Chiến thắng lớn bao giờ cũng do rất nhiều người. Nhưng có lẽ gần như bao giờ trong đó cũng có một số rất ít người không thể thay thế bằng ai khác được.

Nếu ngày ấy giặc đã dò theo dấu gậy, hay một tên giặc đứng dưới đã tình cờ nhìn lên “quả đồi trọc” trước khi những người đứng trên nhìn xuống, hay bên “tôi” đã có kẻ làm phản, hay những con vi trùng bệnh sốt rét đã tấn công ác liệt hơn...

Nếu quyền tổng chỉ huy quân kháng chiến đã không được trao cho “tôi”...

Cái buổi “bò, trườn” trên đồi tranh hình như trong năm 1942. Hơn hai năm nữa “tôi” mới bắt đầu tổng chỉ huy 3 tiểu đội. Không tới mười năm sau đó, có tên tướng giặc kiêu ngạo kia phải xin hàng.

(Thu Tứ)



Võ Nguyên Giáp, “Những ngày thử thách” (1)



Hôm đó, người tôi gây gây rét, đang gượng ngồi lên lớp cho anh chị em ở gần bản Nà Dú, thì một đồng chí hớt hải đến nói:

- Tây đưa lính về rất đông để bắt cán bộ (...)

Nhìn con suối từ phía làng sang, thấy nước lên to vì trời mưa liền mấy hôm, biết bọn địch chưa thể đến ngay được, tôi nói với anh chị em:

- Ta cứ bình tĩnh ngồi đây một lúc nữa nghe giảng cho hết bài. Chưa việc gì đâu!

(...) Khi đồng chí Lạc và đồng chí Khánh đưa chúng tôi ra đi thì anh Thiết Hùng và tôi đều lên cơn sốt.

Tin từ dưới làng đưa lên, bọn địch đang lùng sục ráo riết. Chúng tôi đi về hướng núi. Lúc này càng thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở trên vùng cao.

Chập tối, đến nhà đồng chí Thượng, một hội viên trung kiên người Mán (...) Thấy ở đây gần địch quá, không lợi, hôm sau chúng tôi (...) đi quành sang xã Cẩm Lý. Bà con ở Cẩm Lý đã biết tin địch đang khủng bố (...) Có người đến nói: “Cùng một bụng với nhau cả thôi, nhưng bây giờ đang lúc “nóng” như thế này, các đồng chí hãy lánh đi nơi khác. Khi nào bớt “nóng” chúng ta sẽ lại tiếp tục việc hội”.

(...) Buổi chiều, bỗng thấy mấy đồng chí người Tày ở Kim Mã tìm lên. Các đồng chí tới hỏi ý kiến về cách đối phó với địch. Khi lánh lên đây, chúng tôi không nói với ai. Cẩm Lý nằm cũng khá xa lớp huấn luyện. Tôi hỏi:

- Tại sao các đồng chí lại biết chúng tôi ở đây mà tìm tới?

Một đồng chí nói:

- Khó gì đâu. Chúng tôi đến lớp huấn luyện thấy không còn ai, biết là các đồng chí đi rồi. Chúng tôi bảo nhau cứ dò dấu gậy mà đi theo, thể nào cũng gặp các đồng chí. Thế là chúng tôi đến được đây.

Tôi thoáng nghĩ: thật là nguy hiểm, nếu kẻ địch từ ngày hôm qua cũng biết tìm chúng tôi theo dấu gậy...

Nhận thấy không nên ở lại Cẩm Lý, chúng tôi bàn bạc với đồng bào về cách đối phó với địch, và nói chúng tôi tạm lánh ra ngoài một thời gian rồi sẽ trở lại.

(...) Suốt đêm, mưa tầm tã. Các đồng chí Lạc và Khánh đều không nắm vững đường, chỉ đoán chừng phương hướng, nơi nào rậm rạp thì đánh dao phát mở đường mà đi. Hết núi lại khe, hết khe lại núi. Cơn sốt đêm nay xem chừng nặng hơn. Nhiều quãng anh em phải dìu chúng tôi lên dốc.

