Nhớ “… Bao đồng chí của ta bay đã giết / Chặt đầu cắm cọc phơi khô / Chị em ta, bay căng thịt lõa lồ / Con em ta bay quẳng chân vào lửa…” (Tố Hữu), “… Mẹ tôi, em có gặp đâu không / Bao xác già nua ngập cánh đồng / Tôi nhớ một thằng con bé nhỏ / Bao nhiêu rồi xác trẻ trôi sông...” (Quang Dũng), “… Thân ta hoen ố vì mày / Hồn ta cùng với đất này dài lâu...” (Hoàng Cầm) v.v. Những vần thơ ấy không phải từ trên trời rơi xuống, mà đã bay lên từ không biết bao nhiêu cảnh địa ngục xảy ra trên khắp quê hương một thời. Đây vài “thành tích” được ghi chép chắc chắn: “Nghe tiếng súng bắn dữ dội và tiếng giày đinh nện rầm rập, tôi vội chạy lên gác hai trông xuống thì thấy lính Tây đầy đường. Hễ nhìn thấy bóng người là chúng xả súng. Có em bé 3 tuổi bị chúng xọc lưỡi lê xuyên qua bụng, có cụ già bị chúng bắn vỡ đầu chết gục ngay giữa cửa...” (Thảm sát Hàng Bún - Yên Ninh, Hà Nội, ngày 17-12-1946), “Năm giờ sáng, chúng xông vào làng (…) trong gần ba tiếng đồng hồ, đốt phá nhà cửa, hãm hiếp phụ nữ, bắn giết bừa bãi (…) Nhiều trẻ em bị xé xác (…) cả đứa bé chưa đầy tháng tuổi” (Thảm sát Mỹ Trạch, Quảng Bình, ngày 29-11-1947), “Bót bến đò (…) Trong số lính Pháp, nổi cộm nhất là một tên có biệt danh “Tây Búa” do trong người lúc nào cũng có lận một cây búa nhỏ. Ông Tốt là người dân đầu tiên bị Tây Búa chặt đầu, xẻ thịt, bắt dân và ghe buôn phải mua với giá cái đầu là 50 đồng bạc Đông Dương, mỗi xâu thịt một ký giá 5 đồng. Đồng bào đành mua rồi đem đi chôn” (Tội ác ở bến đò Phú Mỹ, Tiền Giang, 1945-1947). Chợt nghĩ đến tài trợ của cựu thù. Nhận tiền dễ sinh nể kẻ cho tiền. Nếu mỗi người nể một tí, mỗi lần nể một tí, thì sự thực lịch sử từ đen thui sẽ dần hóa xám, rồi xam xám, rồi có khi trắng! Ta không nên để “ma” ám ảnh. Nhưng ta cũng không được quên “ma”. (Thu Tứ)



“Một chuyến đò xuôi”

Lê Vĩnh Hòa




Con sông Trèm Trẹm buổi chiều vắng lạnh, mặt nước phẳng lì, in đậm bóng dừa nước nối tiếp nhau đi xa, xa mãi.

Phía trước mặt, chỗ khúc sông cong, đôi mái nhà thấp xam xám, một hàng dừa cao, thưa thớt vạch mấy nét chấm phá đơn sơ trên bức tranh hoang vắng tiêu điều.

Nước sông ửng hồng. Má người con gái chèo đò cũng hây hồng. Thân hình đều đặn uyển chuyển theo bước chân nhịp nhàng và đôi bàn tay rắn chắc...

Chiếc tam bản chậm lần, quay mũi vô con kinh nhỏ xíu, dài thăm thẳm.

- Kinh gì đây cô?

- Đây là kinh Dê-rô đó cậu à.

Ông già cũng ngặt. Người ta hỏi con gái ổng mà cơn cớ gì ổng ra miệng trả lời làm chi không biết. Già không chèo thì ngồi làm thinh luôn cho khỏi mệt.

Chiếc ghe lắc lư... lắc lư... Cô gái lột chèo ra chống. Nước ngầu đỏ. Hai bên bờ xơ xác tràm khô, choại héo.

Bóng chiều ngả xuống sắc tím âm u. Nước đổi màu đen thẫm. Đường kinh hun hút xa xôi, như đường về địa ngục.

*

- Cũng đã nửa đêm rồi phải không cô?

- Dạ chắc cỡ chín, mười giờ thôi. Tại ở miệt rừng coi vắng.

Dữ hông! Hồi chiều tới giờ mới chịu mở miệng, giọng thanh tao nghe ngọt xớt. Chắc lão già ngủ kỹ rồi mới không trả lời thế cho nữa. Tôi hỏi tới:

- Ở đây mà đi một mình, chắc không dám?

- Dạ đi qua lại quen rồi. Không thấy có gì, nên cũng không sợ.

- Chống mỏi không cô?

- Cũng không mỏi lắm. Gần ra tới sông rồi.

- Sông gì?

- Sông Khánh Lâm.

Cô gái bắt đầu gài quai chèo, ghe lắc mạnh. Ông già phía sau cựa mình, ú ớ giọng ngái ngủ:

- Tới sông rồi hả con?

- Dạ.

- Nước ròng hay lớn?

- Dạ ròng.

- Tới chỗ nền nhà cũ ghé đậu lại nghỉ một chút, chờ nước lớn hẵng đi.

Im lặng. Trăng hạ tuần nhú lên bên kia rừng. Cảnh vật bàng bạc. Hơi sương mờ mờ ảm đạm. Tôi chắc lưỡi, se sẽ ngâm:

“Buồn tình nỗi khổ nào ai thấu?
Cô đơn lạnh lẽo lúc trăng lên!”.

