Rút cuộc, tại sao giặc mạnh cách mạng yếu, theo giặc thì an toàn theo cách mạng thì nguy hiểm, mà dân vẫn tiếp tục ủng hộ cách mạng?

Vì dân thấy rõ giặc ưu đãi số ít tay sai chứ không thực bụng lo cho tất cả, trong khi cách mạng hứa hẹn sẽ vì toàn dân. Chỉ mới nghe hứa mà tin, tin đến nỗi bỏ làng bản gia đình vợ con đi theo cách mạng, ấy bởi “những người hứa” đã và đang tiếp tục nêu cao gương hy sinh.

“Lửa thử vàng”, tốt quá. Nhưng biết vàng rồi phải làm sao, chứ cứ để cho giặc tha hồ uy hiếp mãi thì uổng vàng...

Lựu đạn hỏng đeo làm gì nhỉ? Ấy, ai biết rằng hỏng, cứ trông thấy đeo là nể.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Những ngày thử thách” (2)



Năm 1943 (...) Cao – Bắc – Lạng từ trước đến nay vẫn bị bọn đế quốc đặc biệt chú ý (...)

Cuộc khủng bố lan rất nhanh (...) Khác với lần trước, địch chỉ hăm dọa và dụ dỗ những người hoạt động ra đầu thú, lần này chúng kết hợp dụ dỗ với đàn áp dữ dội (...)

Quang cảnh điêu tàn hiện ra trên khắp dọc đường (...) ở tất cả các nơi có phong trào cách mạng, cuộc khủng bố của quân địch đều diễn ra tàn khốc (...) Địch bêu đầu những người cách mạng (...)

Một hôm, các đồng chí đi công tác về nói, bà con ở dưới làng thắc mắc không hiểu ai đi lại trên đỉnh núi mà nhìn thấy rõ một vệt đường giữa đám cỏ gianh. Ngọn núi bà con nói, chính là nơi cơ quan đóng. Thời gian qua, anh em chúng tôi đi lại nhiều nên cỏ gianh đã bị xéo nát thành đường; chúng tôi chỉ xuống làng ban đêm, trời chưa sáng đã về náu trong lán, nên không ai biết. Ngay ngày hôm sau, cơ quan phải dời sang một ngọn núi khác cách xa hẳn chỗ cũ.

Lần này (...) Chúng tôi ở tại một miếng đất bằng, kín đáo, nằm cạnh đỉnh một thác nước. Muốn vào cơ quan phải đi dọc mãi theo một con suối. Các cán bộ đi lại không được dùng giầy và gậy. Trong khi đi dọc suối trở về cơ quan, phải tránh đặt chân trên những hòn đá có rêu, vì qua những chỗ đá bị mất rêu, địch có thể biết nơi này thường vẫn có người qua lại. Đến đoạn đường cuối cùng, trước khi vào cơ quan, tuyệt đối không ai được đi trên đất khô ở hai bên, mặc dầu trời giá lạnh thế nào cũng cứ phải lội ngược giữa thác nước để vào nhà. Mỗi lần ra vào cơ quan, quần áo đều bị ướt hết (...)

Số đồng chí “đi bí mật” tăng lên khá nhanh (...) Liên tỉnh ủy ra chỉ thị dùng hình thức “tiểu tổ bí mật” (...) Mỗi tiểu tổ bí mật có một cơ quan riêng, tức là một chiếc lán náu kín trong rừng sâu hay trên đỉnh núi. Từng nơi đều tích trữ lương thực (...) Ban ngày, học tập chính trị, quân sự và tăng gia sản xuất. Bữa cơm chiều thường ăn sớm vào khoảng bốn giờ. Mặt trời lặn khỏi đầu núi là những “người bí mật” rời cơ quan vượt qua những đoạn đường rừng hiểm trở, đi tới những địa điểm đã hẹn trước (...) Mặc dầu địch bắn giết, đốt phá, dồn làng, vây lũy, canh gác, giới nghiêm, các đồng chí ở dưới làng vẫn không quản hiểm nghèo, không sợ hy sinh tính mệnh, đêm đêm vẫn ra báo cáo tình hình, mang theo lương thực cho các đồng chí hoạt động bí mật và để nhận những chỉ thị của cấp trên. Trời khuya, các đồng chí trong làng trở về. Những “người bí mật” ngả mình bên dòng suối hay trên bờ ruộng chợp mắt một lúc, trời tảng rạng là trở về cơ quan. Phải làm sao vào rừng trước khi tan sương mới khỏi bị phê bình và không để ảnh hưởng tới bà con trong làng (...)