Hết đêm, cảm thấy đi đã được khá xa. Trời sáng, chúng tôi nhận ra đang đi trên một quả đồi gianh. Bốn chung quanh là biển sương mù dày đặc. Có ánh sáng, đường đi dễ hơn, nhưng anh Thiết Hùng và tôi đều đã mệt lắm. Chúng tôi bàn cùng các đồng chí đi lát nữa, tìm được khu rừng kín đáo nào, sẽ nghỉ chân. Đi mãi vẫn là đồi gianh. Sương mù vẫn trắng xóa, chẳng biết đâu là đồi, đâu là rừng. Trời mỗi lúc một oi ả. Quá nửa buổi, sương bỗng tan rất nhanh, trời hửng nắng. Chúng tôi nhìn sang bên phải, chợt nhận thấy đang ở lưng chừng một quả đồi trọc nằm ngay giáp làng. Nhìn thấy rõ bọn lính mặc quần áo vàng đang đi lại từng tốp trong làng và trên cánh đồng. Chúng tôi nhìn xuống thấy rõ bọn chúng, trời nắng thế này, chắc hẳn bọn chúng nhìn lên cũng thấy rõ chúng tôi. Mọi người vội bảo nhau nằm ép mình xuống sườn đồi.

Nhưng chả lẽ cứ nằm mãi đây, nếu bọn địch lùng lên đồi thì sao? Phía trên, khá xa có một khu rừng. Chúng tôi bảo nhau bò dần về phía đó. Sau nhiều ngày mưa, có nắng mới, hơi nóng từ dưới đất bốc lên hầm hập. Bò như vậy, khá lâu, mới đến được khu rừng.

Lúc này, ai nấy đều mệt, cơ hồ đứng không vững. Quần áo mọi người rách toạc nhiều chỗ, bết đất và mồ hôi. Đồng chí Lạc tìm ra một nương ngô, bẻ mấy bắp, mỗi người nhai một chút ngô sống cho lại sức, rồi lại tiếp tục đi. Ở gần làng rất nguy hiểm vì có thể kẻ địch lên đồi nhìn ra những vết bò, trườn của chúng tôi. Chúng tôi phải cố gắng đi cho xa.

Xế chiều, đến một đỉnh núi cao. Anh Thiết Hùng và tôi ngồi nghỉ lại ở một gốc cây cổ thụ. Các đồng chí Lạc, Khánh đi chặt ít cành cây gác lên mặt đất, làm tạm một chiếc sàn nằm cho đỡ lạnh lưng. Buổi chiều đó không có gì ăn. Cơn sốt kéo dài liên miên. Đồng chí Lạc và đồng chí Khánh để chúng tôi nằm nghỉ tại lán, lần mò xuống làng nắm tình hình khủng bố và kiếm ít lương thực. Cơ quan tạm đặt tại đây.

(...) Đồng chí Lạc về nhà (...) Gia đình vét gạo, muối, cá khô, đưa cả chảo con, bát ăn để đồng chí Lạc đem lên cơ quan bí mật (...)

Thời gian này, tôi và anh Thiết Hùng đều bị ốm nặng. Thuốc uống chỉ có lá nụ ảo. Nhưng lần này lá nụ ảo đối với chúng tôi đều không có hiệu quả (...) Mấy nữ đồng chí dưới làng lên thăm, thấy chúng tôi mỗi ngày mỗi mệt hơn, lo lắng, đòi chúng tôi đưa áo để đem đi bói, may ra khỏi bệnh. Lúc đầu, tôi từ chối vì ngại nếu đem áo đi, thầy mo nói bệnh tôi khó cứu chữa thì các đồng chí đó lại thêm lo. Sau các đồng chí cứ nói mãi, tôi đành phải đưa ra một cái áo. Nhưng rồi bệnh cũng không khỏi.

(...) Phần tôi, hơn hai tháng qua, cơn sốt vẫn kéo dài, lúc này cảm thấy trong người sức cũng đã kiệt (...) một buổi sớm (...) tôi ngồi gác, chợt nghe nhiều tiếng lao xao trong đám lau ở quả núi trước mặt (...) Hóa ra anh Cáp ở chỗ Bác vào cùng đồng chí Quang. Chúng tôi ôm choàng lấy nhau. Nỗi mừng thật khó tả. Anh Cáp nhìn chúng tôi rất ngạc nhiên. Về sau này anh nói lại, chúng tôi lúc đó như những con ma. Anh Cáp có đem theo bốn viên ký-ninh vàng. Chúng tôi chia nhau mỗi người uống hai viên. Có lẽ trận ốm cũng đã đến thời kỳ thuyên giảm, có thêm thuốc, bệnh chúng tôi đỡ dần.

(...) Cơn sóng gió ở dưới làng lúc đó cũng đã tạm qua. Thực ra, lần này chỉ là một đợt khủng bố nhỏ (...)

Phút đầu gặp lại bà con rất cảm động (...) Có người nói: “Cán bộ còn thì cách mạng còn” (...)


(Trong hồi ký
Từ nhân dân mà ra, in lần đầu năm 1964, in lại trong Tổng tập hồi ký, nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2006. tr. 47-52. Nhan đề phần trích tạm đặt.)