Đất nước như mẹ, dân như con. Con đối với mẹ, có yêu và hiếu. Người tham gia kháng chiến yêu Mẹ và có hiếu với Mẹ. Phạm Duy cũng yêu Mẹ, nhưng về hiếu thì… Nếu đa số người Việt Nam đã như Phạm Duy thì Mẹ vẫn còn tủi nhục! (TT)



Phạm Duy qua Hoàng Cầm




Người trẻ tuổi đãng tử ấy đi phơi phới trong màu xanh núi rừng Việt Bắc (...) Với cái ca-lô vàng xỉn đội lệch, dáng vẻ lẳng lơ, và cái ba-lô con cóc, đôi giày ba-ta đã hơi hơi há mõm, trông đúng cậu công tử Hà Nội nghèo, vì thích ca hát, mê đời tự do, bỏ nhà đi hát rong. Anh chàng hát rong dễ dàng hòa nhập với những ngày tháng đầu tiên – còn rất lãng mạn – của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (...)

Vào một buổi chiều cuối thu 1947, trên đường đê sông máng đi từ đập Thác Huống (...) có ba người (...) ngơ ngác hỏi thăm chỗ đóng quân của đội văn nghệ tuyên truyền khu 12. Đó là các anh Phạm Duy, Ngọc Bích và Ngọc Hiền (...)

Mười ba tháng sát cánh bên nhau (...)

Đóng quân ở đâu độ bốn năm ngày là anh đã sốt ruột rồi, lúc nào anh cũng ham cảnh vui, người lạ, những cuộc “kỳ ngộ” trên đường rừng (...)

Tôi thường chiều ý Phạm Duy, vì biết hễ cứ xê dịch luôn có cảnh đẹp lạ mắt, có những cô gái xinh tươi thì thế nào anh cũng bật ra được những giai điệu say mê, trữ tình, mặc dầu đề tài nhiều bài ca nổi tiếng của anh không phải là chuyện tình nam nữ (...) xa cách nhớ nhung, thở ngắn than dài như một số ca khúc trước cách mạng (...) Có thể nói chúng tôi đi không biết mỏi. Ngày đi, tối biểu diễn, có khi trên sàn nhà đồng bào Tày, có khi đốt lửa trong hang đá lạnh thấu xương hát cho tiểu đoàn của anh Thế Dũng vừa thắng trận Bông Lau trở về (...)

Phạm Duy mê man đi, vừa đi vừa lẩm nhẩm thầm thì sáng tác (...) bắt được một giai điệu đẹp, tha thiết, là anh ngồi ngay xuống tảng đá bên đường, lấy bút giấy ra ghi (...)

Chúng tôi (...) phân công nhau dạy hát (cho bộ đội) và cả nữ dân quân, dân công tải đạn, cáng thương bệnh binh. Gì chứ về cái công việc đi sâu đi sát vào đời sống chiến sĩ này thì Phạm Duy hăng hái, sôi nổi nhiệt tình số một (...) bất cứ ở đâu có nhiều chị em, thể nào Duy cũng thì thầm (...) cô kia có đôi mắt đẹp quá, chị này thật lẳng lơ, cô nọ sao lại có nụ cười quyến rũ thế kia (...)

Tôi nhớ mãi một chuyện ở phiên chợ Bó Tuổng, dưới chân đèo Đồng Mỏ. Có ba chị em người Nùng thấy Phạm Duy ngồi ở một cái quán nước tay đàn miệng hát, thế là các cô xán đến, rất bạo dạn, kéo vai áo anh nhạc sĩ đẹp trai này và ân cần, nài nỉ mời anh và cả “đồng chí chỉ huy nữa vớ!” về nhà chúng em chơi đi, gần đây thôi vớ, đàn hát cả đêm nay đi, hay lắm vớ, pì noọng chúng em thích bộ đội đàn hát lắm đấy mà! Phạm Duy nháy mắt với tôi (...) Tôi phân vân do dự, bối rối vô cùng. Ngày hôm ấy chúng tôi còn phải đi gần 20 cây số nữa đến điểm hẹn biểu diễn phục vụ một trung đoàn (...) đang chuẩn bị (...) đánh lớn dọc quốc lộ số 4 (...) Hồi đó tuy quân phong quân kỷ còn sơ sài, kỷ luật cũng chưa chặt chẽ lắm, nhưng tôi rất lo trách nhiệm của mình (...) Phạm Duy cứ thuyết phục năm lần bảy lượt (...) “Bộ đội vẫn ở đấy, không xem hôm nay thì mai, có sao đâu. Chứ đã lên đây, không ở chơi với gia đình đồng bào Tày Nùng lấy một ngày, với ba cô bé xinh đẹp của xứ Lạng thế này, tao thấy tiếc, tiếc lắm. Đồng ý đi mày, mai anh Ba có phàn nàn gì, mày cứ bảo tao bị sốt rét dọc đường, là được” (...) Rồi (...) chín, mười cô và dễ thường đến một nửa cái chợ Bó Tuổng ấy mỗi lúc một xúm đông quanh chúng tôi (...) Hầu hết anh chị em trong đội của tôi đều tán đồng ý kiến (của Phạm Duy) (...) Cuối cùng tôi cũng đành nhượng bộ (...) Sáng hôm sau, lúc chia tay với gia đình ấy trông Duy ỉu xìu; dùng dằng mãi không quàng nổi cái dây đàn lên cổ (...) (Nhưng) sầu li biệt (với Duy) nó cũng nhẹ thoảng qua thôi (...) Khi ra đến mặt đường tỉnh từ Đồng Mỏ lên Phố Bình Gia, Phạm Duy lại phơi phới (...) vẫn nhẹ tễnh cái hồn say sông núi, cỏ cây xứ Lạng (...) Mới biết về chuyện ân tình nam nữ thì Phạm Duy (...) như gió thoảng qua trên hoa lá, lẳng lơ tình tứ đấy mà quên ngay đấy (...)

Đến khi cuộc sống kháng chiến đi vào chiều sâu thì anh đã không còn ở bên tôi nữa (...)


(Trích
Hoàng Cầm – Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2002)