“Thế giới bây giờ” (6.2)



CÁCH MẠNG VŨ KHÍ (II)



Từ cuối Thế chiến II đến cuối Chiến tranh Việt Nam
Từ cuối Chiến tranh Việt Nam đến Chiến tranh vùng Vịnh I
Từ Chiến tranh vùng Vịnh I đến nay (2013)
Từ nay đến năm 2040






Từ cuối Thế chiến II đến cuối Chiến tranh Việt Nam

Từ 1945 đến 1975:

Về các phương tiện chở, nhờ phát minh lò điện hạt nhân nhỏ, tàu ngầm và tàu sân bay bây giờ có thể hoạt động rất lâu không cần tiếp liệu, nhờ động cơ phản lực trưởng thành, máy bay có thể bay nhanh hơn âm thanh gấp đôi, ba lần.

Đạn tự hành lớn vùn vụt, trở thành cả một chủng loại hết sức đa năng: xuất hiện tên lửa đất đối đất, đất đối hạm, hạm đối đất, đất đối không, không đối đất, không đối không, không đối hạm, hạm đối không, có thứ bắn từ tàu ngầm đang lặn dưới nước, có thứ bay xa hàng mười mấy nghìn cây số, bay nhanh hơn âm thanh gấp hai chục lần!

Về cuối thời kỳ này, kỹ thuật hướng dẫn bom và tên lửa bắt đầu tiến bộ đáng kể. Trong tháng 4 và tháng 5 năm 1972, không quân Mỹ dùng vũ khí mới đánh sập được một phần cầu Hàm Rồng ở Thanh Hóa, là mục tiêu trước đó đã tấn công vô số lần bằng bom và tên lửa thường không thành công.

Về sức công phá của vũ khí, chẳng bao lâu sau bom nguyên tử, lại xảy ra một bước nhảy vọt nữa: bom khinh khí. Một quả bom khinh khí cỡ trung bình có thể giết hàng triệu người!!!

Về vũ khí hóa học và vũ khí sinh học, cho đến khoảng đầu thập kỷ 1960 cả Mỹ lẫn Liên Xô vẫn còn tiếp tục đẩy mạnh phát triển, nhưng đến cuối thập kỷ thì lại bắt đầu tự ý hủy bỏ và kêu gọi hủy bỏ hoàn toàn. Các nước đã có nhiều vũ khí nguyên tử không thèm đụng đến hai món “bẩn” này nữa, nhưng một số nước khác chỉ có hỏa lực cổ điển thì vẫn tiếp tục âm thầm tích lũy, nhất là loại vũ khí hóa học.

Từ cuối Chiến tranh Việt Nam đến Chiến tranh vùng Vịnh I

Từ 1975 đến 1991:

Tiến bộ lớn xẩy ra trong kỹ thuật hướng dẫn bom và tên lửa. Trong Chiến tranh vùng Vịnh I trước khi bộ binh Mỹ và đồng minh bắt đầu tiến, hỏa lực chính xác từ máy bay và tàu chiến đã coi như triệt tiêu xong khả năng chống cự của quân đội I-rắc!

Tiến bộ lớn khác là sự trưởng thành của loại tên lửa hành trình. Loại tên lửa này có thể bay rất thấp, dưới cao độ phát hiện được đối với đa số các hệ thống ra-đa phòng không.

Tiến bộ lớn nữa là cải tiến quan trọng trong kỹ thuật làm cho ra-đa không phát hiện được máy bay. F-117 và B-2 của Mỹ là hai ví dụ máy bay “tàng hình” nổi tiếng.

Cũng nên kể đến việc những vệ tinh do thám ngày một tối tân được liên tiếp đưa lên quỹ đạo. Chúng giúp nước chủ chọn trước được rất nhiều mục tiêu đáng giá cho bom và tên lửa của mình!

Kết hợp lại, những tiến bộ kỹ thuật vừa nêu khiến cho một quân đội được trang bị hiện đại như quân đội Mỹ có thể bất ngờ đánh hủy diệt gần như toàn bộ khí tài và cơ sở vật chất của một đối thủ lạc hậu về kỹ thuật, mà không phải chịu tổn thất gì cả! Mà không cần dùng đến vũ khí nguyên tử.

Từ Chiến tranh vùng Vịnh I đến nay

Từ 1991 đến 2013:

Tiến bộ lớn nhất là trong kỹ thuật chế tạo tên lửa phòng không. Vốn trước kia tên lửa chỉ có thể bắn rơi máy bay là cùng, bây giờ tên lửa có thể được hướng dẫn chính xác tới mức có thể bắn rơi tên lửa khác! Kỹ thuật đã phôi thai từ thập kỷ 1950, nhưng việc hoàn thiện gặp nhiều khó khăn nên năm 1972 Mỹ và Liên Xô ký với nhau hiệp ước giới hạn loại vũ khí này cho đôi bên khỏi tốn kém vô ích! Tuy nhiên Mỹ vẫn tiếp tục nghiên cứu và đến năm 2002 thì cảm thấy đã đạt được đủ tiến bộ nên tuyên bố rút khỏi hiệp ước trên để chính thức bắt đầu phát triển và bố trí hệ thống phòng không mà bây giờ thường gọi là “tấm khiên chắn tên lửa”. (Năm 2002, ngay ngày hôm sau, Nga tuyên bố rút khỏi hiệp ước cấm hai bên bố trí tên lửa chiến lược đa đầu, là thứ tên lửa khó chắn nhất.)

Tên lửa hiện đại còn bắn trúng được cả vệ tinh, là thứ mục tiêu rất cần phải thanh toán khi xảy ra đại chiến. Hễ bị mất vệ tinh do thám thì sẽ không biết nên đánh chỗ nào. Còn mất vệ tinh định vị thì độ chính xác của bom và tên lửa sẽ giảm hẳn.

Kỹ thuật giúp máy bay thu nhỏ bóng ra-đa tiếp tục phát triển mạnh, ứng dụng được cho cả những tàu chiến lớn.

Về tàu ngầm, cải tiến quan trọng làm cho máy tàu chạy êm hơn, khiến loại phương tiện chở này càng thêm khó phát hiện.

Cuối cùng, cũng rất đáng chú ý, là việc máy bay không người lái đã đủ tối tân để có thể sử dụng như bệ phóng tên lửa đối đất, như Mỹ đã nhiều lần biểu diễn ở nhiều nơi.

Từ nay đến năm 2040

Trong số những thứ vũ khí đang được tích cực cải tiến:

- Tên lửa, cả công lẫn thủ. “Nóng” nhất hiện nay, có lẽ là cuộc chạy đua chế tạo loại tên lửa hành trình bay siêu nhanh (ít nhất 5 lần tốc độ âm thanh) và siêu xa (hàng năm bảy nghìn cây số). Hình như chưa ai hình dung được một cách triệt hạ món “độc” này.

- Máy bay không người lái làm bệ thả bom, bệ phóng tên lửa.

Trong số những thứ vũ khí mới sắp ra đời, có lẽ có súng bắn tia la-de.

Đưa vũ khí lên không gian từ lâu là ao ước lớn, chắc sẽ thành hiện thực.

Không nghe nói sẽ ra đời thứ gì mạnh hơn bom H.



Thu Tứ
2013-09-16