Nhớ Trần Văn Khê viết về người Kinh đánh đàn tranh: “tay mặt sanh ra cái xác, tay trái tạo ra cái hồn”. Tiếng cồng chiêng phải nhờ “không gian rừng núi (...) lọc bớt các âm bồi”, “phải nghe từ xa mới thấy hết cái hay”… Thế thì cả người biểu diễn lẫn những người đến nghe biểu diễn đều không được thưởng thức đúng mức, trong khi ai đó cách núi cách rừng, tai không chờ đợi lại được cái tiếng “du dương, trầm bổng mà không chán tai” ấy nó đến rót vào! Gõ chiêng để ru con ngủ, quả là lạ! (TT)



Âm nhạc cồng chiêng




Một dàn cồng chiêng (...) có ba kiểu: cồng và chiêng hỗn hợp, hoặc chỉ có cồng, hoặc chỉ có chiêng. Ðây là những bộ gõ (…) âm sắc (…) trầm, trong, vang, có nhiều âm bồi, phải nghe từ xa mới thấy hết cái hay. Bởi vì không gian rừng núi đã lọc bớt các âm bồi chỉ để lại (chủ yếu) những âm chính. Người biểu diễn dùng tay phải gõ chiêng, còn tay trái tỳ vào mặt sau để chặn, ngắt, bịt, mở v.v. làm cho âm bồi cao hơn âm thật đến một quãng tám. Nghệ thuật tài ba của người biểu diễn được thể hiện ở bàn tay trái điệu nghệ như người đánh đàn nhấn nhá trên phím. Bộ cồng và bộ chiêng với những kích thước khác nhau đã tạo nên sự phối âm thành hai tuyến theo nhịp 2/4. Ví dụ như bộ cồng của người Xê Tiêng, có năm cồng sáu chiêng được phân bố như sau: với cồng, ba chiếc trầm nằm ở tuyến dưới tạo nên giai điệu, còn hai chiếc ở tuyến trên tạo nên phần nền, phần đệm. Ngược lại với chiêng, ba chiếc trầm ở tuyến dưới tạo nên phần nền, còn ba chiếc cao tuyến trên tạo nên giai điệu. Nhờ sự phân bố này mà phần nền được biểu thị cả hai cực đối lập cao - thấp, còn các giai điệu được thiết lập ở khoảng giữa (...) do đó, nhạc cụ thì đơn giản mà âm sắc thì phong phú, cho ta một âm điệu nhiều tuyến và giao bè, một dạng hòa thanh phức tạp nhất trong một tiết tấu rất đa dạng, nhấn đảo phách nhiều nhất. Tiếng cồng chiêng (…) nghe du dương, trầm bổng mà không chán tai. Kỳ lạ thay (…) người Tây Nguyên còn ru con ngủ bằng âm nhạc cồng chiêng.


(Phạm Ðức Dương,
Việt Nam - Ðông Nam Á - ngôn ngữ và văn hóa, nxb. Giáo Dục, 2007)