Đế quốc đã nhận thấy phải tìm mọi cách để tiêu diệt những người cách mạng đang bí mật hoạt động, lãnh đạo nhân dân chống lại chúng. Chúng đóng một loạt đồn trại khắp nơi, bao vây lấy những dãy núi hiểm yếu (...)

Địch treo giải thưởng rất to cho những kẻ đi lấy đầu những người hoạt động bí mật (...) Từ chưa tan sương, những tên tuần tổng gian ác đã có mặt ở quanh làng. Chúng lần mò khắp bờ bụi, đường ngang, lối tắt, cố tìm ra vài lỗ gậy bên bờ ruộng, hoặc một vết chân trên hòn đá rêu phủ (...)

Các cuộc “sao đông” (lùng rừng) bắt đầu (...) Những ngày nắng hạ, chúng đốt cháy từng khu rừng. Chỉ cần chúng tìm thấy một vài cái lán bí mật không có người trong rừng là các làng gần đấy có thể bị triệt hạ (...) Phong trào quần chúng lại tạm thời bị thu hẹp (...)

Bà mẹ đồng chí Hoan trỏ cụm lúa nếp để trên gác bếp, nói:

- Bây giờ Hoan đã mất, mùa màng lại kém, nhưng mẹ vẫn để dành thóc nếp cho các con đấy, cứ chờ đợi du kích mãi. Các con cố gắng giết sạch bọn Tây, bọn Nhật thời người Mán mới sống được.

Kết quả của cuộc đại khủng bố của quân địch là như vậy. Càng ra tay tàn sát, địch càng khơi sâu thêm trong nhân dân mối hận thù, thúc đẩy mọi người quyết tâm đứng lên chiến đấu tiêu diệt bọn chúng để tìm lấy con đường sống (...)

Địch khủng bố càng mạnh, số đồng chí “đi bí mật” càng nhiều.

Việc kiếm lương thực cho một số người khá đông như vậy từ tháng này qua tháng khác, trở nên rất khó khăn. Bọn địch biết rõ những người hoạt động bí mật ẩn náu trên rừng núi, sống dựa chủ yếu vào nguồn lương thực trong các làng. Chúng ra lệnh cấm ngặt không ai được mang một chút thóc gạo, ngũ cốc ra khỏi làng. Có những bà con đã nghĩ ra cách, khi gặt đập lúa xong thì để lại một ít ngay tại ruộng. Chúng tôi lượm về, giã giập vỏ ngoài, sàng qua trấu, đem nấu, hạt cơm cứng và khô như rang. Từ ngày có một bà gánh gạo ra chợ bán và một chị đem thóc giống đi ngâm bị chúng bắn chết ngay tại chỗ, nhiều bà con hoảng sợ (...)

Có tháng chỉ ăn toàn cháo bắp. Một thời gian dài thức ăn hầu như chỉ có chuối rừng. Được cái chuối rừng ở đây rất nhiều. Chặt cây chuối về, bóc lần vỏ ngoài lấy nõn trắng bên trong, rút hết xơ, thái nhỏ, bỏ lên chảo cho chút nước và muối, nấu chín là xong. Thỉnh thoảng để cho khác vị, các đồng chí lấy hoa chuối về thái nhỏ, bóp muối rồi bỏ vào ống nứa đem nướng cho hoa chuối có thêm mùi vị của nứa (...) Nước uống thì nấu với lá cây gò vàng, uống đăng đắng, nhưng các đồng chí địa phương bảo lá cây này bổ máu. Ăn uống như vậy một thời gian, nhiều khi leo núi thấy đầu gối bủn rủn. Nhiều đồng chí ốm. Những bệnh phổ biến là lên ban và sốt nóng. Một buổi sáng có con tê tê chui vào nằm ngay sau lán. Một đồng chí reo lên “Thuốc đây rồi!” và cầm khúc gỗ đập mạnh vào lưng nó. Con vật cuộn tròn ngay lại, bị anh em tóm luôn. Lâu lắm, bữa ăn của cơ quan lại mới có chút thịt. Ăn xong bữa, chúng tôi đều cảm thấy như người khỏe lên.

