Gió mà “ngày đêm (...) chạy hàng đàn (...) lồng lộn (...) la hét”! Gió mà “lột da” đường sá, “rút” quần đùi con nít, rung cây bẻ trái, làm ruộng lúa chực “nổi sóng thần”!

Mùa gió đó, “dọn cơm giữa sân”, không sợ bị “người say rượu múa may” tới “lột” hết mọi thứ trên mâm cơm “đạm bạc hẩm hiu” sao? Lột thì lột, “cả nhà ngồi quây quần” ăn thứ gió “lồng lộng, sang trọng, hoành tráng đến vô cùng”, cũng no!

Gió nam cồ “hung hãn” thiệt, nhưng được cái mát chớ không nóng như gió Lào. Mát lắm, nên thổi trong “thời thơ ấu” mà “mát mãi cả ngày sau”, tới nỗi “giờ tôi già rồi” còn ham, đạp xe đi trong gió, bị “thổi văng xuống mương”. Xuống thì xuống, vẫn “khoái chí vô cùng”...
(Thu Tứ)



“Gió nam cồ”

Ngô Phan Lưu




Mùa gió nam ở Phú Yên (...) cao điểm vào tháng bảy âm lịch, lúc ấy chúng tôi gọi là gió nam cồ. Gió nam cồ (...) thổi ròng rã ngày đêm không ngừng nghỉ. Không biết gió ở đâu mà nhiều thế (...) chạy hàng đàn lũ lượt (...) lồng lộn (...) la thét (...) hung hãn tột cùng (...) Cái sân trước nhà sạch sẽ như lau, không một hạt bụi. Đường sá (...) cũng bị gió lột da chỉ còn xương trắng.

Nhìn lên ngọn cây lại càng ngoạn mục. Các ngọn cây, dường như có rất nhiều bầy khỉ lớn bé núp trong đó, ra sức rung cây (...) những trái rụng (...) bị gió lăn đi, gặp vật cản, dồn đống. Quét mắt ra đồng ruộng, thấy sóng lúa cuồn cuộn bạt ngàn, dường như sắp nổi sóng thần. Toàn bộ cảnh vật (...) chao đảo, không đứng yên được. Gió nam cồ cứ như một người say rượu múa may, lồng lộn, la hét mãi không ngừng, không nghỉ. Một thứ gió say thổi đến quên mình là gió. Ừ, nó tưởng nó là bão đấy.

(...) Còn nhớ, lúc tôi đi học lớp một, gió nam cồ đẩy tôi phải chạy tới trường, nhưng sách vở lại chạy ra ngoài ruộng, còn chiếc mũ lại đu trên cành cây vẫy vẫy chọc tức (...) Thằng bạn thò lò mũi xanh của tôi, bị gió xô ngã, chổng hai cẳng lên trời, thế là gió nam cồ rút luôn chiếc quần đùi, mắc lên ngọn tre, sách vở bị gió thả diều. Hôm đó nó phải nghỉ học (...) Mái tranh của trường xù lông nhím (...) trẻ nhỏ (...) chúng tôi lại khoái gió. Khoái lắm. Đi ngược gió thật khó khăn vì bị gió đẩy lùi. Thế là cứ giăng hàng một, kiên cường tiến từng bước một. Khoái quá, quần áo cứ phần phật như sắp rách toạc. Gió (...) xoáy rất mạnh vào cái đầu trụi, sướng quá, mắt phải nhắm lại, tránh bụi cát bắn vào. Đi cứ như đoàn người mù. Đi một chặp thấm mệt, lại quay lưng đi theo chiều gió. Vừa quay lưng, lập tức bị gió nam cồ thổi phải chạy. Nếu đứng lại, có nguy cơ té sấp giập mặt (...)

Quý bạn biết không (...) một cái gió mà sáng dậy mình vừa rửa mặt, chưa kịp lấy khăn lau chùi, cái mặt mình đã bị gió quạt khô. Ừ, khô ngay lập tức. Đó là gió nam cồ. Một cái gió mà ruồi muỗi phải sợ núp trốn, nhưng trẻ nhỏ và ngựa lại thích chí vô cùng. Đó là gió nam cồ.

Còn nhớ, những buổi chiều, dọn cơm giữa sân, cả nhà ngồi quây quần trong gió lồng lộng. Bữa cơm đạm bạc hẩm hiu, nhưng gió lại sang trọng, hoành tráng đến vô cùng.

Lá tre quay chong chóng
Giun lòng thòng mỏ gà
Chuông chùa bay trong gió
Đồng xa trốc đất nâu
Chén mắm cá rô nướng
Đọt lang luộc rổ đầy
Ớt cay trán rịn nước
Đầy sân chi chít vui
Cơm nghèo thời còn nhỏ
Cứ no cả một đời
Nam Cồ thời thơ ấu
Mát mãi cả ngày sau...


Giờ tôi già rồi, nhưng nỗi thích gió nam cồ lại không già. Hôm qua về quê, tôi cỡi xe đạp, đi sát con mương nước, bị gió nam cồ thổi văng xuống mương. Tôi không giận gió mà lại khoái chí vô cùng. Vì cỡ tuổi tôi - U70 - tuổi thơ đã tan thành mây khói, làm gì có dịp để tắm mương. Nhưng có điều lạ, nước mương bây giờ hình như lỏng hơn và lạnh hơn nước mương thời thơ ấu.


(Nguồn: trang
baophuyen.com.vn)