Đối với người Bắc, lũy tre là làng. Một người Bắc phiêu dạt vào Nam, tình cờ thấy một rặng tre ở bờ một con sông:

“Anh Dần quay lại bảo vợ:
- Giá có đôi dãy núi đằng kia, u nó nhỉ?
Chị Dần ngơ ngác:
- Thầy nó bảo núi gì?
Anh nhớ lại câu nói bất chợt mình vừa thốt, bật cười:
- Nhỉ! Tôi như người mất hồn. Tôi định bảo giá có dãy núi ở sau cánh đồng kia nữa thì giống tuyệt.
- Thầy nó bảo giống làng mình ấy à?
- Chứ gì.
Cả hai im bặt, thẫn thờ (...)
- Thầy nó tương tư cái rặng tre rồi, thảo nào hễ cứ đi qua đây là đòi nghỉ lại.
- U nó không biết. Ngủ ở đây, nửa đêm thức giấc nghe tiếng lá tre xào xạc, thân tre nghiến nhau kĩu cà kĩu kịt lắm lúc mơ màng tôi tưởng như đang ngủ ở quê nhà. Lúc tỉnh lại, biết không phải, tự dưng nước mắt trào ra ướt má...”.

Một người Nam tình cờ nghe được lời vợ chồng người Bắc, thông cảm ngay, vì:

“Mười mấy năm về trước (...) Ở nơi xa cửa xa nhà, chiều nào anh cũng ra ngồi trước sân, nhìn rặng dừa đằng mé biển. Qua rặng dừa xanh mướt, anh như thấy cả mái nhà xơ xác quạnh hiu, ở đó phía trước có đôi cây dừa lão, một hàng tre, năm bụi chuối đèo. Những chiều cỡ này, bầy gà con lạc mẹ kêu chíu chít ở dưới giàn bầu. Con chó mực sủa ăng ẳng trước bờ sông. Bầy dơi quạ chớp cánh chập choạng bay ngang nóc nhà. Và thương ơi! Trong ánh nắng quá thê lương, một bà mẹ già lọm khọm ra vào...”.

“Nam” bèn đứng lên kêu “Bắc”:

“- Anh Hai! Anh Hai à! Chưa đi chài ghé lên bờ uống nước, nói chuyện chơi cho đỡ buồn, ở đâu cũng bà con hết mà, đừng ngại...”.

Chuyện y như thơ:

“Chừ đây tình đã gặp tình,
Tưởng như trong đại gia đình đâu xa (...)
Nước non vẫn nước non nhà,
Bắc Nam xa mấy vẫn là anh em”! (bài “Tôi yêu”)

Bằng cách chia nước Việt Nam thành ba “kỳ”, giặc Pháp đã cố chia rẽ dân tộc ta, với kết quả là thất bại hoàn toàn! Dĩ nhiên lãnh đạo kháng chiến đã sáng suốt hết sức nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết!”. Nhưng sở dĩ kêu gọi mà thành công, ấy là nhờ ý thức thuộc vào cùng một dân tộc đã sẵn tồn tại rất đậm đà trong lòng đông đảo người Việt Nam từ Bắc chí Nam.
(Thu Tứ)



Lê Vĩnh Hòa, “Bên rặng tre già”




Ngồi chồm hổm trước hè, Năm Theo lần tay theo chưn chài tìm lỗ rách. Vừa nhịp chưn, anh vừa nghêu ngao đờn miệng “Từng... tưng... tưng tức từng... tức từng... tức tưng... Con ôi! Tháng chạp tới đây là ngày tên của con phải ghi vào cuốn sổ nhân duyên ớ ơ... ơ ơ”.

Điệu ca lạt lẽo rơi chầm chậm, rồi uể oải tan dần trong buổi chiều vắng vẻ. Trời tối mờ mờ. Có bầy dơi quạ bay xập xận qua sân, đụng đầu vào lá dừa nghe sột soạt.

