau về chiêu tập con em, mở nhà hát. Họ thi nhau bày biện sang trọng cho hợp với loại khách làng chơi sang trọng. Người qua đường ngó vào những nhà hát này, thấy một quang cảnh lịch sự, đài các, y hệt nhà của bọn quan lại hay tư sản thời ấy. Thế nào giữa nhà cũng phải có cái tủ cánh cho cong, một bộ sa-lông tàu mặt đá, một cái sập chân quỳ, có bình phong hay lộ bộ ánh đồng vàng chóe. Những cô gái trong nhà thì ăn nói thật là ra vẻ những con nhà thanh lịch nền nếp. Mới chỉ một năm hay sáu bảy tháng trước đây, họ là những người đàn bà không may gặp một chuyện éo le về chồng con, gặp một cơn gia biến, hay vì kế sinh nhai mà phải nhắm mắt bước chân vào nhà hát. Những cô gái trong trắng ấy đã được những bà chủ rèn luyện, mau chóng biến chất (...) trở nên (...) gái đĩ thập thành.

Trên những miếng đất của hồ ao mới vật lên ấy, những con người bỗng nổi danh và cái tên nhà hát của họ cũng trở thành những từ có sức lôi cuốn thiên hạ một thời. Những cô Đốc Sao, những nhà Mộng Hoàn, Chu Thị Bốn, Chu Thị Năm (...) Cô Đốc Sao (...) đã có cả một chương trình kiên nhẫn đào luyện con em trong nhà mình. Đốc Sao cho người đi tìm kiếm, trong những năm mất mùa đói kém, mua về những em nhỏ mười một, mười hai tuổi. Đốc Sao cho những cô gái nhỏ này ăn học, để có một trình độ văn hóa, và dạy cho đàn hát, nhảy đầm, những cách xã giao quý phái. Những cô Tẹo, cái Tý này chẳng mấy lúc mà lớn phổng lên, quần trắng, áo Lơ-muya tha thướt, biết đánh đen mi mắt để tạo cho mặt mình cái vẻ đa sầu đa cảm, đã biết đọc Tố Tâm, hay Tuyết Hồng lệ sử và không còn bao giờ biết mình là gốc gác ở Phủ Khoái, hay Hải Hậu, Duyên Hà nữa. Đến một ngày “quả chín”, mẹ Đốc Sao bắt các cô nương này phải ra tiếp khách. Anh thương tá hay tri huyện nào, anh công nghệ kếch sù nào, hay anh nghị viên nào, đã dày công đi lại, chi hàng trăm chầu hát rồi, đã đổ đống của vào két bạc nhà mụ rồi, Đốc Sao mới cho con em của mình thôi không làm cao giá nữa, mà phải bán bằng giá đắt, cái trinh tiết của đời con gái mình cho khách.


(còn tiếp)