Nhớ “Bài ca chúc Tết thanh niên” của Phan Bội Châu:

“Dựng gan óc lên đánh tan sắt lửa
Xối máu nóng rửa vết nhơ nô lệ”.


Ngày 22-12-1944,
“giữa rừng sâu tràn ngập gió heo may, trong đêm đông giá lạnh và hùng tráng của Cao – Bắc – Lạng”, ra đời đội ngũ những người Việt Nam sẽ làm được điều mà dân tộc hằng mong đợi. (TT)



“Ngày 22 tháng 12 năm 1944”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp







Một buổi sớm đầu tháng chạp (1944), chúng tôi từ giã Bác, trở về. Bác căn dặn chúng tôi một lần nữa: “Nhớ bí mật: ta ở đông, địch tưởng ta ở tây. Lai vô ảnh, khứ vô hình” (...)

Chúng tôi trở về tổng Hoàng Hoa Thám (...) Ban chỉ huy Đội được chỉ định: đồng chí Hoàng Sâm, đội trưởng; đồng chí Xích Thắng, chính trị viên (...)

Vấn đề đặt ra là đánh đâu? Có ý kiến nêu lên là không nên đánh vào những nơi có cơ sở của ta để tránh cho cơ sở bị bị địch khủng bố. Nhưng khi bàn, thấy đánh vào nơi không có cơ sở thì chuẩn bị sẽ rất khó khăn, không nắm được địch tình, khi đánh thiếu sự giúp đỡ của nhân dân, khó bảo đảm thắng lợi. Chúng tôi nhận thấy trận đánh đầu tiên chỉ có thể thành công nếu đánh vào nơi có cơ sở nhân dân thật tốt, giúp đỡ cho đội chuẩn bị thật chu đáo. Các đồng chí tại các địa phương có địch đóng, đều yêu cầu cứ đánh, còn đối với sự khủng bố của kẻ địch, chỉ cần có một kế hoạch đề phòng cho nhân dân.

Một điều rất quan trọng khác phải bàn bạc là đánh cách nào? Trong trận đầu chúng ta phải giành được thắng lợi mà không để bị tổn thất nặng nề về người cũng như về vũ khí. Lực lượng của ta trong thời kỷ trứng nước này còn rất mỏng manh. Vũ khí đã thiếu, đạn dược càng thiếu hơn. Mỗi khẩu súng trường chỉ có trung bình hai mươi viên đạn. Khi bàn bạc thấy, nếu đánh phục kích các đội quân lưu động của địch thì tương đối dễ đạt thắng lợi và bộ đội cũng đỡ bị tổn thất. Nhưng cũng lại thấy, đánh phục kích thì chỉ có thể thu được một số súng mà không giải quyết được vấn đề đạn dược. Bọn chỉ huy người Pháp vốn không tin ở binh lính người Việt, khi đi tuần tiễu chúng chỉ phát cho mỗi tên lính từ năm đến mười viên đạn. Về vũ khí lúc này, súng chưa quan trọng bằng đạn dược. Đã thế, muốn đánh phục kích phải có thời gian mới gặp hoặc tạo nên được cơ hội, như vậy sẽ khó hoàn thành nhiệm vụ trong vòng một tháng. Cuối cùng chúng tôi đi đến quyết định, trong mấy trận đầu phải tập kích vào đồn trại của địch để chiếm lấy đạn dược, mặc dầu đánh tập kích khó khăn hơn.

Một số đồn trại địch đóng trên dưới một trung đội trong vùng Kim Mã và Cẩm Lý được chọn để tiến hành công tác điều tra: đồn Khai Phắt và đồn Nà Ngần.

Các đồng chí Hồng Quân, Đức Long được phái đi trinh sát. Thực ra, các làng địch đóng đồn là quê của nhiều đồng chí trong đội. Địch ở Khai Phắt đóng chính ngay tại nhà đồng chí Lạc. Anh em có thể vẽ lấy sơ đồ đồn địch, rồi phái một số đồng chí đến nơi đối chiếu lại, là biết rõ địa hình. Việc khó khăn hơn là làm sao đột nhập vào đồn để điều tra cách bố trí, sắp đặt bên trong, và mọi quy luật hoạt động, sinh hoạt hàng ngày của chúng. Người trinh sát đầu tiên của đội lọt vào đồn là em bé Hồng.

Hồng mới mười hai tuổi. Ngày ngày, em phải mang bánh vào đồn. Em đã lân la trò chuyện với lính địch, xem kỹ kho lương, kho đạn, nơi ăn nơi ngủ, nơi canh gác, giờ giấc sinh hoạt, tập họp của địch. Đêm đêm, em luồn ra khỏi lũy tre làng đến báo cáo với đội.

Căn cứ vào những quy luật hoạt động của địch tại vùng này, chúng tôi bàn nhau thấy có thể tìm cách cải trang làm lính dõng để đột nhập đồn địch.