Từ kinh xáng, giọng ngâm Kiều của ai vẳng lên, nghe buồn đứt ruột. Năm Theo bỏ cuộn nhợ, ngước mắt nhìn: À, ghe chài của anh Thìa. Kiểu ghe đặc biệt: bề ngang rộng bề xề nhưng ván mỏng manh, mũi bằng thán, cột chèo lùn xịt, lại thấp thoáng trong mui có mấy tà áo nâu. Rõ ràng là ghe anh Thìa.

Anh Thìa không phải là tên riêng của ai. Nguyên hồi năm ngoái có mấy người Bắc chở lá cất nhà ở trại Đại Hải đi ngang qua đây, ghé lại mua mấy trái dừa tươi. Uống nước xong, họ bổ dừa ra rồi nói:

- Các bác cho mượn cái thìa.

Chủ nhà hỏi lại:

- Cái gì?

- Cái thìa.

- Thìa là cái gì?

- Là cái thìa chứ còn là gì?

Vẫn không hiểu. Chủ nhà đáp đại:

- Tui không có cái đó.

- Lạ! Không thìa thì lấy gì múc canh? Các bác không ăn canh à?

- Sao lại không? Húp canh bằng muỗng chớ.

Nói xong, chủ nhà sai con cầm cái muỗng đem ra.

Mấy người khách phá lên cười:

- Ối giời ơi! Cái thìa mà bảo là cái gì? Ờ cái “muỗm”.

Đáp lại, vợ chồng con cái chủ nhà cũng cười ngắt nga ngắt nghẻo:

- Quỷ thần ơi! Cái muỗng của người ta mà kêu bằng cái “thìa” – thìa gì mà thìa, ông nội?

Đầu đuôi chỉ có như vậy, mà sao cả xóm hễ gặp người nào nói trọ trẹ thì kêu ngay là anh Thìa – Thìa hay muỗng đã có sao đâu?

Nhưng anh Năm Theo còn không ưa mấy anh Thìn vì lẽ khác. Anh nghe người ta nói: mấy người Bắc vô tới Nam thường trầm trồ: “Ối giời ơi! Đất Đồng Nai cả cơm lắm tiền đến thế, ở ngoài chúng tôi thóc cao gạo kém vô cùng...”. Chuyện đó chưa biết thiệt hư nhưng Năm Theo in trí là chắc có. Anh nghĩ: Chơi điệu này, bộ họ muốn vô giành quyền lợi của mình sao chớ! Bởi vậy, có lần mấy ghe chài ở trại di cư Đại Hải tới ghé vô bờ quơ một mớ củi, anh ra cự nự om sòm:

- Ê! Bộ cây này tui trồng cho mấy người hưởng hả? Sướng quá mà! Tui mọi cho mấy người sao chớ. Mấy người ngồi không đâu có biết công tui trồng cây trâm bầu này nó cực khổ ra làm sao. Mấy người đâu có từng chịu cực.

Anh tính họ cự lại là anh làm dữ liền, nhưng sao thấy họ xuội lơ đi xuống nên anh cũng thôi láp dáp luôn. Nghĩ lại Năm Theo bắt tức cười một mình. Phải dè họ như vậy thì làm hùm làm tướng chi cho mất cảm tình!

Có tiếng léo nhéo dưới mé sông làm đứt quãng những ý nghĩ lộn xộn trong đầu. Năm Theo nghểnh cổ nhìn: Ghe anh Thìn đã cặm sào cách bờ hai sải. Vợ chồng với hai đứa con đương xúm xít ăn cơm sau lái. Cái cảnh đầm ấm trên chiếc ghe nhỏ, trơ trọi ấy không đủ làm giảm đi vẻ hiu quạnh minh mông của một buổi chiều trên sông vắng.

Những buổi chiều lặng lẽ như vầy dễ sinh ra nhớ nhà lắm. Nhiều khi đương ở tại nhà, bà con làng mạc sát một bên mà cũng còn bắt buồn bã, nhớ vơ nhớ vẩn tận đâu đâu huống hồ gì kẻ ở xa nhà. Năm Theo vừa cuốn chài, vừa nghĩ vậy. Anh thấy hơi nao nao trong lòng, lững thững đi ra mé sông ngồi nhìn xuống ghe anh Thìa coi họ đang làm gì.

