Chơi, bao nhiêu trò: thả diều, đánh đu, đấu vật, đánh cờ, chọi gà, chọi trâu, đốt pháo v.v. Quan họ là chơi hát. Chơi đơn giản thì đi thẳng đến nội dung, chẳng hạn lôi bàn cờ ra ngồi đánh. Cũng cờ, nhưng cờ người mang hình thức cầu kỳ. Quan họ là chơi hát rất cầu kỳ. Cái vỏ “kỳ” chứa cái “ruột” lạ: cứ nghe hát lên là biết... (TT)



Đặng Văn Lung v.v., “Quan họ là thế nào”







Mỗi làng quan họ có lệ chơi độc đáo của mình. Tuy nhiên, trong những lối chơi ấy, phải có một số nét cơ bản giống nhau thì mới gọi là “chơi quan họ” (...)

Nếu lấy hai tiêu chuẩn sau đây để tạm định là làng quan họ:

- có quan họ đi kết bạn và hát với quan họ nơi khác liên tục từ hai, ba lớp tuổi trở lên,

- được các quan họ nơi khác thừa nhận,

thì cho đến trước tháng tám năm 1945, ta có 49 làng quan họ, phân bố trên bốn huyện phía nam tỉnh Hà Bắc như sau:

- Huyện Tiên Sơn: Lim (Lũng Giang), Lũng Sơn, Ngang Nội, Bịu Sim (Hoài Thị), Bịu Trung (Thị Trung, Hoài Trung), Khám (Vân Khám), Bưởi (Bái Uyên), Ó (Xuân Ổ), Nhồi (Hòa Đình), Bò (Bồ Sơn), Ném Đoài, Ném Tiền, Ném Sơn (Khắc Niệm), Sẻ (Khả Lễ), Tiêu, Duệ Đông, Tam Sơn; cộng 17 làng.

- Thị xã Bắc Ninh: Cổ Mễ, Phúc Sơn, Nưa (Y Na), Thị Cầu, Thanh Sơn, Niềm (Niềm Xá), Yên Giữa (Yên Mẫn), Yên Chợ (Yên Thị Trung), Vệ An, Đọ (Đỗ Xá); cộng 10 làng.

- Huyện Yên Phong: Diềm (Viêm Xá), Chắp (Hữu Chấp), Hàn (Đẩu Hàn), Sói (Xuân Ái), Xuân Đồng, Vườn Xuân (Xuân Viên), Lẫm (Thương Đồng), Thụ Ninh, Đặng (Đặng Xá), Chọi (Khúc Toại), Bùi (Trà Xuyên), Châm Khê, Điều Thôn (Đào Xá), Đống Cao (Dương Ổ), Đông Mơi, Đông Yên, Hạ Giang; cộng 17 làng.

- Huyện Việt Yên: Hữu Nghi, Giá Sơn, Nội Ninh, Mai Vũ, Sen Hồ; cộng 5 làng.(1)

Từ phía bắc của vùng quan họ như vừa kể trên là Sen Hồ (Việt Yên) đến phía nam là Ngang Nội (Tiên Sơn), tính đường chim bay khoảng 17-18km. Từ phía đông là Tiền Ngoài (Tiên Sơn) đến phía tây là Đông Mơi (Yên Phong), tính đường chim bay khoảng 14-15km. Như vậy các làng phân bố trên một bề mặt độ 250 ki-lô-mét vuông. Nhưng không phải bất cứ làng nào trong phạm vi địa lý này cũng là làng quan họ. Hầu như các làng quan họ tập trung xung quanh thị xã Bắc Ninh (...)





Mỗi làng quan họ đều có những nét riêng, nhưng khi mở hội phải tuân theo một số quy cách chung (...)

Thế nào là quan họ? (...) cần định ra một vài tiêu chuẩn, dù sơ sài (...)

- Có đặc điểm về sinh hoạt là hát đối giọng, hát đôi, có ông (bà) trùm chịu trách nhiệm chung, anh chị em trong “bọn” có tục gọi tên theo thứ tự hai, ba, bốn, năm..., hát có lề lối, có định kỳ, định điểm...

- Hễ hát lên thì sẽ được nhiều người công nhận là quan họ (...)


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tr. 19-24)









__________
(1) Trần Linh Quý:
Bước đầu tìm hiểu quê hương và lề lối hát quan họ - Một số vấn đề về dân ca quan họ, Ty Văn hóa Hà Bắc, 1972.