“Đẻ” cách nhau những ba thập kỷ rưỡi đầy dâu bể, hai “thằng” phải khác nhau thế nào chứ.

Thì đấy, khác cái tên. Tên thằng bé đẻ trước quý tộc, cầu kỳ: Ngộ Lang.(1) Tên thằng sau bình dân, giản dị: Thơm.

Trước với sau nhưng vẫn cùng một “người đẻ”, vậy có chia sẻ nét gì với nhau không?

Có đấy. Thằng Ngộ Lang ngắm “ông giăng (sớm) có hai cái sừng nhọn” rồi “vắt tay lên trán như một người lớn suy nghĩ nhiều”. Thằng Thơm ngắm cái bánh dẻo vuông rồi hỏi hết người này đến người khác tại sao bánh ông trăng mà lại không tròn. Thằng bé nào cũng “ngộ”!

Thực ra từ Ngộ Lang qua Thơm là cái dâu bể riêng của Nguyễn Tuân thôi. Vì thời tiền chiến xung quanh ông dĩ nhiên có vô số “bé Thơm”, chẳng qua thời ấy nhà văn hay chú ý đến đời sống của giới thượng lưu nên trong “tranh” Trung Thu của mình không vẽ Thơm mà vẽ Ngộ Lang.

Thiết nghĩ về tinh thần, cái tết Trung Thu năm 1974 không khác mấy cái tết Trung Thu thời tiền chiến. Nhưng nay (2013) thì Trung Thu đã khác lắm rồi.

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Một Cảnh Thu Muộn trong
Vang bóng một thời.



Nguyễn Tuân, “Cái bánh dẻo tròn”



Cả nhà đang ăn tết đông vui, bà ngoại gật gù đầu bạc, ông ngoại vuốt chòm râu bạc, cả bà cả ông đều khen “cháu Thơm càng nhớn càng ngoan”. Chị Ngọt cũng nháy nháy em Thơm, hai cánh tay vui vẻ nhịp nhịp như sắp ca hát một bài gì. Mẹ Thơm liền kéo Thơm vào lòng mà nói to lên như trình với cả hội đồng gia đình.

- Năm nay hễ cô giáo lớp mẫu giáo mà khen bé Thơm là ngoan và học giỏi, thế nào mẹ cũng thưởng. Ông bà và mẹ thế nào cũng thưởng cho cả hai chị em. Chị Ngọt có thích mẹ bày cỗ trung thu thật to cho hai chị em không nào?

Bé Thơm chưa hiểu gì lắm về Tết Trung thu. Bé chỉ nhớ rằng Tết là thích. Tết là có nhiều thứ bày ra đầy bàn. Và Tết thì người lớn cùng bạn nhỏ của mình người nào cũng mặc quần áo đẹp và đều là vui cười chào hỏi nhau. Cái phố của bé Thơm cũng sạch hơn, đẹp hơn. Giá mà ngày nào cũng là ngày Tết nhỉ?

Nhưng mà thế nào là Tết Trung thu? Và lúc nào thì Tết Trung thu? Mẹ Thơm rất yêu Thơm, nhưng hỏi mẹ thì mẹ trả lời chẳng rõ tí nào cả. Mẹ bảo: “Bé Thơm hỏi mẹ nhiều quá. Tết Trung thu là cái gì ấy à? Tết Trung thu tức là bày cỗ. Bao giờ bé Thơm học ngoan cô giáo khen nhiều, mẹ bày cỗ nhiều bánh nhiều quà, thế là Tết Trung thu. Thôi để mẹ đi chợ. Sang mà hỏi chị Ngọt ấy”. Chị Ngọt đang bận ôn bài học nhưng cũng tươi cười giảng cho bé Thơm:

- Tết Trung thu là Tết của mùa thu. Cũng như mùa xuân, mùa thu là đẹp nhất. Giữa mùa thu quả chín nhiều nhất, trời trong nhất, trăng sáng nhất... À một năm có tất cả bốn mùa.

- Thế mùa là cái gì hở chị Ngọt?

- Bao giờ em học như chị đang học, thì em sẽ biết rõ hơn. Bây giờ phải để cho chị làm bài cho kịp tới lớp nhé...

