Giống phong tục của người Lê ngoài đảo Hải Nam thì rất lạ... Chả lẽ tục này cổ đến tận thời của “những lưỡi rìu xéo duyên dáng, những lưỡi dao găm đốc cầm hình củ hành rất cầu kỳ”? (TT)



Đặng Văn Lung v.v., “Hát quan họ trùm đầu”




Cho đến những năm cuối của thế kỷ trước và những năm đầu của thế kỷ này, ở làng Diềm vẫn còn tục hát quan họ trùm đầu.

Làng Diềm, tên chữ là Viêm Xá, còn có tên là Viêm Ấp, cách thị xã Bắc Ninh chừng 4km theo đường chim bay, nằm chếch về phía tây bắc, trên cửa sông Ngũ Huyện nhập với sông Cầu.

Người Diềm xưa còn để lại trong lòng đất những lưỡi rìu xéo duyên dáng, những lưỡi dao găm đốc cầm hình củ hành rất cầu kỳ (được phỏng đoán có niên đại) thời vua Hùng. Trong số những di vật đã phát hiện, người ta còn chú ý đến những chuỗi hạt lưu ly màu xanh ngọc huyền ảo, chỉ nhỏ bằng hạt đỗ xanh, có xuyên lỗ để xỏ dây.

Nếu như lòng đất còn giữ được những di vật từ thời vua Hùng, thì trong tư duy người Diềm vẫn còn thấy dấu vết của nền văn hóa tinh thần buổi xa xưa ấy trong các tục lễ, kem, kỹ, hội hè, phong tục..., mà tục hát trùm đầu chắc chắn không phải là một tục mới.

Cứ tối đến, nhất là những tuần trăng sáng mùa thu, mùa hè, con trai quan họ làng Diềm lại trùm lên đầu mình một cái áo hoặc cái khăn, kéo nhau đôi ba anh từ chỗ ngủ bọn của mình đến chỗ ngủ bọn của các bạn gái để hát.

Các anh đến, đứng bên này rào, cất tiếng hát gọi bạn. Các chị nằm trong nhà, nghe tiếng hát của bạn thì kéo nhau ra hè hát đối vọng ra. Họ hát những bài quan họ và cũng hát đối giọng, như mọi canh hát quan họ thông thường.

Người Diềm gọi là hát trùm đầu, chứ không gọi là hát quan họ, vì theo quan niệm của nghệ nhân, thì hát quan họ phải có “lề lối” (trước giọng Lề lối, sau giọng Vặt), còn hát trùm đầu thì không có lề lối.

Những canh hát trùm đầu như vậy “kéo dài từ chập tối đến tận boong chùa”, tức là lúc chùa Diềm thỉnh chuông về sáng.

Theo các nhà dân tộc học, thì trùm đầu là một phong tục rất cổ. Hiện nay nó là một tục còn phổ biến ở người Lê, đảo Hải Nam (Trung Quốc), còn ở nước ta có lẽ chỉ còn tìm thấy trong hát đúm vùng Thủy Nguyên (Hài Phòng) và một vài tục hát của một vài địa phương khác như hát ghẹo ở Mỹ Sơn, Thanh Chương, Nghệ Tĩnh...

Cách hát ghẹo nhau qua bờ rào cũng hiếm thấy trong dân ca người Việt, ngược lại rất phổ biến trong dân ca các dân tộc ít người ở nước ta như người Thái chẳng hạn.


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1978, tr. 44-46)












__________
(1) Trần Linh Quý:
Hà Bắc ngàn năm văn hiến, tập III, Ty Văn hóa Hà Bắc xuất bản, 1974. Chúng tôi không quan niệm rằng quan họ là một hiện tượng nhất thành bất biến, nên vẫn xem nó là một chặng, một mốc trên quá trình lịch sử quan họ.