Có đến hai chợ Ó “âm dương”! Từ chạng vạng đến 7 giờ tối, âm là ma, dương là người sống. Còn từ 7 giờ tối trở đi, âm là nữ, dương là nam! Chợ trước chợ cầu may, chợ sau chợ tình. Đến cả bà cụ bán hàng trầu nước cũng hát, quan họ Ó vui thật. (TT)



Đặng Văn Lung v.v., “Hội Ó”




Làng Ó, có tên chữ là Xuân Ổ, thuộc huyện Tiên Sơn, tỉnh Hà Bắc. Làng nằm cạnh đường quốc lộ 1A, cách thị xã Bắc Ninh 4km về phía nam. Thế làng bằng phẳng, chia làm hai thôn: thôn trên, thôn dưới, hiện nay gọi là Xuân Ổ A và Xuân Ổ B. Làng có hai chùa. Hội làng được tổ chức ở chùa trong. Chùa ngoài còn có tên là chùa Lái. Tại chùa Lái, Ty Văn hóa Hà Bắc đã phát hiện được một số di vật khảo cổ thuộc thời kỳ đồ đồng. Làng có chợ, gọi là chợ Ó, nằm sát cạnh đường quốc lộ 1A, hiện nay không còn dấu vết gì của cái chợ Ó ngày xưa ấy nữa (...) Cái cảnh sầm uất của chợ Ó như còn vọng lại trong bài hát quan họ cổ truyền theo điệu hát đúm:

Mồng năm chợ Ó
Quan họ dồn về
Hội vui lắm lắm
Chưa kịp đi tắm
Chưa kịp gội đầu
Trầu chửa kịp têm
Cau chưa kịp bổ
Miếng lành miếng xổ
Miếng lại quên vôi
Người có yêu tôi
Thì người cầm lấy
..............


Cái chợ Ó ngày mồng năm tháng giêng âm lịch ấy, các cụ gọi là ngày “hội chợ bán gà”, còn sách Hà Bắc phong thổ thì gọi là “chợ âm dương”.

Tại sao gọi là “hội chợ bán gà”?

- Làng Ó có tục tế gà đen cho thành hoàng làng. Gà đen nhà nào được chọn làm vật tế, nhà ấy sẽ được hưởng nhiều may mắn trong năm ấy. Các gia đình trong làng và các làng bên cạnh thi nhau đưa gà đen đến chợ bán với giá rẻ, để mong gà của mình được làm vật tế.

Theo lệ thường, ngày mồng ba, các giáp họp bàn thể lệ tổ chức hội chùa hằng năm. Trong tổ chức hội chùa, có tổ chức hội chợ. Tối mồng 3, sau khi đã bàn bạc thống nhất ở làng, từng giáp về họp giáp và cử ban mua gà của giáp.

Xẩm tối ngày mồng 4 thì họp chợ.