Bé Thơm phụng phịu, vì mình hỏi thì nhiều mà mẹ cùng chị mình thì trả lời ít, chỉ trả lời có một tí thôi. Nhưng thôi cũng được. Chị Ngọt đã bảo mình mỗi năm tức là mỗi tuổi mình nhớn dần lên. Có mười hai lần ông trăng tròn vành. Và trăng tròn nhất là giữa đêm Tết Trung thu. “Cái bánh dẻo ngon lành bày cỗ rằm đó là bắt chước cái hình tròn đầy đặn của mặt trăng đấy”. Giá mà tháng nào cũng là Tết Trung thu nhỉ! Thế là từ đấy bé Thơm ít chịu đi ngủ sớm vào những đêm có trăng tròn. Nhìn trăng lấp ló ngoài cửa sổ, Thơm thấy mặt trăng đúng là một cái bánh hình tròn, ngon ngọt thơm mát. Bày mặt trăng vào giữa bàn cỗ bánh, thật là đúng quá. Phải xin mẹ mình bày thật nhiều ông trăng trên bàn cỗ. Cỗ bánh phải nhiều ông trăng bé ôm lấy một ông trăng to tướng ở giữa. Khi nào phá cỗ thì ông trăng bé ta ăn trước, còn ông trăng lớn để dành mà chơi cho lâu.

Trăng lên càng cao càng sáng càng rộng. Bé Thơm đã ngủ từ lúc nào rồi, hai tay ấp lên bụng ôm một cái bánh, cả một cái bánh ngọt và tròn như mặt trăng ngoài xa cửa sổ.

Ông ngoại bà ngoại bảo là đi lên vùng sơ tán thăm cái nhà ở cũ. Mấy hôm sau trở về ông bà đều reo lên: “Chị em thằng Thơm có Tết Trung thu rồi”. Bé Thơm và chị Ngọt thấy một lồng gà, một túi gạo nếp và không biết bao nhiêu là quả lạ. To nhất và quen nhất là quả bưởi.

Trăng cứ sáng thêm, cứ tròn dần.

Thế rồi trên bàn cỗ, có đến mười, đến hai mươi cái bánh dẻo. Cái bánh tròn nó tròn đúng như mặt trăng thì bé Thơm biết rồi. Nhưng lại có những cái bánh không tròn thì bé Thơm không hiểu được. Hỏi chị Ngọt bảo đấy là bánh vuông “bánh dẻo vuông ăn cũng ngon lành thơm ngọt như bánh tròn, ai thích ăn vuông thì lúc phá cỗ sẽ lấy cái vuông, ai thích tròn thì ăn tròn”. Bé Thơm mon men đến cạnh mẹ và chị. Hai bàn tay mẹ xanh như mớ rau, xanh như tất cả lá cây ngoài vườn. Hai bày tay chị Ngọt thì lại đỏ, đỏ như cái cờ ngày Tết. Thì ra mẹ và chị đang nhuộm cùi bưởi, lót xuống lòng bát rồi mới bày những múi bưởi lên trên. Bưởi xanh bưởi đỏ đẹp quá trông vui vẻ hơn là cùi bưởi trắng nhạt.

- Thưa mẹ, sao bánh của ông trăng tròn người ta lại làm vuông?

Chị Ngọt chỉ cười, bảo là “em Thơm ngồi lùi ra không có quần áo lại dây phẩm khó giặt bây giờ đấy”. Còn mẹ thì bảo: “Chạy sang mà hỏi ông ngoại ấy? Ù ra sân mà xem ông đang chọn quả. Nhiều quả lắm. Na này, hồng trứng này, ổi này, bưởi thì nhiều lắm”.

Con mèo trắng đốm đen ngồi cạnh ông ngoại, khe khẽ thò một chân trước khều một quả ổi chín vàng. Cụm ổi đổ ùm, ổi lăn kềnh ra cả sân gạch, ông ngoại phải nhặt ổi dội nước rửa lại. Bé Thơm mách luôn:

- Ông ơi, cháu không thích con mèo nhà ta đâu!

