Lại hiện tượng một thần bản địa được rước vào chùa thờ chung với Phật. Thần này tên lạ: vừa “bà” vừa “mụ” vừa “ả”! “Dân” ở đâu mà chẳng “ca”. Nhưng chắc ít nơi xẩy ra chuyện dân “dân ca” thay nói, suốt ngày suốt đêm. (TT)



Đặng Văn Lung v.v., “Hội Lim”




Lâu nay ta có ấn tượng rằng ngày hội Lim là ngày hội Cả của quan họ, là ngày hội tiêu biểu nhất của sinh hoạt quan họ. Thực ra nó cũng chỉ là ngày hội chùa Lim và do làng Lim đứng ra tổ chức, giống và ngang với các ngày hội chùa khác do các làng khác đứng ra tổ chức mà thôi (...) Sở dĩ hội Lim lớn là vì các lý do sau:

1. Hội Lim mở vào ngày 13 tháng giêng âm lịch, trùng với ngày hội chợ đầu năm.

2. Ngày 12 tháng giêng là hội đình của cả sáu làng xung quanh vùng Lim (...) không khí náo nức của hội đình chuyển (...) cho hội chùa Lim.

3. Lúc này là thời gian tốt nhất để mở hội, vì trời có trăng, một số hội đã mở tạo đà, mọi người vừa ăn Tết xong, công việc đồng áng, bán buôn đang rỗi rãi, giao thông thuận lợi...

Chùa Lim làm từ hồi nào, không rõ. Theo truyền thuyết, có một người đàn bà tên là Bà Mụ Ả, người Duệ Đông đến tu ở đó. Bà tu đắc đạo, nên có phép hô phong hoán vũ. Mỗi khi hạn hán, dân thường cầu Bà làm mưa. Do Bà linh ứng như thế, nên làng Lim tôn bà làm thành hoàng làng, và ngày hội chùa Lim tổ chức vào ngày mất của Bà. Bà vừa là thần làng vừa là người nhà chùa, có phép làm mưa gió sấm chớp, có phần giống như hành trạng và thần tích của bà Man Nương (chùa Dâu).

Làng Lim có bốn xóm. Mỗi xóm có hai “bọn” quan họ: một bọn nam, một bọn nữ. Có tục “ăn chạ” với Tam Sơn, tục kết nghĩa với Bịu (...)

Trong ngày hội Lim, quan họ các nơi có thể tự do đến hát (theo) lối hát ngoài đồi, phân biệt với lối hát trong nhà giữa “bọn” Lim với một số “bọn” làng khác đã kết nghĩa.

Hát trong nhà

- Phía chủ: Các bọn quan họ Lim đều đã góp tiền cho ông trùm (bà trùm) và cử người chịu trách nhiệm đăng cai. Gia đình đăng cai làm “cơm quan họ” và sửa soạn chỗ hát. Mờ sáng, các anh các chị quan họ đã đến đấy giúp gia chủ chuẩn bị các thứ, têm trầu, làm thịt gà, đồ xôi... Trong khi đó, cho một số em ra chùa chờ khách. Khi khách đến, các em về báo, anh chị quan họ mới lên chùa đón khách.

- Phía khách: Từng bọn quan họ ăn mặc lễ phục ngày hội, tiến thẳng tới chùa Lim. Đến chùa, họ đi loanh quanh xem hội. Chờ đến lúc có bạn ra mời vào lễ Phật, cả bọn vào hát lễ Phật. Xong, họ được bạn đón luôn về nơi đã chuẩn bị mọi điều kiện cho cuộc hát quan họ.

Buổi hát quan họ bắt đầu rất tự nhiên: Quan họ bạn vào đến cổng, cất tiếng hát mừng làng đầu năm, hát mừng nhà, mừng bạn.

Quan họ chủ đứng giữa sân hát “đón nhời”: chúc lại làng bạn và chào bạn.

Quan họ chủ đỡ nón, ô cho quan họ bạn, đón bạn vào ngồi một giường (nếu là bố trí ngồi hai giường hát đối đáp), hoặc ngồi một tràng kỷ (nếu là bố trí hát đối đáp qua chiếc bàn). Quan họ chủ lúc này cũng ngồi vào một giường hoặc tràng kỷ phía bên kia.

Quan họ chủ hát mời bạn xơi trầu.

Quan họ chủ hát mời bạn uống nước.

Quan họ bạn hát đáp và hát cảm ơn bạn đã tổ chức đón tiếp thịnh tình.

Hầu như mọi hành động, mọi tình tiết đều lấy câu hát làm đầu, chỉ có khi lời ca chưa nói được rõ ý mình, hoặc cần nhấn mạnh thêm điều gì nữa, thì hai bên mới nói đệm vào câu hát.

Hát cho đến trưa thì cỗ bàn cũng vừa xong... Quan họ chủ hát mời quan họ bạn ăn cơm. Quan họ bạn hát cảm ơn. Quan họ chủ hát mời nâng chén, Quan họ bạn hát mời quan họ chủ cùng ngồi. Quan chủ hát mời bạn ăn, tiếp bạn cho đến lúc bữa cơm bạn ăn gần xong, các quan họ mới tạm ngừng hát, lúc này quan họ chủ mới ngồi vào mâm cơm của mình.

Buổi chiều, mọi người đi xem hội.

Đến tối cuộc hát lại tiếp tục. Bây giờ các quan họ bắt đầu hát từ giọng “Hừ la” trở đi. Nửa đêm mới tạm nghỉ “xơi tiệc nước”. Rồi lại tiếp tục hát đến sáng mới giải tán.

Hát ngoài đồi

Đến đồi Lim, một bọn nam chưa có bạn sẽ đi tìm trong đám hội một bọn nữ cũng chưa có bạn và mời nữ xơi trầu. Nếu bên nữ nhận trầu tức là nhận lời hát. Cũng có khi bọn nữ chủ động mời bọn nam. Trong khi hát với nhau ở đám hội, nếu đôi bên cùng hợp nhau về cách đối xử, ăn ý với nhau về giọng hát, thì sẽ hẹn gặp nhau trong một ngày nào đó ở làng bên nữ, để bên nam đưa lễ đến xin kết nghĩa .

Hát ngoài đồi (...) bất kể nắng hay mưa, nam đều che ô, nữ che nón thúng quai thao. Che ô và che nón để thêm vẻ lịch sự, duyên dáng, để tránh những con mắt tò mò ở xung quanh, để liếc nhìn bạn được dễ dàng và để cho tiếng hát có âm vang (...)

Từng đôi bọn có thể đứng hát với nhau ở bất kỳ chỗ nào quanh đồi Lim. Xung quanh họ, người xem đứng rất đông.

Suốt ngày, trên đồi và quanh đồi Lim xúm xít đây đó từng đám hát như vậy.

Họ hát với nhau đôi câu, thấy hợp nhau thì hát tiếp, không hợp thì lại chào nhau để đi tìm bọn khác.

Trẩy hội

Gái trai đi hội đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất. Riêng những người hát quan họ lại có bộ quần áo đặc biệt, như là một thứ lễ phục: trai thì áo lụa, áo the, quần ống sớ, khăn xếp, gái thì mớ bảy mớ ba, áo tứ thân nhiễu điều nhiễu tía, yếm đào xẻ con nhạn, thắt lưng hoa đào hoa lý, đeo khuyên vàng, xà tích... Mùa xuân mưa phùn gió nhẹ, cây cối đâm bông nảy lộc, từ xa nhìn vào đám hội ăn mặc đẹp đẽ, đủ màu sắc tươi tắn, thật vui mắt!


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tr. 35-40)