Trong bảy ngày liền, “tôi” hết sức ra công truyền dạy “cái đạo và cái đời quan họ”.

Đại khái, “đạo” là “huê tình”, “lúng liếng”, “gắn bó xoắn quyện” v.v., còn “đời” thì ngược lại. Khi hát liền anh liền chị trông cứ y như là uyên với ương, nhưng thực ra lệ làng cấm các “liền” cùng phường cùng hội yêu nhau. Quan họ đúng đạo đúng đời, phải “hư ảo chân tình”!

Ơ, nhưng đây là văn công chứ đâu phải liền anh liền chị thật, “tôi” là đoàn trưởng chứ đâu phải phường trưởng, làm sao lại phải vất vả lo đến cả “cái đời”?

Giá “tôi” sắm luôn một liền anh nhỉ. Gì chứ “say mê, đa tình (...) lịch sự (...) phong nhã (...) hào hoa (...) nâng liền chị như nâng trứng, hứng liền chị như hứng hoa” thì Bên Kia Sông Đuống kém ai.

“Nào (...) các em (...) yêu say đắm lên (...) giày vò da diết nữa lên. Đấy! Đấy!...”. Hình như hàng bốn thập kỷ đã trôi qua từ những ngày…, thế mà đoàn trưởng vẫn còn nghe được rất rõ giọng mình!
(Thu Tứ)



Hoàng Cầm, “Tôi chỉ đạo biểu diễn quan họ”




- Đoàn cũng vừa được Tổng Cục cấp kinh phí khá rộng rãi (...) Chúng ta chỉ có vừa đúng bẩy ngày. Chiến thắng Điện Biên đã là lịch sử của đất nước của dân tộc, thì đêm diễn mừng Chiến thắng cũng phải là lịch sử của đoàn (...) của văn nghệ kháng chiến. Các đồng chí nghe rõ chưa?

- Báo cáo đoàn trưởng: Rõ!

- Thôi, giải tán!

Mọi người nhanh nhẹn đứng lên, tôi bỗng níu áo mấy cậu đã đứng tuổi:

- Ơ này, cậu nào còn thuốc lào, cho tớ mấy điếu! Thèm cứng cả họng ra đây này...

Bảy ngày liền, tôi tập trung sự chỉ đạo của mình vào nhóm hát. Anh Mạnh Thắng chọn được tám cặp đôi, tôi loại ra hai cặp mà tôi thấy (khi hát) rất thiếu chất “huê tình” của quan họ, nghĩa là cái lối lẳng lơ, đưa duyên bằng mắt gắn liền với dáng đứng nửa như e thẹn nửa lại khêu gợi, nửa như lánh xa mà nửa lại như gần kề, và cái miệng hát như chờ... một chụm môi hôn, một hé môi ước hẹn, và cái nón lúc che miệng vẫn để hé ra hàm răng hạt huyền, lúc chếch đi như chòng ghẹo, lúc che hẳn bộ ngực yếm thắm tròn căng mà vẫn để các liền anh thấy được đôi má ửng hồng lên tự lúc nào. Thiếu những dáng vẻ ấy, dẫu có tốt giọng đến mấy cũng không thể hiện được chất “lúng liếng”, chất hư ảo chân tình, chất gắn bó xoắn quyện, chất quyến loan rủ phượng, mê thúy say uyên của quan họ.

Tôi xét nét (...) đến nỗi có mấy cô (...) nói “dỗi” (...)

- Úi dà, chúng em bì sao được với các cô gái Bắc Ninh của anh. Hay là anh cho chúng em rút lui, hay anh chịu khó về Bắc Ninh mà kén diễn viên đi vậy. Chúng em sẽ đi hầu anh cơm nước dọc đường.

- Đừng đùa, mà không được phép nản chí (...) Chịu khó tập luyện đi, các em đầy triển vọng về dân ca anh mới chọn cho tiết mục này chứ. Nhưng phải nghiêm chỉnh, nghệ thuật là như chơi, mà lại không bao giờ là trò chơi (...) Anh càng khó tính, các em càng chóng thành công. Nào, đôi mắt Thùy Chi ơi! Lẳng lơ thêm nữa! Có cười, cười một nửa thôi, nửa kia là e lệ. Quan họ nó thế đấy.

Suốt bốn ngày, bốn buổi tối nữa, tôi chăm chú giúp anh Mạnh Thắng. Anh ấy cũng sắm một liền anh. Liền anh càng phải say mê, đa tình, và phải lịch sự “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa”, nâng liền chị như nâng trứng, hứng liền chị như hứng hoa (...)

Tôi phải hướng dẫn cho các “liền anh liền chị” của cái đoàn văn công gồm trên một trăm năm mươi diễn viên trẻ măng ấy, cái đạo và cái đời quan họ (...) (Khi hát) diễn viên phải tưởng tượng như có người yêu thật sự của mình đứng trước mặt (để mà) rung động thật, yêu thật, nhớ thương thật, quyến luyến thật. Nào, Kim Ngọc, Thùy Chi, Xuân Thức, Mạnh Thắng, Song Ninh, Thúy Nga, Nguyễn Trâm vân vân... các em tưởng tượng mạnh lên, yêu say đắm lên, nhớ nhung giày vò da diết nữa lên. Đấy! Đấy!...


(Trích bài “Thép gang hòa quyện tình ca” trong tập
Hoàng Cầm – Văn xuôi, nxb. Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2002. Nhan đề phần trích tạm đặt.)