Trong hồi ký Đường tới Điện Biên Phủ, khi kể chuyện chiến dịch Biên Giới, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho biết một niềm vui rất lớn đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường ra mặt trận là thấy, chẳng hạn, cảnh dân công ngủ ngoài ruộng bậc thang nhường nhà trong bản cho những thứ mà họ đang khiêng gánh để chúng khỏi bị ướt, và chẳng hạn, cái cảnh hàng vạn đồng bào cầm đuốc nối nhau đi trong đêm giống như những con rồng lửa đang trườn qua núi non chập chùng đầy sương giá. Đại tướng nhắc “Từ những năm (…) đồng bào còn chìm đắm trong kiếp nô lệ, Nguyễn Ái Quốc đã nhìn thấy chân lý: Có dân là có tất cả”. Có dân thì có thể làm được những chuyện “ngoài sức tưởng tượng” của giặc mà đánh cho nó thua thật to, phải chịu trả lại nước. (Thu Tứ)



“Ngoài sức tưởng tượng...”

Nam Cao




Tôi cùng đi với một anh người tỉnh Cao Bằng. Vừa được tin quân Pháp rút khỏi thị xã Cao Bằng, anh tất tưởi đi ngay. Mặc dầu mâm bát đã bưng lên, anh cũng không thể nào nán lại độ mươi phút để ăn cơm. Anh còn biết đói là gì! Anh lên dốc băng băng. Anh xuống dốc vèo vèo. Anh nhảy qua hố, rãnh như một con dê. Tôi đuổi anh mà thở gần hết cả hơi. Anh luôn luôn quay lại, khuyến khích tôi: “Cố đi! Cố đi! May ra kịp ô-tô”. Tôi chợt nhận thấy mặt anh như đổi khác hẳn đi: da hồng hào, mắt long lanh, mũi hếch lên, phớn phở lạ thường. Tôi mỉm cười, đoán trước xem khi tới cầu sông Bằng, anh sẽ làm gì? Ôm ghì lấy một thanh sắt, rít lên, hay lao người qua cầu, chạy thẳng vào phố, kêu la ầm ĩ như một người hóa dại?

Anh có thể làm như thế lắm. Con người mọi ngày vốn lầm lì, hôm nay đột nhiên trở nên bồng bột hơn tất cả mọi người. Qua một cánh bãi có nhiều đám dân công đang bắc bếp thổi cơm, anh quay vào phía họ, reo to:

- Anh em ơi, Cao Bằng giải phóng rồi!

Những cái đầu đang thổi bếp, quay ra, ngơ ngác trong một phút, nhìn anh. Anh vẫn bước phăng phăng, vung tay, nhắc lại tin vui:

- Cao Bằng giải phóng rồi. Tây rút thị xã Cao Bằng vớ!

Từ đám dân công, vọt lên hai tiếng “hoan hô”. Đám người nhốn nháo lên. Tiếng reo. Tiếng vỗ tay. Những chị má vụt đỏ ửng, bá lấy vai nhau, xô đẩy nhau, hay vỗ lưng nhau bồm bộp, cười to. Những anh thanh niên nhảy cẫng lên. Những bộ mặt già giãn hẳn những nếp răn...

- A lúi! Cao Bằng giải phóng!

- Sung sướng vớ!

- Sung sướng nhiều lắm vớ!...

Tôi đi khỏi, tiếng reo cười ở sau lưng tôi vẫn kéo dài. Đằng trước tôi, anh bạn Cao Bằng vẫn bước phăng phăng, mỗi lúc một nhanh hơn, và vẫn vung tay, giọng đắc thắng báo tin vui:

- Pi-noọng à! Cao Bằng giải phóng. Tây rút thị xã Cao Bằng. Sung sướng vớ! Về ăn mừng đi vớ!

Và những tiếng reo cười hoan lạc lại nổi lên. Lại dân công! Dân công nghỉ ở hai bên đường họp thành những rừng người lồng vào những rừng cây. Trời tối hẳn. Những đám lửa phập phồng chống lại bóng đêm dày đặc chực bóp nghẹt tất cả ánh sáng đi, những bóng người lẫn với bóng cây. Đường núi gập ghềnh, tuy có ánh lửa hắt lên, nhưng là thứ ánh sáng lập lòe, nên rất khó đi. Tôi không tài nào còn theo kịp anh bạn Cao Bằng. Anh bỏ tôi xa. Nhưng một quãng dài, tôi vẫn còn nghe vọng hai tiếng vang vang như kèn chiến thắng của anh. Và làn sóng reo cười chưa kịp tắt hẳn ở sau lưng tôi thì một đợt mới lại nổi lên ở phía trước mặt tôi. Vẫn dân công! Chỗ nào cũng gặp dân công. Như vậy suốt từ ngày tôi bắt đầu lên mạn trên này, nghĩa là hai, ba tháng trước trận Đông Khê. Các bản không đủ chỗ nằm, ban đêm họ toàn ngủ đường, ngủ bãi thế thôi. Tạnh hay mưa, cảnh màn trời chiếu đất vẫn chung cho cả bộ đội với nhân dân tham dự chiến dịch này. Họ bảo nhau: “Mưa chịu, tạnh được nhờ”. Tạnh hay mưa là việc của trời. Giải phóng quê hương là việc chung của bộ đội với nhân dân. Luôn mấy tháng nhân dân mạn trên này chuẩn bị gạo, muối, bò, lợn, đắp đường, tải vũ khí, sửa soạn cho bộ đội đánh Tây. Cuộc chuẩn bị lặng lẽ, bí mật, ở xa không ai ngờ, nhưng lớn lao, vất vả, tốn kém, công phu ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Ta chiếm lại Đông Khê. Tây rút lui khỏi thị xã Cao Bằng. Toàn tỉnh Cao Bằng giải phóng rồi! Sung sướng vớ! Sung sướng nhiều lắm vớ!...


1950


(Trích từ bài “Vài nét ghi qua vùng vừa giải phóng”, đăng trong tạp chí
Văn Nghệ số đặc biệt chiến thắng Cao – Lạng, in lại trong sách Nam Cao - tác phẩm, tập 2, nxb. Văn Học, 1977. Nhan đề phần trích tạm đặt.)