“Tại sao lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân”

Đại tướng Võ Nguyên Giáp




Giữa năm 1944, cuộc khủng bố trắng tàn khốc của đế quốc Pháp đã lên đến cực điểm. Nhân dân Cao – Bắc – Lạng nóng lòng mong đợi tiếng súng của cách mạng để chặn bàn tay cuồng bạo của kẻ thù.

(...) Trước tình hình đã trở nên rất khẩn trương, tháng 7 năm 1944, Liên tỉnh ủy Cao – Bắc – Lạng triệu tập một cuộc hội nghị cán bộ để thảo luận vấn đề khởi nghĩa. Đây là cuộc hội nghị đông đủ nhất từ ngày địch tiến hành khủng bố (...)

Hội nghị họp trong một hang núi cao, rộng giữa một khu rừng đại ngàn (...) Chúng tôi thảo luận về chủ trương khởi nghĩa rất sôi nổi (...) nhanh chóng đi tới nghị quyết khởi nghĩa. Nhận định của bản báo cáo chính trị (...) phù hợp với nguyện vọng nóng bỏng của nhân dân, của cán bộ từ lâu đến nay (...) Hội nghị quyết định dùng (...) “phát động du kích chiến tranh” thay cho (...) “khởi nghĩa”. Mọi công tác chuẩn bị được quy định phải gấp rút tiến hành trong khoảng thời gian hai tháng (...)

Cách mạng quả là ngày Tết của những người bị áp bức. Nhân dân các nơi reo mừng khi nghe phổ biến nghị quyết phát động chiến tranh du kích (...) Tại Kim Mã, chúng tôi đã họp nhiều cuộc mít-tinh để giải thích cho đồng bào rõ, phát động không phải sẽ thành công ngay, mà còn phải phấn đấu, còn phải hy sinh, lắm khi từng nơi sẽ gặp những thất bại tạm thời, sau khi phát động, nhân dân sẽ gặp nhiều khó khăn thiếu thốn trong đời sống, sẽ còn phải lầm than khổ sở nhiều.

Tháng 9 năm 1944.

Mùa gặt sắp xong.

Kế hoạch chuẩn bị đã thực hiện được một phần lớn (...) Liên tỉnh úy Cao – Bắc – Lạng đang trù tính một cuộc hội nghị cuối cùng để quyết định ngày giờ phát động cuộc chiến tranh du kích, thì lúc ấy có tin Bác về nước.

*

Tôi cùng anh Vũ Anh lên Pắc Bó. Những ngày qua đã được tin chắc chắn Bác thoát khỏi tù ngục của Quốc dân đảng (Trung Quốc), và đã trở về nước. Nhưng trên đường đi vẫn hồi hộp. Khi được nhìn thấy Bác (...) mới thật tin là sự thực.

Bác vẫn như xưa với bộ quần áo Chàm của đồng bào Nùng (...)

Anh Vũ Anh báo cáo về phong trào trong Liên tỉnh (...) về nghị quyết vũ trang khởi nghĩa (...) Tôi cũng báo cáo tình hình con đường Nam tiến bị gián đoạn (...) trình bày về tình hình đấu tranh chống khủng bố trong thời gian qua, cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng, cơ sở vũ trang lúc đó (...)

Bác nhận xét về nghị quyết của Liên tỉnh: “Chủ trương phát động chiến tranh du kích ở Cao – Bắc – Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa căn cứ vào tình hình cụ thể trên toàn quốc, mới chỉ thấy bộ phận mà chưa thấy toàn cục. Trong điều kiện bây giờ, nếu phát động ngay nhân dân nhất tề nổi lên đánh du kích theo quy mô và phương thức đã định trong nghị quyết, thì sẽ gặp nhiều khó khăn, có thể còn khó khăn hơn thời kỳ bị khủng bố vừa rồi. Bởi vì, các địa phương khác trong nước tuy phong trào cách mạng đang lên cao nhưng hiện chưa nơi nào có điều kiện vũ trang chiến đấu để sẵn sàng hưởng ứng. Tình hình khu căn cứ Bắc Sơn – Vũ Nhai ra sao, cũng chưa nắm được. Quân khởi nghĩa Cao – Bắc – Lạng đơn độc dấy lên, nhất định đế quốc sẽ mau chóng tập trung lực lượng đàn áp. Riêng về mặt quân sự, thì cũng không theo đúng nguyên tắc tập trung lực lượng: cán bộ, vũ khí đều phân tán, thiếu hẳn một lực lượng nòng cốt”.