Các đồng chí trung kiên dưới làng đi tìm gặp những hội viên là lính dõng hoặc trước kia đã đi lính dõng, mượn ba chục bộ quần áo. Cũng phải tìm một số hội viên cựu binh sĩ, mượn thêm mấy bộ quần áo ka-ki để cải trang thành lính tập vì những đoàn lính dõng đi tuần bao giờ cũng có lính tập đi kèm. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị một số nón lính. Các chị ở dưới làng lên, mang theo vải chàm và kim chỉ để khâu áo nón. Nón của dõng bọc vải chàm, có viền vành trắng và điểm một miếng tròn trắng trên chóp. Khi qua cơ quan in báo Việt Nam độc lập, tôi đã mượn máy chữ ngồi đánh mấy tờ “giấy đi tuần” giả. Các đồng chí tại cơ quan đã cắt củ khoai, trổ một con dấu rất khéo, đóng đỏ chót bên cạnh chữ ký. Hồi đó, những giấy giới thiệu đánh bằng máy chữ là loại giấy có giá trị.

(...)

Một ngày trước lễ thành lập đội, chúng tôi nhận được một bức thư nhỏ của Bác đặt trong một bao thuốc lá. Giở ra, đó là chỉ thị của Bác về việc thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân.

“(...) chính trị trọng hơn quân sự (...) là một Đội Tuyên truyền (...) trong khi tập trung lực lượng để lập đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang ở các địa phương (...) phối hợp hành động (...) Đội quân chủ lực (...) có nhiệm vụ dìu dắt (...) giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội (địa phương) trưởng thành mãi lên (...) Về chiến thuật (...) bí mật, nhanh chóng, tích cực (...)

Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội quân đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ bắc chí nam, khắp đất nước Việt Nam chúng ta”.

*

22 tháng 12 năm 1944.

5 giờ chiều (...)

Giữa mùa đông, khí trời nơi non cao lạnh buốt. Trong khu rừng đại ngàn với những hàng cây cao thẳng tắp, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, lần đầu họp đội ngũ chỉnh tề (...)

Đại diện Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng cùng với rất đông đại biểu nhân dân Tày, Nùng, Mán của hai tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn đến tham dự, đứng thành hai hàng hai bên bộ đội.

Tôi được ủy nhiệm thay mặt Đoàn thể tuyên bố thành lập Đội (...) và vạch rõ nhiệm vụ của Đội đối với Tổ quốc.

“Các đồng chí!

Nhiệm vụ mà đoàn thể ủy thác cho chúng ta là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề (...) Vận dụng vũ trang tuyên truyền để kêu gọi toàn dân đứng dậy, chuẩn bị cơ sở chính trị và quân sự cho cuộc khởi nghĩa sau này.

Thế là từ phút này trở đi, chúng ta cùng nhau tiến lên con đường vũ trang tranh đấu. Chúng ta nêu cao tinh thần anh dũng hy sinh. Chúng ta quyết tiến tới để làm tròn nhiệm vụ. Bao nhiêu căm hờn của dân tộc, bao nhiêu sự tàn khốc thê thảm đang chờ đợi một cuộc thanh toán. Chúng ta nguyện đem xương và máu ra làm công việc đó. Chúng ta sẽ vạch cho toàn dân con đường sống duy nhất là con đường đoàn kết để vũ trang đứng dậy. Quân Giải phóng sẽ tỏ rằng mình là một đội quân của dân, của nước, đi tiên phong trên con đường giải phóng dân tộc.

(...) Chúng ta tiến, tiến mãi cho đến ngày giải phóng toàn dân”
.

Đồng chí đại diện Liên tỉnh ủy đọc thư chúc mừng, tin tưởng Đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang mà đoàn thể giao phó. Đại diện các tổ chức nông dân, thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương đều lên chúc mừng (...)

Rồi đến lễ tuyên thệ.

Đứng dưới cờ, lòng tràn đầy tin tưởng, chúng tôi đồng thanh đọc mười lời thề danh dự:

“Chúng tôi, đội viên Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề (...)

Xin thề:

1. Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để (...) làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập (...)

2. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cấp chỉ huy, khi nhận được mệnh lệnh gì, sẽ tận tâm, tận lực thi hành cho nhanh chóng và chính xác.

3. Bao giờ cũng kiên quyết chiến đấu, dù gian lao khổ sở cũng không phàn nàn, vào sống ra chết cũng không sờn chí, khi ra trận quyết chí xung phong (...)

4. Lúc nào cũng (...) hết sức học tập để (...) xứng đáng là một người chiến sĩ tiên phong giết giặc cứu nước.

5. Tuyệt đối giữ bí mật cho bộ đội (...) cho tất cả các đoàn thể cứu quốc.

6. Khi ra trận nếu bị quân địch bắt được, thì dù bị cực hình tàn khốc thế nào cũng cương quyết một lòng trung thành với sự nghiệp giải phóng của toàn dân, không bao giờ cung khai phản bội.

7. (Xem) bạn chiến đấu như bản thân, hết lòng giúp đỡ nhau lúc thường cũng như lúc ra trận.

