“Văn hóa và số lượng từ”




Văn hóa vật chất mới là công nghệ.

Công nghệ đang tiến bộ rất nhanh, khiến loài người tới tấp có thêm và thấy thêm rất nhiều vật và hiện tượng mới. Cái mới và đặc điểm và lối hoạt động, vận hành riêng của nó đòi tên!

Ngoài cách tự mình đặt tên, người Việt Nam có thể dịch hay phiên âm tiếng Tây phương, chẳng hạn, dịch pointer thành con trỏ, phiên âm virus thành vi-rút; hoặc nhập từ Tàu mà người Tàu đặt ra để dịch từ Tây, chẳng hạn, “vi tính”, “linh kiện”; hoặc cũng có khi không nhập thẳng mà dịch lại những từ Tàu ấy, như “xe hơi” dịch “khí xa” dịch automobile!

Số lượng từ cụ tượng vô cảm đang tăng vùn vụt.(1)

*

Văn hóa tinh thần mới chủ yếu là khoa học và cách tổ chức xã hội.

Khoa học tiến bộ nhanh và cách tổ chức xã hội thay đổi cũng nhanh làm nẩy sinh ra nhiều khái niệm. Hễ có khái niệm mới, lập tức có tên gọi.

Đây người Việt Nam điển hình nhập từ Tàu dịch từ Tây. Ví dụ: gia tốc, động lượng, xung lượng, năng lượng, đạo hàm, nguyên hàm, nguyên tử, điện tử, tư bản, vô sản, cộng sản, dân chủ, dân quyền, nhân quyền, biểu tình, cách mạng, đối tác, liên doanh, mậu dịch, tài trợ, đầu tư, bảo hiểm, cổ phiếu, chứng khoán.

Số lượng từ trừu tượng khái niệm tư duy và từ trừu tượng khái niệm sinh hoạt cũng đang tăng nhanh.

*

Đã khá lâu, số lượng những từ cụ tượng hữu cảm, từ trừu tượng khái niệm tình cảm và từ trừu tượng cảm xúc coi như không tăng. Nguyên nhân là:

Trước kia, các cụ ta nghe, ngắm, ngửi, sờ, nếm đến nơi đến chốn nên sinh đủ thứ cảm giác. Ta bây giờ, phần do cái mới xuất hiện ào ào liên tục và thay đổi nhanh như chong chóng, phần do chính mình bận rộn quá, chỉ có vừa đủ thì giờ để đặt cho chúng những cái tên!

Trước kia, trong xã hội Việt Nam quan hệ người với người rất khắng khít nên nhiều khái niệm tình cảm nẩy sinh. Bây giờ quan hệ này mỗi ngày mỗi thêm hờ hững, khái niệm mới làm sao ra đời được!

Trước kia, đời sống người Việt Nam gần tự nhiên, đơn giản và thay đổi chậm. Tâm hồn ta đã được thường xuyên tiếp xúc mật thiết với những cái gợi cảm và đã có đủ thời gian để thấm thía mọi cái, mọi chuyện, nhờ đó mà nẩy được nhiều cảm xúc. Bây giờ đời sống xa tự nhiên, phức tạp và thay đổi nhanh quá. Tâm hồn ta vừa không thường được gặp những cái gợi cảm vừa không có đủ thời gian để thực “thấm” bất cứ cái gì, chuyện gì, làm sao sinh cảm xúc phong phú được! Đã thế, bây giờ người Việt Nam lại hiếm khi vận dụng tâm hồn mà ngày đêm bóp trán, nặn óc y như Tây. Bóp nặn dù đến vỡ méo, cũng không thể rơi ra được chút cảm xúc nào!

Chẳng những không sinh thêm, “từ cảm” đang âm thầm lọt dần ra ngoài kho từ vựng tiếng Việt phổ thông. Rủi thì mất tích luôn, may thì được “bảo tàng” trong “đại từ điển”...



Thu Tứ
Viết năm 2003, sửa năm 2014
In lần đầu trong
Tìm tòi và suy nghĩ (2005)
In lần thứ hai trong
Cảm nghĩ miên man (2015)








_________
(1) Về cách chia từ tiếng Việt của chúng tôi, xin xem bài “Tương lai từ vựng tiếng Việt”.