Những nhận xét của Bác đã giúp chúng tôi nhìn rõ vấn đề (...)

Bác nói tiếp: “Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình phát triển đã qua, nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa chưa tới. Nếu bây giờ chúng ta vẫn chỉ hoạt động bằng hình thức chính trị thì không đủ để đẩy mạnh phong trào đi tới. Nhưng phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì quân địch sẽ tập trung đối phó (...) Phải tìm ra một hình thức thích hợp (...)”.

Bác đề ra một cách giải quyết: “Lực lượng vũ trang của ta hiện nay đã ít lại phân tán quá. Bây giờ nên tập hợp những cán bộ, chiến sĩ anh dũng nhất, những vũ khí tốt nhất, tổ chức thành một đội vũ trang tập trung để hoạt động. Ta sẽ dùng hình thức vũ trang để gây ảnh hưởng cách mạng sâu rộng trong quần chúng. Tác chiến phải nhằm gây được ảnh hưởng tốt về chính trị, qua đó mở rộng cơ sở, phát triển lực lượng vũ trang. Chúng ta sẽ lập đội Quân Giải phóng...”.

Ngay trong buổi họp, tôi được chỉ định đảm nhiệm công tác này (...)

Đêm hôm ấy, chúng tôi nằm nghe Bác nói chuyện rất khuya. Trên núi cao, cái rét của mùa đông đến sớm hơn. Trong căn lều lạnh giá, không đèn đóm, Bác và chúng tôi, mỗi người gối đầu trên một khúc gỗ cứng. Bác phác ra những nét chính về Đội Việt Nam Giải phóng quân, từ tổ chức đến phương châm hành động, và vấn đề cung cấp lương thực, đạn dược. Bác hướng dẫn cho tôi làm một bản kế hoạch. Bác dặn đi dặn lại nhiều lần: “Phải dựa vào dân, dựa chắc vào dân thì kẻ địch không thể nào tiêu diệt được. Tổ chức của Đội phải lấy chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo”. Chuyện trò hào hứng đến hai, ba giờ sáng.

Sáng hôm sau, tôi cùng anh Lê Quảng Ba lên mỏm núi sau cơ quan trao đổi làm kế hoạch. Chúng tôi thấy lúc đầu nên tổ chức ra một trung đội gồm ba tiểu đội (...) Chúng tôi trao đổi từng tên các chiến sĩ (...) Những hoạt động đầu tiên của Đội sẽ nhằm đánh vào một vài đồn địch, cướp súng đạn của giặc. Phải đánh thắng thật giòn giã để khuếch trương thanh thế (...)

Buổi chiều, cuộc họp lại tiếp tục. Chúng tôi báo cáo lại bản kế hoạch đã dự thảo. Nghe xong, Bác nói:

- Được (...) Trong vòng một tháng phải có hoạt động. Trận đầu nhất định phải thắng lợi.

(...) Bác đề nghị thêm hai chữ “tuyên truyền” vào tên Đội cho đúng với nhiệm vụ hiện tại của nó.

Chúng tôi được giao trách nhiệm (chỉ huy) 34 đội viên và cán bộ (...) (Vũ khí gồm) 2 khẩu súng thập, 17 khẩu súng trường vừa giáp năm, giáp ba, vừa khai hậu, có khẩu do Tàu chế tạo, 14 súng kíp.

Thế là Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ra đời.


(Hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006)