Cái hoàng gia Chân Lạp vào khoảng ấy! Nước đã yếu như sên, quan ta dẫn có 3000 quân đi mà cũng bắt được vua, thế mà lại tranh nhau làm vua đến nỗi người “cõng rắn Xiêm” kẻ “cõng rắn Việt” về “cắn gà nhà”! Và đến nỗi cắt bao nhiêu đất biếu ngoại bang!

Mạc Cửu được việc quá: tự dưng ở bên Tàu chạy qua Miên khai khẩn đất xong đem dâng cho ta!

Đọc đến câu “Chúa Nguyễn (...) bắt (...) vua (Chân Lạp) (...) phải (...) bênh vực người Việt Nam sang làm ăn ở bên ấy”, không khỏi giật mình. Tưởng tượng ngày nào đó nhà nước Trung Quốc bắt nhà nước ta phải “bênh vực” dân Tàu sang làm ăn bên ta!

Bằng mọi giá, nhất định không để cho ai làm với ta chuyện ta đã làm với người khác!

(Thu Tứ)



Trần Trọng Kim, “Nam tiến đợt 2”



Chiếm nốt đất Chiêm Thành

(Năm 1470 Lê Thánh Tôn mở nước đến đèo Cù Mông, chia đất còn lại của Chiêm Thành thành ba nước là Hoa Anh, Nam Bàn và Chiêm Thành.)

Năm 1611 Nguyễn Hoàng phát binh đi đánh (nước Hoa Anh) lấy đất lập ra phủ Phú Yên (...)

Năm 1653 vua nước Chiêm Thành là Bà Thấm sang quấy nhiễu ở đất Phú Yên, chúa Hiền là Nguyễn Phúc Tần mới sai quan cai cơ (...) sang đánh. Bà Thấm phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn để từ sông Phan Lang trở vào cho vua Chiêm, còn từ sông Phan Lang trở ra lấy làm Thái Ninh phủ, sau đổi làm phủ Diên Khánh (tức là Khánh Hòa bây giờ) (...)

Năm 1693 vua nước Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai quan tổng binh (...) đem binh đi đánh bắt được Bà Tranh (...)

Năm 1697 chúa Nguyễn đặt phủ Bình Thuận (...)

Từ đó nước Chiêm Thành mất hẳn.

Chiếm một phần đất Chân Lạp

Năm 1658 vua nước Chân Lạp mất (...) chú cháu tranh nhau, sang cầu cứu bên chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn bấy giờ là chúa Hiền sai quan đem 3000 quân sang đánh ở Mỗi Xuy (nay thuộc tỉnh Biên Hòa) bắt được vua nước ấy là Nặc Ông Chân đem về giam ở Quảng Bình một độ, rồi tha cho về nước, bắt phải triều cống và bênh vực người Việt Nam sang làm ăn ở bên ấy.

Năm 1674 nước Chân Lạp có người Nặc Ông Đài đi cầu viện nước Tiêm La để đánh Nặc Ông Nộn (nối ngôi Nặc Ông Chân mất năm 1673). Nặc Ông Nộn bỏ chạy sang cầu cứu (...) Chúa Hiền bèn sai cai cơ đạo Nha Trang (...) đem binh (...) sang đánh Nặc Ông Đài, phá được đồn Sài Gòn, rồi tiến quân lên vây thành Nam Vang. Nặc Ông Đài phải bỏ thành chạy vào chết ở trong rừng. Nặc Ông Thu ra hàng. Nặc Ông Thu là chính dòng con trưởng cho nên lại lập làm chánh quốc vương đóng ở Long Úc (U Đông), để Nặc Ông Nộn làm đệ nhị quốc vương, đóng ở Sài Gòn, bắt hằng năm phải triều cống.

Năm 1679 có quan nhà Minh là (...) Dương Ngạn Địch (...) Hoàng Tiến (...) Trần Thượng Xuyên (...) Trần An Bình, không chịu làm tôi nhà Thanh, đem 3,000 quân cùng 50 chiếc thuyền sang xin ở làm dân Việt Nam. Chúa Hiền (...) bèn (bắt phó vương Chân Lạp) cho (họ) vào ở đất Đông Phố (tức là đất Gia Định). Bọn Ngạn Địch chia nhau (...) cày ruộng làm nhà lập ra phường phố, có người phương tây, người Nhật Bản, người Chà-và đến buôn bán đông lắm.

Năm 1688 (...) Hoàng Tiến giết Dương Ngạn Địch rồi thông đồng với Nặc Ông Nộn để chống nhau với Nặc Ông Thu (...) Nặc Ông Thu bỏ không chịu thần phục chúa Nguyễn nữa (...) Chúa Nguyễn sai quan đem quân đi đánh dẹp, dùng mưu giết được Hoàng Tiến và bắt vua Chân Lạp phải triều cống trở lại.

Năm 1698 chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược (...) đất Đông Phố (phó vương Chân Lạp Nặc Ông Nộn bấy giờ đã bị phế) (...) sai quan vào cai trị. Lại chiêu-mộ (...) dân (...) vào để lập ra thôn xã và khai khẩn ruộng đất (...)

