Về vai trò của các làng Chàm, để ý người Chàm xưa nổi tiếng hay múa hát nhưng múa hát của họ chủ yếu chứa nội dung tôn giáo, trong khi quan họ thuần túy đời. Hơn nữa, quan họ cơ bản chỉ hát mà không múa... Quan họ ở làng Chàm chắc đúng là “quan họ muộn”. Hẳn những di dân Chàm đã giúp quan họ thêm phong phú chứ không phải giúp quan họ ra đời. (Thu Tứ)



Đặng Văn Lung v.v., “Vai trò của nguồn gốc làng”




Cho đến cuối thế kỷ 18, trên đất Hà Bắc đã có đến gần một nghìn làng. Lịch sử phát triển của nông nghiệp và lịch sử các làng xã chứng tỏ rằng các làng xã đó không ra đời giống nhau.

Loại đầu tiên cần nói đến là loại làng có nguồn gốc từ thời nguyên thủy. Nếu chúng ta phân tích phong tục tập quán trong các làng, tìm hiểu các di tích khảo cổ học đã phát hiện, thì chúng ta thấy rằng loại làng này không phải ít. Việc phát hiện những di chỉ khảo cổ học có niên đại kế tiếp nhau ở ngay trong làng, hoặc ngay cạnh làng quan họ, chứng tỏ rằng sự phát triển của xã hội ở Hà Bắc không tạo ra một giai đoạn phá vỡ hoàn toàn các làng xã nguyên thủy, để rồi đến một lúc khác, thành lập lại trên những cơ sở xã hội mới. Các làng xã gốc này do đó vẫn mang nặng những tàn dư nguyên thủy với bộ phận ruộng đất công mà nhân dân còn gọi là ruộng “quan điền”, ruộng “lan điền”, hoặc “ruộng Bà Chúa”, “ruộng Vua Bà”. Các làng gốc ấy là những cái mẫu để thành lập các làng xã sau này, và trong chừng mực nhất định, có thể nói, đó là những làng quan họ hết sức cổ, hiện ta chỉ có thể biết điều này qua những dấu tích, tên đất, tên làng...

Cũng có nhiều làng xã khác hình thành theo những lối khác, hoặc liên quan đến một dòng họ (như các làng Đào Xá, Dương Ổ, Đặng Xá...), hoặc liên quan đến một số dòng họ từ những nơi khác đến khai phá lập ấp (như Khả Lễ, Trùng Minh, Phật Tích), hay là đồn điền của nhà nước (như Vườn Hồng, Kẻ Cảm) v.v. Những làng này được thành lập theo kiểu các làng cổ, kết nghĩa với các làng cổ, lấy một bộ phận quan trọng trong ruộng đất vừa khai phá đặt làm “quan điền” (“lan điền”), song cũng chịu sự chi phối của những quan hệ xã hội ở những thời điểm ra đời. Do đó những làng này mách ta một lớp quan họ mới hơn.

Cuối cùng, chúng ta có thể đặt thêm một loạt làng có nguồn gốc khác nữa là những làng do nhà nước chủ trì việc phá hoang lập ấp (như Bịu Sim, Lẫm), trong số này có không ít những làng Chàm, và những làng ấy cũng được tiếng là những làng quan họ gốc. Tuy nhiên, xét kỹ, ta sẽ thấy ở đây có một dạng quan họ muộn.

Nguồn gốc khác nhau của làng xã có ý nghĩa quan trọng trong việc ảnh hưởng (đến) truyền thống văn hóa (của) làng xã gốc, do đó dần dần làm biến chất sinh hoạt văn hóa địa phương cổ truyền, tạo nên một sự giao lưu mạnh mẽ với văn hóa các vùng khác, các dân tộc khác (...)


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tr. 25-26)