8. Hết sức giữ gìn vũ khí (...)

9. Khi tiếp xúc với dân chúng (...) không lấy của dân – không dọa nạt dân – không quấy nhiễu dân (...) kính trọng dân – giúp đỡ dân – bảo vệ dân (...) thực hiện quân dân nhất trí, giết giặc cứu nước.

10. Bao giờ cũng nêu cao tinh thần tự phê bình, giữ tư cách cá nhân mô phạm, không làm điều gì hại đến thanh danh Giải phóng quân và quốc thể của Việt Nam”
.

Sau từng lời thề, những tiếng hô “Xin thề!” lại đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động cả khu rừng.

Tâm tư của chúng tôi trong những giờ phút thiêng liêng đó thực khó tả. Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước (...) phút chốc bỗng hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà (...) làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép (...) sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động.


Nhân dân và các đoàn thể đem tới rất nhiều quà ủy lạo. Nhưng bữa chiều hôm đó, theo yêu cầu của số đông anh em, chúng tôi đã ăn một bữa cơm nhạt, không rau không muối, để nêu cao tinh thần khắc khổ của những người chiến sĩ cách mạng.

Tối hôm đó (...)

Bộ đội và đồng bào quây quần chung quanh ngọn lửa hồng đỏ rực giữa khu rừng đầy sương mùa đông với những trận gió heo may lạnh lẽo. Cuộc liên hoan bắt đầu trong một không khí đầm ấm và cảm động. Tất cả các chiến sĩ Giải phóng quân lần lượt giới thiệu bí danh, tiểu sử của mình (...)

Không người nào là không mang một mối hận thù với đế quốc. Hoặc cha anh chị em bị bắt, bị bắn, hoặc nhà cửa bị đốt, của cải bị tịch thu, còn chính mình nếu chưa trải qua lao tù thì cũng là những kẻ đang bị truy nã, đầu bị treo thưởng hàng vạn đồng, hàng trăm đấu muối.

Đội trưởng Hoàng Sâm, thoát ly gia đình từ nhỏ tham gia hoạt động cách mạng, đã qua Xiêm La, Trung Quốc rồi lại trở về nước hoạt động. Qua nhiều năm bị đế quốc truy nã, anh vẫn lăn lộn trong đồng bào Kinh, Thổ (tức Tày), Nùng, Mán, nhiều lần tổ chức đánh các đội quân tuần tiễu của Pháp (...)

Chính trị viên Xích Thắng, con trong một gia đình nông dân, dân tộc Thổ, hoạt động từ lâu trong phong trào bí mật, nhà cửa bị tịch thu, gia đình bị truy nã, đã nhiều lần chết hụt trước mũi súng của quân đội đế quốc.

Đồng chí Hoàng Văn Thái, xuất thân từ một gia đình nông dân, hoạt động cách mạng lâu năm trong vùng Đình Cả (Bắc Sơn) (...)

Đồng chí Lâm Cẩm Như (...) cháu đích tôn của cụ Nguyễn Thượng Hiền, sinh ra và lớn lên nơi đất khách, mặc dầu chưa thạo tiếng Việt, nhưng tấm lòng vẫn gắn liền với Tổ quốc Việt Nam.

Các đồng chí Xuân Trường, Thu Sơn, Quốc Chủng, Vũ Lập... (...) lúc nào cũng tươi cười, vui vẻ (...) những thanh niên trung dũng (...)

Các đồng chí Lương Quân, Nam, dân tộc Thổ, là những người sống sót của những gia đình bị địch tàn sát (...)

Đồng chí Quỳ, dân tộc Mán Tiền, một cán bộ của tổng Hoàng Hoa Thám, nơi bị đế quốc khủng bố ghê gớm nhất, bao nhiêu làng mạc bị đốt trụi (...)

Lão đồng chí Văn Tiên, một nông dân miền núi, được phân công làm quản lý cho Đội (...) chỉ có một nguyện vọng là được trao lại nhiệm vụ quản lý cho một đồng chí khác để trực tiếp cầm súng chiến đấu.

Các nữ đồng chí Cầm, Loan, Thanh là những đồng chí đã thoát ly hoạt động bí mật từ lâu (...) đã được thử thách qua nhiều lần khủng bố gắt gao của kẻ thù (...)

Nguyện vọng của ba mươi tư con người đều thống nhất: Mong sao giết được nhiều giặc, lấy được nhiều súng Tây thay súng kíp (...)

Một nữ đồng chí chúc Đội một câu rất thiết thực (...)

- Nhân dân trong hai tổng mong sao từ giờ đến Tết, Đội từ một trung đội sẽ lớn lên thành một đại đội và sẽ chiến thắng trở về ăn Tết vui vẻ với nhân dân (...)

Giữa rừng sâu tràn ngập gió heo may, trong đêm đông giá lạnh và hùng tráng của Cao – Bắc – Lạng, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã ra đời.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Các chỗ in màu in đậm do người trích.)