Chợ họp vào lúc chạng vạng tối. Đấy là khoảng thời gian giao tiếp giữa ngày và đêm, theo quan niệm dân gian, đó là lúc âm dương giao tiếp, lúc trao đổi giữa người và ma, giữa cõi âm và dương gian. Vì vậy gọi là “chợ âm dương”. Gà đen sẽ thâm nhập được sâu vào thế giới âm ty để xem xét điều lành, điều dữ, về báo lại với thành hoàng. Thành hoàng sẽ liệu mà phù hộ độ trì dân chúng. Đặc biệt, trong ngày chợ này, ngoài gà ra, ai có đồ vật gì cũ kỹ thì đem bán. Bán với giá rẻ. Người mua không mặc cả. Người bán không đếm tiền. Người bán giao đồ vật, nói số tiền. Người mua im lặng mở dây tiền đồng, rút ra một đoạn ước chừng, bỏ vào tay người bán. Người bán lặng lẽ bỏ tiền vào bị cói. Cuộc trao đổi thầm lặng ấy, người ta gọi là “mua may bán rủi”. Đứng xa chỉ nhìn thấy những bóng đen đi lại và nghe tiếng xầm xì. Cuộc mua bán xảy ra nhanh chóng. Người ta quan niệm rằng, mua bán như thế, ma sẽ họp chung với người, hai bên trao đổi hàng hóa cho nhau. Trong khi mua bán nhất định sẽ xảy ra tình trạng kẻ hơn người thiệt. Nhưng người thiệt lại chính là kẻ được hơn, vì họ đã có dịp làm phúc. Mọi người đều muốn làm phúc, nhất là làm phúc cho thế giới âm ty. Cho nên, cuối cùng mọi người đều thanh thản vì sự thiệt, mà cũng vui vẻ vì sự hơn! Có cụ còn kể rằng, chính cụ đã đi chợ Ó, và khi nhận tiền của người mua thì đúng là tiền thật, nhưng sáng ra xem lại thì thấy là một đống vỏ hến! Có lẽ đấy là dấu vết của một ký ức thời xa xưa về việc mua bán, nó phù hợp với quan niệm chợ âm dương và việc bán hàng cũ ở các chợ với quan niệm “may, rủi” như thế này cũng có tổ chức ở nhiều nơi khác.

Việc chọn gà không có gì đặc biệt, tiêu chuẩn chọn là gà béo và đen tuyền.

Khoảng 7 giờ đến 7 giờ rưỡi tối thì chợ tan.

Tan chợ, từng tốp con trai đã chờ sẵn từ lâu, từng tốp con gái cũng đã rủ nhau từ trước. Các lều hàng trong chợ hôm đó bỗng (hằng ngày không có) đỏ đèn lên và xuất hiện những bà cụ bán hàng trầu nước. Thế là buổi hát quan họ chợ Ó bắt đầu. Con trai, con gái hát mời nhau vào uống nước, xơi trầu. Bà bán quán cũng hát mời trai gái hát vui xuân, cho dân làng khang thịnh. Trai gái túm tụm ngồi hát trong các hàng nước. Trong quán không đủ chỗ thì một số tốp nhường bạn quán nước, rủ nhau ra trải chiếu ngồi hát giữa chợ, một số tốp đi xa hơn, ra hát ở các cánh đồng. Hát quan họ chợ Ó kéo dài suốt đêm hôm ấy. Các bọn con trai, con gái làng xa được các con trai, con gái làng Ó mời về nhà ăn hội mồng năm. Sáng mồng năm, ngoài chùa tế lễ, trai gái kéo nhau ra hát. Trước chùa tổ chức cuộc vui: chọi gà, vật, cờ tướng... Tối mồng năm, quan họ lại tiếp tục hát. Nửa đêm về sáng mồng năm sang mồng sáu, quan họ Ó giã bạn để kéo nhau sang hội khác.

Cần nói thêm một chút về cách tổ chức bọn con trai, con gái đi hát quan họ chợ Ó. Con trai, con gái trong làng Ó cũng như ở các làng khác tự rủ nhau. Mỗi tốp độ ba người đến sáu người. Tiêu chuẩn là “đồng niên”, nghĩa là sinh cùng tuổi (Tý, Sửu, Dần...) . Mỗi tốp đi với nhau như vậy, tuy không có một nghi thức nào gọi là kết nghĩa, nhưng tục luật cũng như tâm lý cổ truyền coi họ như con một nhà. Họ coi cha mẹ của bạn đồng niên là cha mẹ của mình, anh chị em bạn đồng niên là anh chị em mình. Ngược lại, các bậc cha mẹ và anh chị em trong nhà cũng quan niệm như thế. Do đó, nhóm kết bạn này coi nhau như anh chị em ruột thịt. Nếu ai phạm lỗi, xúc phạm đến tình cảm ấy sẽ bị trừng trị rất nặng.


(Đặng Văn Lung, Hồng Thao, Trần Linh Quý,
Quan họ - nguồn gốc và phát triển, nxb. Khoa Học Xã Hội, 1978)