Năm 1699 vua Chân Lạp là Nặc Ông Thu đem quân chống với quân chúa Nguyễn, chúa sai (...) Nguyễn hữu Kính sang đánh. Quân ta sang đến thành Nam Vang, Nặc Ông Thu bỏ chạy, con Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm mở cửa thành ra hàng. Sau Nặc Ông Thu cũng về hàng, xin theo lệ triều cống như cũ. Quân ta rút về. Được ít lâu vua thứ hai là Nặc Ông Nộn mất, vua thứ nhất là ông Nặc Ông Thu phong cho con Nặc Ông Nộn là Nặc Ông Yêm làm quan và lại gả con gái cho. Sau Nặc Ông Thu già yếu, truyền ngôi cho con là Nặc Ông Thâm. Năm 1705 Nặc Ông Thâm nghi cho Nặc Ông Yêm có ý làm phản, bèn khởi binh đánh nhau. Nặc Ông Thâm lại đem quân Tiêm La về giúp mình. Nặc Ông Yêm phải chạy sang cầu cứu ở Gia Định. Chúa Nguyễn sai quan cai cơ (...) sang đánh (...) phá được quân Tiêm La, đem Nặc Ông Yêm về thành La Bích. Từ đó Nặc Ông Thâm ở Tiêm La cứ thỉnh thoảng đem quân về đánh Nặc Ông Yêm. Năm 1714 quân của Nặc Ông Thâm về lấy thành La Bích và vây đánh Nặc Ông Yêm nguy cấp lắm. Nặc Ông Yêm sai người sang Gia Định cầu cứu. Bên ta phát binh sang đánh (...) Nặc Ông Thu và Nặc Ông Thâm (...) chạy sang Tiêm La (...) Ta lập Nặc Ông Yêm lên làm vua Chân Lạp (...) Năm 1736 Nặc Ông Yêm mất, con là Nặc Ông Tha lên làm vua. Đến năm 1747 Nặc Ông Thâm lại ở bên Tiêm La về (...) đánh đuổi Nặc Ông Tha đi, rồi chiếm lấy ngôi làm vua. Nặc Ông Tha phải bỏ chạy sang Gia Định. Được ít lâu Nặc Ông Thâm mất, con là Nặc Đôn, Nặc Nguyên và Nặc Yếm tranh nhau. Chúa Nguyễn bèn sai quan (...) đem quân sang đánh bọn Nặc Đôn và đem Nặc Ông Tha về nước. Nặc Ông Tha về được mấy tháng lại bị người con thứ hai của Nặc Ông Thâm là Nặc Nguyên đem quân Tiêm La sang đánh đuổi đi. Nặc Ông Tha chạy sang chết ở Gia Định (...) Nặc Nguyên về làm vua Chân Lạp (...) thông sứ với chúa Trịnh ở ngoài Bắc để lập mưu đánh chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn biết tình ý ấy, đến năm 1753 sai Nguyễn Cư Trinh sang đánh Nặc Nguyên. Năm 1755 Nặc Nguyên thua bỏ thành Nam Vang chạy sang Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ.

Mạc Thiên Tứ là con của Mạc Cửu. Mạc Cửu là người khách Quảng Đông, khi nhà Thanh cướp ngôi nhà Minh bên Tàu, bỏ sang ở Chân Lạp (năm 1708), thấy ở phủ Sài Mạt có nhiều người các nước đến buôn bán, bèn mở sòng đánh bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ lưu dân lập ra bảy xã, gọi là đất Hà Tiên. Năm 1714 Mạc Cửu thấy thế chúa Nguyễn mạnh, xin dâng đất; chúa phong cho làm chức tổng binh, giữ đất ấy. Khi Mạc Cửu mất, Mạc Thiên Tứ được cho kế nhiệm cha trấn đất Hà Tiên.

Năm 1756 Mạc Thiên Tứ dâng thư về nói rằng Nặc Nguyên xin dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội, và xin cho về nước. Chúa Nguyễn không muốn cho. Bấy giờ ông Nguyễn Cư Trinh dâng sớ bày tỏ cách khai thác nên dùng kế “tầm thực” nghĩa là nên lấy dần dần như con tằm ăn lá, thì mới chắc chắn được. Chúa Nguyễn nghe lời ấy bèn nhận hai phủ và cho Nặc Nguyên về Chân Lạp.

Năm 1759 Nặc Nguyên mất, chú họ là Nặc Nhuận làm giám quốc. Nặc Nhuận còn đang lo để xin chúa Nguyễn phong cho làm vua, thì bị người con rể là Nặc Hinh giết đi, rồi cướp lấy ngôi làm vua. Quan ta thừa kế sang đánh, Nặc Hinh thua chạy bị thuộc hạ giết chết, bấy giờ con Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang nhờ Mạc Thiên Tứ ở Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ dâng thư về xin lập Nặc Tôn làm vua Chân Lạp. Chúa Nguyễn thuận cho, sai Thiên Tứ đem Nặc Tôn về nước.

Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long để tạ ơn chúa Nguyễn. Chúa bèn sai Trương Phúc Du và Nguyễn Cư Trinh đem dinh Long Hồ về xứ Tầm Bào, tức là chỗ tỉnh lỵ tỉnh Vĩnh Long bây giờ, và lại đặt ra ba đạo là Đông Khẩu đạo ở Sa Đéc, Tân Châu đạo ở Tiền Giang và Châu Đốc đạo ở Hậu Giang.

Nặc Tôn lại dâng năm phủ (...) để tạ ơn Mạc Thiên Tứ. Mạc Thiên Tứ đem những đất ấy dâng chúa Nguyễn, chúa cho thuộc về trấn Hà Tiên cai quản.

Vậy đất sáu tỉnh Nam kỳ bây giờ là đất lấy của nước Chân Lạp (...)


(Trích chủ yếu từ
Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, với một số ít chỗ trích từ Đất nước Việt Nam qua các đời của Đào Duy Anh. Nhan đề tạm đặt.)