Mưa lạnh đi cà-phê thì... phải quá. Có hai càng hay, mà một thôi với mưa cũng đủ.

“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay...”, “bay như phấn thông” cho “hoa nhòe thành bướm”!

Người Đàng Trong ra Thăng Long không biết có ai làm thơ “dạ vũ ký nam”? Có dịp ra lâu lâu, thấm mưa đêm đất bắc, hẳn khi trở vào phải chong nến tới sáng mà kể với tri kỷ...(1)

“Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi...”.

“Mưa trên phố” nhiều vẻ thấm thía, sao hiếm rơi trong tranh Phái nhỉ? Tìm mãi, mới thấy chỉ một lần.
(Thu Tứ)

(1) Xem bài “Dạ vũ ký bắc” của Lý Thương Ẩn.



Băng Sơn, “Mưa trên phố”




Hà Nội có những ngày mưa khiến đôi người bạn phải bật cửa đội mưa để tìm nhau (...) Tách cà-phê tỏa khói thơm, phả hơi nóng vào đôi bàn tay vừa dầm trong mưa lạnh giá. Những giọt cà-phê lặng lẽ rỏ vào lòng tách trắng, nó có màu hổ phách, có vị đắng ngọt ngào, có hương mê hoặc... còn ngoài kia mưa đang thảng thốt rào rào, đang âm thầm thánh thót hay đang mơ hồ lơ đãng bay lướt không gian... Đó là trận mưa “tri kỷ”, trận mưa lay phay, không ra một trận, cứ rỉ rả kéo dài (...)

Giêng hai, mưa bụi phủ trắng những bông cúc muộn, chắc mưa này là hồi quang, là điệp khúc của trận mưa đông làm mờ ảo nhành mai trước tiết đại hàn. Hình như tranh phố Phái không có mưa hoặc rất ít mưa. Phải chăng mưa bay như phấn thông ấy là nét nhòe tài hoa của bức tranh lụa làm bông hoa đã thành cánh bướm, ngọn tháp rêu phong cũng khoác áo choàng voan; không như nét cứng cáp dứt khoát của sơn khắc, nét thô nháp quằn quại của sơn dầu, nét vàng son lóe sáng của sơn mài cổ điển.

Tháng bảy, nỗi mưa Ngâu (...) Con sông trời (...) cứ duềnh lên (...) Có những đêm mưa, nằm mãi không ngủ được vì tiếng mưa thì thào trên hàng cây mái phố. Tiếng gì xa vắng thế? Tiếng gì như hơi thở dài to dần lên, xoẹt qua tai rồi lại nhỏ dần đi và mất hút vào mưa? Chiếc xe nào đi vội trong mưa, bánh xe xiết vào làn nước, tưởng như nhìn thấy hai làn nước hình dẻ quạt tóe sang hai bên trong ánh đèn vàng chóe. Sáng mai, trận mưa làm đường phố sáng lên, cây cối tinh khiết sạch sẽ, tươi tắn như gái dậy thì (...) Hồ Gươm đầy lên, chan chứa, như rộng ra, mênh mông hơn, ít xanh hơn nhưng lùa cái mát lạnh lên đường cho áo mình như mỏng đi trong thông thoáng. Có thể đứng trên bờ khỏa bàn chân xuống nước hồ tươi rói nước mưa, cho cái lạnh thấm tận gan bàn chân, chợt nghĩ rằng mình là người thứ bao nhiêu triệu được hưởng cái niềm vui sướng này (...)

Tháng mười trời màu bạc, người lạnh hai vai. Con rươi sắp trở về, gọi vỏ quýt thìa là để thơm từ bếp nhà này sang góc phố khác. Cái áo len cất đi từ tháng giêng hai, còn thơm mùi băng phiến trong tủ, ta đi trên phố (...) Chợt một trưa nào, trời như chuyển mình, người này người nọ kêu đau xương cốt, mây không tươi sáng cũng không âm u, mà cứ rập rình những đám mây không ra dày không ra mỏng cho lắc rắc chút mưa trêu ngươi. Mưa rươi đấy (..) Mưa rươi có gọi là mưa thu được không? (...) Thâm Tâm có câu thơ: “Cuối thu mưa nát lòng dâu biển” (...) khi mùa thu bàn giao không gian cho mùa đông thì những sợi mưa đã biến thành những con dao vô hình (...) cắt vào da thịt người (...)