“Thế giới bây giờ” (7)



YẾU CHỐNG MẠNH THẾ NÀO?



Diễn biến chênh lệch hỏa lực
Chống thế nào với chênh lệch lớn như thế?
Vũ khí chính xác và tàng hình
Lại chống thế nào?
Tự túc vũ khí: ưu tiên đến đâu?
Vũ trang nguyên tử: nên hay không?







Diễn biến chênh lệch hỏa lực

Chênh lệch đây là giữa nước mạnh với nước yếu. Chẳng hạn, giữa Pháp với Việt Nam.

Lúc Pháp bắt đầu xâm lược Việt Nam trong thế kỷ 19, chênh lệch hỏa lực giữa đôi bên rất lớn, do đó Pháp thắng rất dễ dàng. Trong cuộc kháng chiến giành độc lập, mức chênh lệch lúc đầu vẫn đại khái như trước nhưng nhờ viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc dần dần bắt đầu giảm. Sức chịu đựng khó khổ của dân tộc thật phi thường, tuy nhiên nếu không có đại bác và cao xạ thì không thể có chiến thắng Điện Biên.

Nếu không xẩy ra chuyện gì bất thường trong lịch sử chế tạo vũ khí, chênh lệch hỏa lực giữa Pháp với Việt Nam đến lúc nào đó sẽ giảm hẳn. Pháp có thứ gì, ta có thứ đó, hoặc do viện trợ hoặc tự sản xuất. Nhưng dĩ nhiên đã xẩy ra đại cách mạng: năm 1945 Mỹ chế được bom nguyên tử, đến năm 1960 Pháp cũng bắt đầu sở hữu thứ bom cực mạnh này...

Chênh lệch hỏa lực giữa Pháp với Việt Nam vụt lớn trở lại, lớn hơn cả hồi thế kỷ 19 không biết bao nhiêu lần!

Trước kia, tuy hạ thành Hà Nội thật dễ dàng nhưng với sức công phá của các loại chất nổ cổ điển nước Pháp không hề có khả năng đưa nước Việt Nam về thời đại đá (!) trong nháy mắt. Hiện nay, với khoảng ba trăm bom A và bom H, Pháp hoàn toàn có thể làm việc đó (mà không phải chịu bất cứ một tổn thất nào)!!!

Chống thế nào với chênh lệch lớn như thế?

Nước mạnh bây giờ mạnh thế, hễ xung đột với nhau nước yếu nên xin hàng gấp chăng?

Chưa chắc. Được cái trên thế giới không phải chỉ có một nước mạnh. Trong tình thế phải đương đầu với một nước có vũ khí nguyên tử, nếu ta có cường quốc nguyên tử khác ủng hộ hết mình khiến kẻ thù kia không dám đánh ta bằng vũ khí nguyên tử, thì ta cứ tỉnh bơ chống cự tới cùng như thể hắn không hề có vũ khí nguyên tử!

Tuy nhiên nếu không tìm được đồng minh đủ mạnh, nên sớm buông, tốt nhất chớ cầm đến vũ khí! Hồi năm 2001, sau vụ 9/11 Mỹ dọa sẽ thả bom đưa Hồi về thời đại đá nếu không hợp tác với mình trong chiến tranh sắp tới với A-phú-hãn.(1) Hồi có đồng minh thân thiết là Tàu cũng khá mạnh nhưng không đủ để khiến Mỹ chùn bước, nên Hồi đành chấp nhận yêu sách, miễn cưỡng đứng về phía Mỹ trong cuộc chiến tranh ấy. Thực ra chính Hồi cũng có hàng trăm bom và đầu đạn nguyên tử, nhưng có cũng như không vì Hồi hoàn toàn thiếu phương tiện để “giao hàng” đến đất Mỹ. Hỏa lực mạnh mà tầm ngắn thì có cũng như không!

Vũ khí chính xác và tàng hình

Dù nước mạnh không đánh ta bằng vũ khí nguyên tử, hiện nay việc chống cự cũng không đơn giản chút nào.

Vì ngay vũ khí cổ điển cũng cách mạng!

Cách mạng vũ khí cổ điển xảy ra sau Chiến tranh Việt Nam. Trong Chiến tranh Việt Nam máy bay Mỹ ngoài bom còn trang bị tên lửa không đối đất là món mới nhưng dù thả bom hay bắn tên lửa thì y như trong Thế chiến thứ Hai, phi công phải lái máy bay lao xuống phía mục tiêu rồi lấy mắt mà ngắm trước khi bấm nút. Mãi đến giữa năm 1972, không quân Mỹ mới có bom và tên lửa có thể hướng dẫn sau khi thả bắn.