- Có việc gì mà cháu không thích con mèo nhà ta?

- Chân nó nhiều gai lắm. Ông này, con mèo nó không được ăn bánh dẻo tròn phải không ông, chỉ cho con mèo ăn bánh vuông thôi phải không ông.

Ông ngoại không nói gì, ông đang cọ nốt những cái bát cái đĩa, cái nào cũng tròn cả.

- Ông ơi, có ông trăng vuông không? Có quả bưởi vuông không?

- Cái thằng Thơm lại bắt chước trẻ hư, lại tập nói nhảm rồi đấy... Ông trăng thì phải tròn chứ. Bưởi cũng tròn.

Bé Thơm rất thích ông ngoại hay chơi hay cười với mình, nhưng Thơm rụt rè lại hỏi ông:

- Thế sao người ta lại làm cái bánh dẻo vuông?

- Tròn hay vuông, bánh dẻo bày cỗ, thứ nào cũng mềm và ngọt cả... Tròn là trời, là mặt trời, mặt trăng. Vuông là mặt đất. Cháu cứ hay hỏi nhiều quá. Đi chơi đi. Để ông bà bày cỗ cho kịp đón ông trăng Tết.

Bé Thơm vẫn hậm hực. Chị Ngọt cắt nghĩa nghe ra còn dễ hiểu hơn ông ngoại giảng.

Cả phố ầm lên tiếng trống. Nào là trống ếch, nào là trống quân. Đúng giờ Tết rồi. Ông trăng đúng hẹn cười cười ngoài cửa sổ. Tối Tết vui trời sáng mát, ông trăng sáng như ban ngày. Nhưng bàn cỗ của bé Thơm lại sáng hơn cả ông trăng bên ngoài. Đã có bóng đèn điện mẹ lại còn thắp thêm bao nhiêu là cây nến. Trống ếch trống quân cả khu phố kêu vang còn làm cho ngọn nến nơi bày cỗ múa nhảy thêm, ánh nến càng rung rinh mãi lên trong đôi mắt chị Ngọt. Thấy cả thủ đô nổi trống đón tiếp mình thắm thiết, ông trăng lấy làm vừa lòng, mặt trăng bèn tăng thêm sáng và kia kìa, ông trăng lại như nháy nháy mắt với chị Ngọt và bé Thơm.

Có cụ giáo hiệu trưởng mẹ mời đến ăn Tết thân mật với gia đình. Có cụ tổ trưởng khu phố, ông ngoại mời đến thưởng trăng. Mẹ liền nhấc mâm xôi vừng ra khỏi bàn cỗ. Trên mâm xôi vừng là con gà luộc uốn theo hình một ông đang ngồi câu cá. Mẹ chặt thịt gà, bày chén, mời các cụ phá cỗ trước cho. Ông ngoại vuốt râu nhìn ông trăng, nâng chén rượu mời khách. Bà ngoại cũng nâng chén mời. Mẹ dọn thứ này thứ khác, chỉ thấy mẹ uống chén trà nhiều khói.

Trống ếch, trống quân nổi lên nhiều hơn, nhanh hơn như là động viên ông trăng mọc cao hơn nữa và trong sáng hơn nữa.

Chị Ngọt xin phép mẹ chạy qua nhà hàng xóm rủ mấy đứa bạn cùng lớp sang phá cỗ như đã hẹn. Mẹ vui vẻ ừ ừ. Bé Thơm cũng nói:

- Con sang nhà bạn Nhanh ở trong ngõ. Cỗ Tết nhà bạn Nhanh chỉ có bưởi thôi. Cỗ bé hơn nhà ta mà cỗ lại không có ông trăng. Mẹ cho con một cái bánh dẻo ông trăng con mang sang biếu bạn Nhanh. Con không lấy cái bánh vuông. Con xin một cái bánh tròn.

Gói chiếc bánh dẻo đi sang nhà bạn nhỏ, bé Thơm máy môi nhịp nhịp khe khẽ: Trăng êm êm, trăng vui vui, trăng tròn tròn, trăng sáng sáng, trăng nhiều nhiều.


(
Văn Nghệ số 569
27-9-1974)