Năm ấy ấm Hiếu 24 tuổi, hơn “Ất” gần một giáp. Có sao đâu, vì con gái ngày xưa người lớn sớm lắm. Nhưng tuy vậy, có lẽ một phần do “tuần trăng chưa mãn, nụ hoa chưa cười” mà Ất không chữa nổi bệnh thất tình Đỗ Thị, khiến ấm Hiếu sau đó “từ giã tỉnh Nam vào vùng chùa Hương tìm hồ quỷ và tế Chiêu Quân”... Có điều hơi lạ là quan hệ tình cảm giữa hai người hình như chỉ dài có thế, nghĩa là bất quá vài tháng, thế mà lời bài “Thư đưa người tình nhân có quen biết” lại kể “trải mấy thu”, “năm lại năm”, tức là phù hợp với mối tình thứ hai với cô Vinh con gái út quan phủ Vĩnh Tường hơn... Có phải khi ấm Hiếu gặp cô Vinh (bốn năm trước khi gặp Ất) thì cô cũng tuổi mười ba? Ờ, nhưng mà khi ấy thì cậu ấm đã “giang hồ lạc phách” đâu. Hay “người tình nhân có quen biết” là một người tình nhân “tổng hợp”, là cả Vinh lẫn Ất? (Thu Tứ)



“Tản Đà qua Nguyễn Khắc Xương”




Mối tình thứ ba của Tản Đà được nhiều người biết đến với bài văn Kỷ Niệm Hái Hoa Đào in ở Khối tình bản phụ nhưng (...) những người trong gia đình và những người quen thân cũng không ai biết rõ diễn biến và chi tiết. May mắn là tôi đã tiếp nhận được hai tập viết tay, trong đó nhà thơ đã ghi lại đầy đủ về mối tình thứ ba này mà lạ thay lại diễn đúng vào thời gian người đang khủng hoảng tinh thần cao độ vì nỗi thất tình với cô gái họ Đỗ.

Tôi xin trích giới thiệu một số đoạn trong Tản Đà văn tập, giúp bạn đọc thấy được một tình yêu trong sáng, ngây thơ. Bài viết ghi lại kỷ niệm tình cảm này được đặt là Mộng:

“... Tự nhiên đi đến một chỗ tỉnh (thành phố Nam Định) (...) tìm một chỗ trọ chơi để tiêu qua ngày tháng (...) Ba cái nhà gạch liền làm một (...) ngoài tỉnh mà có cả vườn, ao, phong cảnh đã hơi thú.”

Chủ nhân đi vắng luôn (...) nhà chỉ có bà vợ lẽ (...) ở với (...) ba con bà cả (ở quê) là một cô gái 14 tuổi học tiểu học và hai cậu con trai nhỏ. Cô con gái ấy (...) ấm Hiếu đặt cho cái tên Giáp, có một cô bạn ở gần đó thường hay đến chơi luôn, ấm Hiếu đặt cho tên Ất (để giấu tên thật).

“... Lại một người nữa bạn nữ học, khuôn mặt trái xoan, con nhà băng tuyết mà rất phong cách, mới 13 tuổi, mà rất si tình, trưa và tối thường đến. Một bận ngoài sân phơi nong khế, mình với cô Giáp và hai người nhà nữa đương ngồi quây ăn chơi, cô Ất đâu mới lại là bận nhất, cũng ngồi xuống ăn mà mắt ngắm mình mãi làm cho mình phải thẹn mà đứng dậy (...) Một bận hơi sốt, chiều không ăn cơm, mua bánh tây để đến tối. Độ hơn 7 giờ, cô Ất đến, nhân cả cô Giáp cùng đem ăn, bà chủ nhân cũng ngồi chơi đấy. Ăn xong bổ bưởi ăn, gọi là tiệc bưởi. Rồi quên cả sự sốt mà ngồi ngắm (...) xem trong hai người (Giáp và Ất), lông mày ai dài nhất (...) Nguyên hôm đánh bài tây, trong lúc đẹt lẫn lộn, Ất có vả khẽ mình một cái rồi sau sự giác lộ.”

Sự giác lộ nên Ất sẽ có câu hát với Hiếu: “Trách người một trách ta mười, bởi ta sàm sỡ nên người bờm xơm”!

Bài Kỷ Niệm Hái Hoa Đào (...) là rút từ Mộng mà ra nhưng đoạn ở Mộng ngắn gọn hơn mà lại có nhiều chi tiết:

“Một hôm giáp tết, ông chủ nhân với cô Giáp và hai em bé cùng về quê. Bà chủ đương sắp bảo nấu nước cho mình tắm, chợt cô Ất đến. Bà chủ nhân bảo Ất đi hái lá tre để tra vào nồi nấu. Lúc tắm xong, cùng ăn. (Xong cùng) Ất ra vườn sau hái hoa. Mình trèo lên hái thời Ất đứng dưới cầm; Ất lên, mình lại xuống. Khách địa tha hương giai nhân, tài tử, đầu xanh mây biếc, người trắng hoa hồng, giời nam ai vẽ bức Thiên Thai mà mỗi bên bớt đi một (1) (...)

Sớm hôm sau (...) lên xe lửa mà về. Đứng trên toa trông vào chỗ ở cũ, còn tường hoa, còn sân gạch, còn người đứng cách trong bờ ao; rồi giang sơn lùi lại mà xe lửa giật đi, thời cảnh tượng đương ở mắt vụt chỉ còn có trong bụng (...)”.

Bài thơ Đưa Người Tình Nhân Có Quen Biết là (...) tâm sự về người đẹp hoa đào (...)

“Kể từ độ giang hồ lạc phách
Hội tương phùng đất khách đôi ta
Biết nhau khi mới mười ba
Tuần trăng chưa mãn, nụ hoa chưa cười”.


Đây cũng lại là tình tan vỡ:

“Tấm riêng, riêng những thẹn mình
Giữa đường tan đứt gánh tình như không
Gập tờ giấy niêm phong hạt lệ
Nhờ cánh tem bay đệ cung mây
Ái ân thôi có ngần này
Thề nguyền non nước đợi ngày tái sinh”.


Bài hát Ôm Cầm là lời than cho số phận đoạn trường của người bạn cùng hái hoa đào (...)

“Chị em ai lận đận bên trời
Non cao nước chảy ai người tri âm
Lúc đêm thanh ngồi dậy ôm cầm
Lòng tơ, tơ tưởng âm thầm tiếng tơ
Khúc đàn này vẫn khúc ngày xưa
Mà người đoái khúc bây giờ đâu xa?
Nhớ đầu xanh còn đương độ mười ba
Cười trăng bóng xế, thương hoa thu tàn
Thế mà cái phận hồng nhan!”


Bài hát này in lần đầu trong Giấc mộng con I (1916) (...)


(Lược trích từ bài “Nói một đôi điều về người bố nghệ sĩ” của Nguyễn Khắc Xương, in trong tập
Chén rượu vĩnh biệt, nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1989. Nhan đề phần trích tạm đặt.)

















________
(1) Theo tích cổ, hai chàng Lưu và Nguyễn lạc tới Thiên Thai, kết duyên với hai tiên nữ. Đây chỉ có Hiếu và Ất nên nói “mỗi bên bớt đi một”.