Hồi tiền chiến, “trái sầu” có lần “rụng rơi” trong thơ (bài “Ngậm ngùi” của Huy Cận). Lần ấy “mấy mùa thương đau” chín trong “hồn em”, còn đây “một ngày (…) chín trong tôi”. Thời gian cũng là về chiều… Trái năm xưa không biết rơi từ đâu và hình như “anh” có đón nên mới “nghe nặng”, còn trái được cây thả đây thì “tôi” cho “nước lắng” tha hồ đón… “Tôi thấy…”, rừng này thưa nhỉ. Hay là cái bầu trời có mây rừng đang bay tan tác cũng là ở dưới hồ kia? (Thu Tứ)



Nguyễn Đức Sơn, “Tôi thấy mây rừng”




một ngày đau khổ chín trong tôi
tôi đến bên cây lẳng lặng ngồi
cây thả trái sầu trên nước lắng
mặt hồ tan vỡ ánh sao trôi

thôi nhé ngàn năm em đi qua
hồn tôi cô tịch bóng trăng tà
trời sinh ra để chiều hôm đó
tôi thấy mây rừng bay rất xa