Xuân Diệu không chỉ nói, mà hăng hái “nêu gương”: đọc những dòng tình tứ, đầy đam mê trong “Đứng chờ em”, “Dấu nằm” v.v., ai ngờ tác giả thơ đã ngoại lục tuần! Nhớ “Ẩm tửu khán mẫu đơn” của Lưu Vũ Tích. Nhà thơ Trung Quốc đời Đường ấy ngắm hoa đẹp cao hứng uống hơi nhiều rượu, rồi ngại hoa lên tiếng bảo “Không nở cho người già”. Thiết tưởng nghệ sĩ già nên như Xuân Diệu, chớ ngại. Mình yêu hoa, bất kể hoa gì, là vì nghệ thuật. Yêu để có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mà sáng tạo cho thành công. Yêu hoa vì thơ vì tranh vì nhạc... Còn hoa có yêu được mình hay không là chuyện khác. “Đẩy lùi được sự tàn phai và chọc thủng được sự bao vây của tạo vật”... Phát biểu sôi nổi quá. Không chỉ trong thơ mà ngay cả trong tâm sự về làm thơ, Xuân Diệu cũng nêu gương! (Thu Tứ)



Xuân Diệu, “Cảm xúc phải trẻ luôn luôn”




Cảm xúc của nhà thơ thì nhất định không được già mà phải trẻ luôn luôn. Cái trẻ luôn luôn của cảm xúc, của yêu thương, chính là lực của sự (sáng tác) đó...

(...) xúc cảm gắn liền (...) với cơ thể; bởi vậy nên phải đề phòng với tuổi tác, và bởi vậy nhà thơ phải chăm sóc cho sự nhạy bén lâu dài của xúc cảm ngay trong khi nó hãy còn tràn đầy (...) nhà thơ có thể vô tâm với sức xúc cảm của mình được sao? Cứ để cho nó tự nhiên nhi nhiên sớm nở tối tàn hay sao? (...)

Nhà thơ nhận thức được, tự giác được về sức trẻ của (thơ) mình, thì có thể đẩy lùi được sự tàn phai và chọc thủng được sự bao vây của tạo vật.

Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non,
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo,
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu,
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu.


... Nhà thơ đừng đứng yên chỗ để bị động với tuổi mà phải tìm chỗ đứng di động thế nào để cho sự vật lồ lộ cái góc độ nào có lợi nhất, trẻ nhất, đẹp nhất của nó.


(Trong
Các nhà văn nói về văn, nxb. Tác Phẩm Mới, 1985)