Tấn công bằng thứ máy bay mà ra-đa phát hiện được, mà thậm chí phải lao xuống gần mục tiêu, tự đưa vào tầm vũ khí phòng không, và bằng thứ bom và tên lửa “ngu”, là cho phía bị tấn công cơ hội bắn rơi máy bay và khả năng không bị bom và tên lửa đánh trúng. Năm 1991, trong Chiến tranh vùng Vịnh I, quân đội Mỹ không cho quân đội I-rắc cơ hội và khả năng ấy nữa. Máy bay tàng hình, tên lửa tàng hình (tức tên lửa hành trình) cùng bom và tên lửa có hướng dẫn siêu chính xác, đã khiến việc phá hủy cả một nền quốc phòng hóa dễ như trò chơi!

Lại chống thế nào?

Chiến sĩ dũng cảm và thông minh đến đâu cũng phải chịu thua thứ tên lửa tự nhiên ở đâu bay tọt vào cửa sổ đồn!

Làm sao bây giờ?

Thì cũng như trước kia phải rước cao xạ phòng không rồi tên lửa phòng không để bắn hạ máy bay thấy được, bây giờ các nước yếu phải rước, chẳng hạn, hệ thống S-300 của Nga để bắn hạ máy bay tàng hình và tên lửa tàng hình.

Tự túc vũ khí: ưu tiên đến đâu?

Xưa đánh Tàu ta tự rèn lấy gươm dáo, chuốt lấy cung tên v.v.

Nay đánh Tây, và chuẩn bị lại đánh Tàu, ta đã và đang phải rước vũ khí Tây về.

Cái mình thực là cần, mà không tự chế được, mà phải hoàn toàn tùy thuộc vào cung cấp của ngoại bang, dĩ nhiên như thế không hay chút nào.

Nhưng trong ít nhất vài chục năm nữa, đành chịu vậy. Ta cần ưu tiên xây dựng một nền công nghệ hiện đại với tầm ứng dụng thật rộng rãi để phát triển kinh tế. Mặt khác, kinh tế lên tới đâu ta cần đầu tư hợp lý vào việc nghiên cứu chế tạo vũ khí mới tới đó. Quốc phòng không nên lên trước kinh tế, nhưng rất nên lên theo!

Thực ra rất nhiều công nghệ dân dụng có tiềm năng quân sự. Tức nhiều khi không cố ý mà ta đã bắt đầu tiến về khả năng tự túc sản xuất vũ khí mới rồi.

Vũ trang nguyên tử: nên hay không?

Về nguyên tắc, nên quá đi chứ! Nhưng trên thực tế thì...

Nói chung, khó mong bất cứ nước nào chịu bán bom nguyên tử cho ta!

Vậy ta hãy cố tự chế?

À, cái món tối tân này thì vừa giống bất kỳ món tối tân nào khác, lịch tự túc sản xuất đã bàn ở trên, lại vừa có đặc điểm phân biệt rất quan trọng. Ấy là các kẻ thù của ta có thể ra tay trước giết ta nếu biết ta đang cố sản xuất! Như Mỹ, Do Thái và đồng minh đang đe dọa I-răng.

I-răng ở trong tình huống khó xử. Không có bom nguyên tử thì về lâu dài không giữ nổi văn hóa của mình. Mà cố chế bom nguyên tử bây giờ thì rất có thể sẽ bị ngoại bang đánh tơi tả, “thay đổi chế độ”, mất văn hóa hỏa tốc!

I-răng rủi ro không có bạn mạnh bằng thù nên bị thù ra mặt cản trở không cho vũ trang nguyên tử. Còn nước Việt Nam có bạn Nga đủ mạnh khiến “thù” Tàu chắc không dám cản, lúc nào đó (còn hơi lâu) ta nên nghĩ đến việc chế Bom. Ta trang bị Bom không phải nhằm đánh bất cứ ai, mà chỉ để treo một cái giá thật đắt cho khỏi ai mơ tưởng chuyện biến nước ta thành tỉnh mới của nước họ.(2) Nên nhớ không có liên minh nào hoàn toàn bảo đảm tới... tận thế. Biết lúc nào bạn Nga sẽ yếu hẳn đi, chấp nhận để Tàu muốn làm gì ta thì làm. Hoặc bạn vẫn mạnh, nhưng được Tàu nhượng cho quyền lợi rất hấp dẫn ở đâu đó khiến bạn vui vẻ “nhượng” ta cho Tàu! Ta cần có bom nguyên tử trước khi một trong hai tình huống hiểm nghèo đó xảy ra.

Tóm lại, yếu chống mạnh bằng cách dựa mạnh khác. Nhưng vì không thể chắc rằng lúc nào cũng có mạnh sẵn sàng cho dựa, ta nên liệu mà hóa mạnh kịp thời!



Thu Tứ
2013-09-23




















__________
(1) Tổng thống Hồi Pervez Musharraf tiết lộ việc này trong cuộc phỏng vấn của kênh truyền hình
CBS ở Mỹ tháng 9-2006.
(2) Xem bài Treo Giá Mạng Nước của TT.