Xuống làng gặp quần chúng rất khó khăn (...) một số đồng chí bắt đầu chán nản và e ngại (...) Tôi nói:

- Chính trong lúc này chúng ta lại càng phải bám chắc lấy cơ sở. Nếu phó mặc quần chúng cho kẻ địch, chỉ ngồi ở đây giữ bí mật thì cơ sở sẽ hẹp dần lại, quần chúng sẽ bị địch lung lạc, rồi ra cơ quan bí mật cũng sẽ khó tồn tại. Dù khó khăn đến đâu, vẫn phải giữ vững cơ sở quần chúng. Cuộc khủng bố của địch là ngọn lửa thử vàng để chúng ta thấy được những người thực sự là trung kiên đối với cách mạng (...)

Chúng tôi lại chia nhau đi các địa phương. Mỗi người một túi lương khô, một ống muối nhỏ, đứng đợi gần các nương lúa, nương ngô, hoặc trên những đoạn đường đi tới chợ, đón các hội viên, các đồng bào tốt. Chúng tôi nói với đồng bào, làm cách mạng thì nhất định kẻ địch phải khủng bố, địch khủng bố điên cuồng là vì chúng thấy phong trào cách mạng lên mạnh, chúng sợ, nhưng khủng bố của kẻ địch nhất định không thể nào cản được cách mạng (...) chúng tôi hướng dẫn cho đồng bào tiếp tục công việc của hội. Mỗi lần về gặp lại nhau báo cáo tình hình và thảo luận công tác, có khi vắng đi một vài đồng chí. Thường thường những đồng chí đến hẹn mà không thấy về là đã hy sinh (...)

Một bữa, anh em trong cơ quan đi công tác gần hết, ở nhà chỉ còn có anh Thiết Hùng và tôi (...) Bỗng tôi nhận thấy đám cỏ gianh trên quả núi ngay trước mặt bị lay động. Rồi tôi nhìn thấy hai con gấu đen. Có lẽ là một con gấu mẹ và một con gấu con, con lớn đi trước, con nhỏ theo sau. Chúng có thể đi sang đây. Cơ quan chỉ có mỗi khẩu súng lục của anh Thiết Hùng và quả lựu đạn của tôi. Quả lựu đạn của tôi là một quả lựu đạn hỏng, còn khẩu súng của anh Thiết Hùng bắn chưa chắc đã nổ. Biết loài thú đi với con thường rất dữ, chúng tôi bàn nhau, tốt nhất là trèo lên cây. Thế là hai người cùng leo vội lên một cây cao ở gần lán ngồi nhìn (...)

Với tinh thần dũng cảm kiên trì của các đồng chí trong các tiểu tổ, những đường dây liên lạc với các cơ sở lần lần được nối lại. Phong trào dần dần phục hồi với một khí thế mới. Cuộc khủng bố của đế quốc đã thu hẹp cơ sở cách mạng, nhưng những cơ sở của cách mạng vẫn tồn tại qua cuộc đấu tranh, rắn chắc lên rất nhiều (...)

Phong trào lên, tình hình sinh hoạt cơ quan cũng được cải thiện. Đã bắt đầu có gạo ăn. Thức ăn vẫn là hoa chuối, nõn chuối, nhưng đã có tí mỡ.


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. Lược trích tr. 63-75, nhan đề tạm đặt.)