*

Người vợ đương lui cui rửa chén. Hai thằng nhỏ ăn no đã chổng cẳng ngủ khì.

Bóng tối buông dần, chậm chạp.

Khói trắng nhà ai tỏa lên, vướng vít ở rặng tre cao mịt bên này bờ. Trời im gió, nhưng khói vẫn uể oải bay đi.

... Nhìn theo làn khói mất hút, anh Dần – người chồng – thấy lòng nằng nặng một nỗi buồn khó tả.

Đã nhiều buổi chiều rồi ghé lại đây, ngồi nhìn màu xanh lá quen thuộc, anh như thấy cả quê hương thân yêu giữa lũy tre già bây giờ đang ở nơi xa thăm thẳm.

Đọt tre ẻo lả, tiếng kẽo kẹt êm đềm... Làm sao mà quên được?

Có tiếng chèo ai khua nước. Anh Dần quay lại bảo vợ:

- Giá có đôi dãy núi đằng kia, u nó nhỉ?

Chị Dần ngơ ngác:

- Thầy nó bảo núi gì?

Anh nhớ lại câu nói bất chợt mình vừa thốt, bật cười:

- Nhỉ! Tôi như người mất hồn. Tôi định bảo giá có dãy núi ở sau cánh đồng kia nữa thì giống tuyệt.

- Thầy nó bảo giống làng mình ấy à?

- Chứ gì.

Cả hai im bặt, thẫn thờ. Lúc sau chị Dần bảo:

- Nhưng người không giống.

Anh chậc lưỡi:

- Thì cũng người Việt Nam với nhau cả.

Chị Dần nhìn chồng, ái ngại:

- Thầy nó tương tư cái rặng tre rồi, thảo nào hễ cứ đi qua đây là đòi nghỉ lại.

- U nó không biết. Ngủ ở đây, nửa đêm thức giấc nghe tiếng lá tre xào xạc, thân tre nghiến nhau kĩu cà kĩu kịt lắm lúc mơ màng tôi tưởng như đang ngủ ở quê nhà. Lúc tỉnh lại, biết không phải, tự dưng nước mắt trào ra ướt má...

Đến câu cuối, giọng người chồng nghẹn hẳn đi.

Năm Theo cũng thấy xốn xang trong lòng. Bỗng nhiên anh bắt gặp lại được cái cảm giác của anh mười mấy năm về trước. Ngày đó Nhựt bắt thanh niên lên Hà Tiên đào phòng tuyến, đắp sân bay. Ở nơi xa cửa xa nhà, chiều nào anh cũng ra ngồi trước sân, nhìn rặng dừa đằng mé biển. Qua rặng dừa xanh mướt, anh như thấy cả mái nhà xơ xác quạnh hiu, ở đó phía trước có đôi cây dừa lão, một hàng tre, năm bụi chuối đèo. Những chiều cỡ này, bầy gà con lạc mẹ kêu chíu chít ở dưới giàn bầu. Con chó mực sủa ăng ẳng trước bờ sông. Bầy dơi quạ chớp cánh chập choạng bay ngang nóc nhà. Và thương ơi! Trong ánh nắng quá thê lương, một bà mẹ già lọm khọm ra vào... Năm Theo lặng lẽ đưa tay lau nước mắt.

Bây giờ nhìn dáng ngồi của anh bạn dân chài xa lạ anh nghĩ có lẽ mười mấy năm về trước mình cũng đã ngồi y như vậy. Con người ngồi dưới ghe kia không có gì xa cách. Lòng họ chính là lòng anh trong những ngày nào...

Năm Theo đứng lên kêu:

- Anh Hai! Anh Hai à! Chưa đi chài ghé lên bờ uống nước, nói chuyện chơi cho đỡ buồn, ở đâu cũng bà con hết mà, đừng ngại...

Và anh mỉm cười sung sướng khi bắt gặp đôi mắt u ám vừa rực sáng lên của người bạn, mà anh mới vừa nói chuyện câu đầu...


3-1957