- Thơ gì đó cậu?

- Dạ thơ ma trong truyện Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh đó đa bác.

Ông già cười khan:

- Ma à? Ở nền nhà cũ mình tính nghỉ cũng có ma nữa.

- Vậy sao bác ghé đó chi? Kiếm chỗ khác nghỉ không được sao?

- À cái đó là ma hồi xưa, hồi còn giặc.

- Ma ra sao bác?

Ông già nín thinh. Thiệt kỳ! Hồi mình không muốn ông nói, ông cứ ra miệng hoài, bây giờ ông lại huỡn đãi, chậm rù, bắt bực mình.

Ông ngỏng cổ lên như đợi một cái gì rồi cất tiếng reo nhỏ:

- Tới kia rồi.

- Cái gì tới bác?

- Nền nhà cũ.

Tam bản ghé gần bờ. Ông già ra trước mũi cắm sào, chậm rãi ngồi xuống vấn thuốc hút phà phà. Người con gái khoát nước rửa mặt. Mặt sông gờn gợn ánh vàng, bí hiểm, mơ mộng. Hơi nước bốc lên mờ mờ.

Ông già cất tiếng:

- Nguyên chỗ này hồi đó có một ngôi nhà. Nhà ngói nền đúc hẳn hoi. Nền chỗ đen đen hơi cao lên đó.

Theo ngón tay chỉ, tôi chỉ thấy um tùm cây cỏ. Phía trước có mấy cây dừa lão cao lêu nghêu, trụi lá, mất củ hũ như những người cụt đầu.

- Rồi sao nữa bác?

- Rồi chiến tranh nổi lên. Vài năm sau, nhà này bị trúng bom, vợ chồng con cái chết sạch. Ít tháng sau, có một gia đình đâu từ miệt Sóc Trăng tản cư xuống ở. Có một bà già, một cô chừng hăm ngoài, một đứa con nhỏ. Sẵn cây cháy, sẵn nền, họ kiếm lá che một cái tum nhỏ ở tạm. Nhưng chỉ được vài tháng thì làng này bị bố. Lính Pháp kéo đến chòi, bắn bà già chết, kéo chị nọ đi. Chị ôm cứng con trong tay, một thằng rút bả-don-nết lụi đứa nhỏ rồi giựt quăng vô cái chòi đương phựt lửa. Chị nọ kêu lên được có một tiếng “con ơi” là ngất xỉu, bị bọn lính thay phiên làm nhơ nhuốc.

Chiều, Tây rút đi. Bà con lối xóm tới thấy hai bà cháu đen đúa như hai khúc than còn bốc khói. Người thiếu phụ nằm thiêm thiếp trước sân, áo quần rách nát. Bà con ráp nhau chở chị ra chợ Thới Bình cho trạm cứu thương cấp cứu.

Nửa đêm hôm đó, chị sực tỉnh, mở mắt ngơ ngác hỏi:

- Con tôi đâu? Con tôi đâu rồi?

Bỗng chị rú lên kinh khủng:

- Máu! Trời ơi! Máu!

Rồi chị ôm mặt khóc nức nở:

- Con ơi! Con bỏ má con đi đâu? Bây ơi, bây ác quá! Tao làm sao sống nổi! Má ơi! Anh ơi!

Mấy người xúm lại, tính khuyên can, nhưng thình lình chị nhảy dựng lên, con mắt đảo ngược, một tay chống nạnh, một tay xỉ vào mặt mọi người, la lên như hát bội:

- Xê mi ra! À ta dư biết mi rồi! Mi bắn má ta, mi đâm con ta, mi... Ờ... ờ... mà... (chị bỏ qua giọng ca) Hôm nay mối thù trả xong... Lưỡi gươm đẫm máu... tang tính tình tang tính tình...

Chị vụt cười, cười giòn tan, nghe bắt rởn óc. Chị đã hóa điên. Điên rất nặng, không phương cứu chữa. Ai cũng lắc đầu, ứa nước mắt. Ba hôm sau, giữa đêm khuya, thừa lúc mọi người ngủ say, chị lẻn trốn đi mất. Có lẽ chị trở về nền nhà cũ tìm xác đứa con...

Xóm đó nhà cửa phần trúng bom phần bị lính bố đốt, dân bỏ đi sạch trơn, trở thành chỗ hoang vu, vắng vẻ. Ban đêm chó hoang tru, chim từ quy “rượu thịt” chim ụt chim cú kêu bắt rùng mình...

Đặc biệt, đêm đêm, nhứt là những đêm trăng mờ, ở tận xa người ta nghe rõ từ xóm vắng nổi lên những tiếng hú não nùng kéo dài thê thảm.

Ghe thương hồ qua lại quả quyết thấy trên nền gạch đó có một bóng ma, xõa tóc ngồi kêu khóc than vãn, có khi nói cười sằng sặc, chửi bới lung tung, có khi hát đưa võng ru con...

Ông già nín lặng. Tôi nghe xót thương tràn lên mi mắt.

- Chắc cậu dư biết con ma đó là ai rồi?

- Dạ.

Một con chim kêu mấy tiếng khắc khoải, lạc loài, chìm lặng trong sương... Lâu lắm, tôi vẫn còn ngồi nhìn sững những mô đất nhấp nhô trên bờ...

Tiếng người con gái trong trẻo cất lên:

- Nước lớn rồi.

Chiếc ghe lại tiếp tục trườn trên dòng sông đen thẫm lờ đờ hơi khói.


Sóc Trăng 9-1956